So với cuối tháng 6/2021, tài sản tiền mã hóa được lưu ký của các ngân hàng đã giảm 66%, trong khi mức độ tiếp xúc thận trọng của họ đối với tài sản tiền mã hóa tăng 30%. Mức độ tiếp xúc với tiền mã hoá của các ngân hàng vẫn ở dưới 1% trên tổng tài sản.
Mức độ tiếp xúc của các ngân hàng đối với tài sản tiền mã hoá
Theo báo cáo Giám sát BASEL III mới nhất của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS), mức độ tiếp xúc với tài sản tiền mã hóa của các ngân hàng toàn cầu vẫn còn rất nhỏ, hầu hết đã giảm trong năm 2022.
Chỉ có 17 trong số 181 ngân hàng Nhóm 1 nằm trong giám sát BASEL III công bố về việc tiếp xúc với tài sản tiền mã hóa. Trong đó, 11 ngân hàng có trụ sở tại Châu Mỹ, 4 ngân hàng ở Châu Âu và 2 ngân hàng còn lại có trụ sở tại các khu vực khác trên thế giới. Tuy nhiên, báo cáo không đề cập tên các ngân hàng được khảo sát.
Tính đến cuối tháng 6/2022, tổng mức tiếp xúc thận trọng đối với tiền mã hóa của những ngân hàng này đạt 2,9 tỷ Euro, trong khi tài sản tiền mã hóa được lưu ký của họ có tổng trị giá 1,0 tỷ Euro.
Tiếp xúc thận trọng được định nghĩa là “tiếp xúc trực tiếp với tài sản tiền mã hóa, bao gồm cả rủi ro tổng hợp hoặc phái sinh, làm phát sinh tín dụng hoặc thị trường tài sản có trọng số rủi ro (RWA)”.
Như vậy, ngân hàng được xem có “tiếp xúc với tiền mã hóa” là những ngân hàng sở hữu trực tiếp tiền mã hóa; sở hữu các cổ phiếu liên quan đến các công ty tiền mã hóa như Coinbase; giao dịch tiền mã hóa hoặc các tài sản và công cụ liên quan đến tiền mã hóa; thanh toán bù trừ các công cụ phái sinh liên quan đến tiền mã hóa.
Các khoản tiếp xúc thận trọng với tiền mã hóa của các ngân hàng này chỉ chiếm 0,013% trong tổng số tài sản họ tiếp xúc, trong khi tài sản tiền mã hóa được lưu ký chỉ chiếm 0,005% tổng số khoản tiếp xúc. Như vậy, khi so sánh với toàn bộ quy mô của 181 ngân hàng, tỷ lệ phần trăm lần lượt giảm xuống 0,003% và 0,001% trên tổng số rủi ro.
So với cuối tháng 6/2021, tài sản tiền mã hóa được lưu ký của các ngân hàng đã giảm 66%, trong khi mức độ tiếp xúc thận trọng của họ đối với tài sản tiền điện tử tăng 30%. Mức độ tiếp xúc với tiền mã hoá của các ngân hàng vẫn ở dưới 1% trên tổng tài sản.
Thiếu giám sát đối với ngân hàng
Theo báo cáo, sự sụt giảm tài sản tiền mã hoá đang lưu ký do có “hai ngân hàng không công bố các khoản tiếp xúc tiền mã hóa của họ trong năm 2022”, ngoài ra suy thoái của thị trường chung đã tác động đáng kể. Đặc biệt, hai ngân hàng không nằm trong hoạt động giám sát này đều cung cấp các dịch vụ tài sản tiền mã hoá.
Thanh toán bù trừ, giao dịch và Bitcoin
Phần lớn rủi ro của các ngân hàng đến từ hoạt động thanh toán bù trừ và giao dịch, lần lượt chiếm 41% và 32% tổng rủi ro liên quan đến tài sản tiền mã hóa. Trong khi đó, 10% rủi ro đến từ việc nắm giữ của các ngân hàng, phần còn lại đến từ việc cho các công ty tiếp xúc với tài sản tiền mã hóa và các hoạt động cho vay khác.
Bitcoin là tài sản cơ bản chính, chiếm 43% tổng số tài sản tiền mã hoá mà các ngân hàng có tiếp xúc. Trong khi đó, Ethereum chỉ chiếm 4%, cổ phiếu và nợ do Coinbase phát hành chiếm 29% tài sản cơ bản.
PCB Tổng hợp