Tuần qua, thị trường tiền mã hóa chứng kiến nhiều biến động đáng chú ý như Amazon đối mặt điều tra chống độc quyền vì đầu tư vào Anthropic, Tòa án Anh đóng băng tài sản liên quan đến vụ lừa đảo OneCoin, và FTX đồng ý bồi thường 12,7 tỷ USD, khép lại vụ kiện gian lận. … Hãy cùng Phổ cập Blockchain điểm qua các tin tức nổi bật này.
Amazon bị điều tra sau khoản đầu tư vào Anthropic
Amazon đang đối mặt với cuộc điều tra chống độc quyền của cơ quan chức năng tại Anh sau khi rót 4 tỷ USD vào công ty AI Anthropic. Cơ quan Quản lý Cạnh tranh Anh Quốc (CMA) lo ngại rằng Amazon có thể đang sử dụng khoản đầu tư này để kiểm soát thị trường AI, đặc biệt là trong bối cảnh cuộc chạy đua đầu tư vào AI đang bùng nổ. CMA cũng đang điều tra các mối quan hệ hợp tác của Microsoft với OpenAI và Inflection AI, và sẽ có 40 ngày để quyết định liệu khoản đầu tư của Amazon vào Anthropic có vi phạm quy định về sáp nhập hay không.
Tòa án Anh đóng băng tài sản liên quan đến OneCoin
Tòa án Tối cao Vương quốc Anh vừa ra lệnh đóng băng tài sản toàn cầu liên quan đến vụ lừa đảo tiền mã hóa OneCoin, ước tính lên đến 4 tỷ USD. Lệnh nhắm vào những kẻ chủ mưu và người quảng bá cho dự án, bao gồm nhà sáng lập Ruja Ignatova và đồng sáng lập Sebastian Greenwood.
Đây được xem là một bước tiến quan trọng trong nỗ lực đòi lại công lý cho hàng triệu nhà đầu tư bị OneCoin lừa đảo trên toàn thế giới. Rhymal Persad, luật sư đại diện cho các nhà đầu tư, cho biết phán quyết nhằm mục đích bồi thường cho những người đã bị tổn thất bởi kế hoạch lừa đảo này. Ông nhấn mạnh vụ việc đã gây ra thiệt hại đáng kể cho cuộc sống của nhiều người, từ các nhà đầu tư cá nhân đến các tổ chức tài chính.
Celsius kiện Tether, đòi bồi thường 3,5 tỷ USD Bitcoin
Celsius vừa đệ đơn kiện Tether, cáo buộc công ty này chiếm dụng tài sản và đòi bồi thường 3,5 tỷ USD, bao gồm Bitcoin, tiền bồi thường thiệt hại, và phí pháp lý.
Trong nội dung đơn kiện, Tether đã thanh lý số Bitcoin (BTC) được dùng làm tài sản thế chấp cho khoản vay Tether (USDT) mà Celsius đã nhận trước đó, mà không cho Celsius cơ hội bổ sung tài sản thế chấp.
Tether đã phản bác lại cáo buộc, khẳng định vụ kiện này là vô căn cứ và tuyên bố sẽ “bảo vệ mạnh mẽ” mình trước những cáo buộc này. Theo Tether, chính Celsius đã yêu cầu bán số Bitcoin sau khi không thể bổ sung tài sản thế chấp theo yêu cầu.
Dù Tether khẳng định sẽ kiên quyết chống lại vụ kiện, công ty này cũng trấn an người nắm giữ USDT rằng ngay cả trong trường hợp xấu nhất, người nắm giữ token Tether sẽ không bị ảnh hưởng.
FTX đồng ý bồi thường 12,7 tỷ USD, khép lại vụ kiện gian lận
Tòa án Quận phía Nam New York đã phê chuẩn thỏa thuận dàn xếp trị giá 12,7 tỷ USD giữa FTX, Alameda Research và Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai (CFTC), đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc giải quyết hậu quả của vụ sụp đổ sàn giao dịch tiền mã hóa FTX.
Toàn bộ số tiền 12,7 tỷ USD sẽ được chuyển cho các chủ nợ của FTX, trong đó 8,7 tỷ USD sẽ được sử dụng để bồi thường cho những người bị thiệt hại do vi phạm Đạo luật Giao dịch Hàng hóa của FTX và Alameda, và 4 tỷ USD còn lại sẽ được thu hồi từ lợi nhuận bất hợp pháp.
Thỏa thuận cũng cấm vĩnh viễn FTX, Alameda và các bên liên quan tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào giao dịch hàng hóa, bao gồm cả tài sản số.
Nga hợp pháp hóa hoạt động “đào coin”
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký ban hành luật hợp pháp hóa hoạt động khai thác tiền mã hóa (đào coin), tạo nền tảng pháp lý cho ứng dụng blockchain vào hệ thống tài chính của Nga. Luật mới đặt ra khuôn khổ pháp lý rõ ràng cho hoạt động đào coin, yêu cầu các cá nhân và tổ chức tham gia phải đăng ký với chính phủ và tuân thủ các quy định về thuế.
Động thái này cho thấy Nga đang hướng tới việc kiểm soát và thu lợi nhuận từ ngành công nghiệp tiền mã hóa, thay vì áp dụng biện pháp cấm đoán. Đây cũng là một phần trong nỗ lực rộng lớn hơn nhằm hiện đại hóa hệ thống tài chính và giảm sự phụ thuộc vào đồng đô la Mỹ.
Hồng Kông triệt phá đường dây rửa tiền bằng tiền mã hóa
Hải quan Hồng Kông vừa triệt phá thành công một đường dây rửa tiền quy mô hơn 190 triệu USD thông qua các giao dịch tiền mã hóa, sử dụng 200 tài khoản ngân hàng và 6 công ty ma.
Băng nhóm này bị cáo buộc do một gia đình ẩn danh điều hành đã sử dụng gần 40 tài khoản ngân hàng của 6 công ty ma để che giấu nguồn gốc bất hợp pháp số tiền khổng lồ, được cho là có xuất xứ từ Hàn Quốc.
Hiện tại, cơ quan chức năng đã phong tỏa 280.000 USD trong các tài khoản liên quan và đang tiếp tục điều tra, cũng như lần theo dấu vết của dòng tiền bất hợp pháp. Các nghi phạm đã được tại ngoại nhưng vẫn bị giám sát chặt chẽ.
Ripple kết thúc vụ kiện với SEC bằng mức án phạt 125 triệu USD
Vào ngày 7/8, Thẩm phán Analisa Torres của Tòa án Quận phía Nam New York đã xem xét kỹ báo cáo của chuyên gia Ripple về các hợp đồng liên quan và kết luận có 1.278 giao dịch bán XRP đã vi phạm luật chứng khoán (cụ thể là Mục 5 về việc đăng ký chứng khoán). Chính vì vi phạm này, Ripple phải chịu mức phạt 125 triệu USD và phải đóng phạt trong 30 ngày.
Dù bị phạt 125 triệu USD, CEO Brad Garlinghouse vẫn tuyên bố đây là một chiến thắng cho công ty, cho ngành công nghiệp tiền mã hoá và cho pháp quyền.
Giá XRP trong sáng ngày 08/08đã tăng từ 0.5 USD lên 0.64 USD khi có tin vụ kiện giữa Ripple và SEC khép lại với mức phạt 125 triệu USD, đồng nghĩa với việc XRP không còn bị dính cáo buộc là chứng khoán.