Sàn DEX Hyperliquid mở rộng dịch vụ, cho phép giao dịch giao ngay ETH sau khi hợp nhất HyperCore và HyperEVM.
Hyperliquid, một sàn giao dịch phi tập trung (DEX) nổi bật trong hệ sinh thái DeFi, vừa thông báo triển khai tính năng giao dịch giao ngay (spot) cho ETH, cho phép người dùng nạp và rút trực tiếp ETH trên nền tảng. Động thái này đánh dấu bước mở rộng quan trọng đối với Hyperliquid, vốn trước đây tập trung chủ yếu vào mảng giao dịch hợp đồng tương lai vĩnh viễn (perpetual futures) kể từ khi ra mắt vào năm ngoái.
Theo thông báo mới nhất, người dùng giờ đây có thể nạp ETH không chỉ vào nền tảng giao dịch Hyperliquid mà còn vào lớp mã hóa tài sản Hyperunit, nơi đã hỗ trợ BTC và SOL trước đó. Hệ sinh thái Hyperliquid được xây dựng trên một blockchain Layer 1 hiệu suất cao tùy chỉnh, ban đầu được thiết kế riêng cho giao dịch perpetuals nhưng hiện đã phát triển thành một hệ sinh thái đa ứng dụng.
Hyperliquid hợp nhất cơ sở hạ tầng và mở rộng hệ sinh thái
Cột mốc quan trọng này xuất hiện sau khi Hyperliquid hoàn tất việc hợp nhất hai kiến trúc quan trọng – HyperCore (cơ sở hạ tầng nền tảng của Hyperliquid L1) và HyperEVM (lớp tương thích với Ethereum Virtual Machine). Trước đó, vào tháng 2, sàn DEX này đã ra mắt HyperEVM, cho phép các nhà phát triển triển khai smart contract trên nền tảng, tăng cường tính linh hoạt và khả năng mở rộng của hệ sinh thái.
Hyperliquid nổi lên như một trong số ít các dự án DeFi đạt được thành công đáng kể trong thời gian gần đây, đặc biệt sau đợt airdrop 1,2 tỷ USD token HYPE vào tháng 11. Token HYPE, được sử dụng làm gas token trong hệ sinh thái Hyperliquid, hiện đang giao dịch ở mức khoảng 14,15 USD, theo dữ liệu từ The Block.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành công ban đầu, nền tảng này cũng đối mặt với nhiều chỉ trích từ cộng đồng crypto do một số yếu tố tập trung trong thiết kế, bao gồm mã nguồn đóng, quy trình chọn validator không minh bạch, và sự phụ thuộc vào API tập trung. Mới đây, vào ngày thứ Tư, dự án đã phải gỡ niêm yết thị trường hợp đồng vĩnh viễn của memecoin JELLYJELLY (trên Solana) sau khi phát hiện một “cá voi” thao túng giá onchain.