Rửa tiền thường liên quan đến việc buôn bán vũ khí bất hợp pháp, tài trợ khủng bố, buôn người, tham ô, giao dịch nội gián, đánh bạc hay các đường dây mại dâm xuyên biên giới do các tội phạm có tổ chức quy mô lớn thực hiện. Vì vậy, công tác phòng chống rửa tiền là ưu tiên của tất cả các quốc gia trên thế giới, bao gồm Việt Nam.
Phát biểu tại hội nghị “Quy định về phòng, chống rửa tiền và vai trò của phòng, chống rửa tiền trong giao dịch tiền mã hóa”, ông Nguyễn Đoan Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam đánh giá, công tác phòng chống rửa tiền là ưu tiên của tất cả các quốc gia trên thế giới, bao gồm Việt Nam.
Theo ông Hùng, ngành công nghệ chuỗi khối (Blockchain) đã mở ra một kỷ nguyên mới về công nghệ và tác động sâu rộng tới nhiều lĩnh vực của nền kinh tế nhờ các tính năng quan trọng như tính bảo mật và quyền riêng tư.
Trên thực tế, công nghệ blockchain đã được ứng dụng vào nhiều lĩnh vực, từ tài chính ngân hàng, đến thương mại điện tử, chăm sóc sức khỏe, thể thao giải trí, bảo hiểm, logistics và nhiều ngành dịch vụ khác.
Báo cáo của Grand View Research cho biết dù rất non trẻ nhưng thị trường công nghệ chuỗi khối toàn cầu sẽ đạt giá trị hơn 1.400 tỷ USD vào năm 2030 với Tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là gần 86%/năm trong giai đoạn 2022 – 2030.
Ông Hùng đánh giá, sự tăng trưởng mạnh mẽ này không chỉ mang lại những lợi ích đặc biệt về kinh tế, xã hội mà còn tạo ra các tồn tại vô hình và thách thức trong công tác quản lý, đặc biệt là đối với các hoạt động rửa tiền xuyên biên giới.
Rửa tiền là hành vi tội phạm được định nghĩa là việc hợp pháp hóa các tài sản do phạm tội mà có. Theo báo cáo của Ngân hàng thanh toán quốc tế (BIS), tổng giá trị hoạt động rửa tiền trên toàn cầu mỗi năm có thể ngang bằng 2-5% GDP toàn thế giới, tương đương 2000 – 5000 tỷ USD và đây là một ước tính được đánh giá còn khá khiêm tốn.
“Đặc biệt, rửa tiền thường liên quan đến việc buôn bán vũ khí bất hợp pháp, tài trợ khủng bố, buôn người, tham ô, giao dịch nội gián, đánh bạc hay các đường dây mại dâm xuyên biên giới do các tội phạm có tổ chức quy mô lớn thực hiện. Vì vậy, công tác phòng chống rửa tiền là ưu tiên của tất cả các quốc gia trên thế giới, bao gồm Việt Nam từ rất sớm”, ông Nguyễn Đoan Hùng khẳng định.
Mỹ là quốc gia đầu tiên ban hành quy định về phòng chống rửa tiền với tên gọi là Đạo luật Bảo mật Ngân hàng (gọi tắt là BSA) từ năm 1970, nhằm xác định và ngăn chặn hoạt động rửa tiền.
Kể từ đó đến nay, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều lần lượt ban hành các quy định liên quan đến phòng, chống rửa tiền và liên tục bổ sung, cập nhật các hệ thống quy định này nhằm theo kịp sự thay đổi của tình hình thực tiễn.
Tuy nhiên, khi công nghệ blockchain ra đời, kéo theo đó là nguy cơ gia tăng tội phạm tài chính, rửa tiền sử dụng công nghệ cao theo chiều hướng tinh vi, phức tạp và tốc độ nhanh chóng thì phần lớn các quốc gia đều chưa có hành lang pháp lý theo kịp sự thay đổi này.
Tính tới thời điểm hiện nay mới chỉ có một số quốc gia, vùng lãnh thổ kịp ban hành quy định pháp lý để ngăn chặn tội phạm tài chính sử dụng công nghệ cao và công nghệ blockchain như Liên minh châu Âu (EU) với đạo luật Thị trường Tài sản mã hóa (MiCA). Tuy nhiên, cũng phải đến năm 2024, MiCA mới chính thức có hiệu lực.
Các nền kinh tế năng động khác như Mỹ, Hàn Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc), các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất, cũng ban hành nhiều quy định để tăng cường tính minh bạch, đảm bảo tuân thủ pháp lý và an toàn cho người dùng đồng thời thực hiện nghĩa vụ AML/CFT (chống rửa tiền/chống tài trợ khủng bố).
Còn tại Việt Nam, ông Nguyễn Đoan Hùng chỉ ra rằng, do chưa có khung pháp lý cụ thể, đồng thời do thiếu hụt về quy trình, nhân sự chất lượng cao về tiền mã hóa và tài sản số nên mặc dù Luật Phòng chống rửa tiền 2022 đã có hiệu lực từ ngày 1/3/2023 nhưng các tổ chức tín dụng, các cơ quan nhà nước còn lúng túng trong việc xử lý các hành vi có liên quan đến loại hình tài sản mới này.
Trước tình hình đó, từ đầu năm 2023, Hiệp hội Blockchain Việt Nam đã công bố dự án chống lừa đảo với tên gọi là ChainTracer, một trong bốn chương trình trọng điểm, hợp tác với Công ty doanh nghiệp xã hội Chống lừa đảo, được thành lập bởi ông Ngô Minh Hiếu (Hiếu PC).
Nhiệm vụ của ChainTracer là cung cấp giải pháp theo dõi dữ liệu blockchain onchain và offchain, phát hiện những dấu hiệu gian lận trong tài sản kỹ thuật số, trở thành cầu nối cho người dùng tài sản truyền thống khi chuyển sang sở hữu tài sản số dựa trên công nghệ blockchain.
Mục đích của ChainTracer là nhằm thúc đẩy tính minh bạch và công khai của các dự án tại Việt Nam và quốc tế, góp phần phòng chống tội phạm công nghệ cao liên quan đến hoạt động blockchain. Đồng thời, đây cũng là nơi để cộng đồng kiểm tra tính minh bạch của một dự án blockchain, cho phép giám sát chủ động và giúp tránh xung đột lợi ích trong cung cấp thông tin.
“Tuy nhiên, hành động của riêng Hiệp hội Blockchain Việt Nam là không đủ để thực thi các hoạt động phòng chống rửa tiền một cách hiệu quả mà cần thay đổi nhận thức, tầm nhìn từ chính các lãnh đạo ngân hàng, tổ chức tài chính và sự quyết liệt từ các cơ quan quản lý nhà nước”, Phó Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam cho biết.
Ông Nguyễn Đoan Hùng bày tỏ, Hiệp hội Blockchain Việt Nam mong muốn chia sẻ với các cá nhân, tổ chức để có cái nhìn toàn diện về nguy cơ rửa tiền trong giao dịch tài sản số, cách thức phòng chống rửa tiền hiện nay và chung tay phòng chống rửa tiền cùng cơ quan, ban ngành.
Hội nghị “Quy định về phòng, chống rửa tiền và vai trò của phòng, chống rửa tiền trong giao dịch tiền mã hóa” được tổ chức vào sáng nay, 20/9, tại Hà Nội, trong khuôn khổ triển khai Luật Phòng, chống rửa tiền, Nghị định số 19/2023/NĐ-CP ngày 28/4/2023 hướng dẫn chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống rửa tiền và Thông tư số 09/2023/TT-NHNN ngày 28/7/2023 hướng dẫn thực hiện Luật Phòng, chống rửa tiền.
Theo Tạp chí Thị trường tài chính Tiền tệ