Trong lịch sử, Chính phủ Mỹ thường xuyên yêu cầu các tổ chức tài chính thực hiện nhiều biện pháp phát hiện và ngăn chặn tội phạm tài chính liên quan đến hoạt động rửa tiền và tài trợ khủng bố. Luật liên bang yêu cầu các tổ chức tài chính phải lưu giữ hồ sơ mua bán thương mại có giá trị, báo cáo các giao dịch tiền mặt trên 10.000 USD, xác định và đánh giá rủi ro khách hàng (KYC) và báo cáo các hoạt động đáng ngờ có thể dẫn đến hoạt động rửa tiền, trốn thuế hoặc các hoạt động tội phạm khác.
Trong khi Quốc Hội Mỹ nhiều lần tìm cách tăng cường các quy định và hình phạt chống rửa tiền (AML), các nhà quản lý liên bang đã đóng vai trò quan trọng trong việc cập nhật và áp dụng quy định dành cho các doanh nghiệp tiền mã hóa, các tiểu bang cũng tham gia tích cực vào quá trình quản lý này. Tuy nhiên việc chồng chéo quy định giữa các cơ quan quản lý cùng nhiều cách hiểu khác nhau về tuân thủ AML đã gây ra sự nhầm lẫn và nhận về những chỉ trích từ lĩnh vực tài sản số.
Một cuộc đánh giá về các hành động thực thi gần đây, cũng như các tuyên bố và hướng dẫn chính thức của các cơ quan quản lý đang cho thấy nỗ lực tập trung làm rõ các mục đích quản lý trong lĩnh vực tài sản số. Ngoài ra, số lượng các phương pháp và công nghệ được phát triển để tiến hành KYC đang tăng lên, giúp cho những tổ chức tham gia trong ngành có nhiều sự lựa chọn.
Khung pháp lý và quy định cho lĩnh vực tiền mã hoá tại Mỹ
Mạng lưới Thực thi tội phạm tài chính thuộc Bộ tài chính Mỹ (FinCEN)
Khi thị trường tiền mã hoá còn sơ khai, FinCEN đã đặt thẩm quyền của mình vào lĩnh vực này khi tuyên bố vào năm 2013 rằng ‘các nhà quản lý hoặc nhà giao dịch’ tiền mã hóa được xem là các doanh nghiệp dịch vụ tài chính theo Đạo luật Bảo mật Ngân hàng (BSA) và các quy định của FinCEN. Trong đó nhà quản lý được định nghĩa là một cá nhân hoặc tổ chức tham gia với tư cách là một doanh nghiệp kinh doanh phát hành tiền mã hoá và có quyền đổi tiền mã hoá thành tiền pháp định; Nhà giao dịch được xem là một cá nhân hoặc tổ chức tham gia kinh doanh cung cấp dịch vụ trao đổi tiền mã hoá lấy tiền pháp định, và các dịch vụ trao đổi khác liên quan đến tiền tệ.
FinCEN cũng yêu cầu các doanh nghiệp dịch vụ tài chính phải đăng ký với họ, đồng thời triển khai và duy trì chương trình tuân thủ AML. Trong Đạo luật chống rửa tiền 2020, Quốc Hội Mỹ nêu rõ, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đủ điều kiện là các doanh nghiệp phải được quản lý.
Năm 2019, FinCEN đã ban hành hướng dẫn rằng, các nhà cung cấp dịch vụ trộn tiền hoặc máy trộn (mixer/tumbler) cũng phải tuân thủ quy định BSA. Đến tháng 10/2020, FinCEN đã công bố mức phạt dân sự đầu tiên trị giá 60 triệu USD đối với Larry Dean Harmon, người sáng lập, nhà điều hành chính của các giao thức trộn tiền Helix và Coin Ninja, do vi phạm BSA và các quy định liên quan.
FinCEN cũng làm rõ rằng, các nghĩa vụ AML sẽ được mở rộng sang lĩnh vực Tài chính phi tập trung (DeFi), một hình thức tài chính dựa trên blockchain mà không phụ thuộc vào các bên trung gian. Theo FinCEN, các sàn giao dịch phi tập trung sử dụng công nghệ giao dịch ngang hàng – Peer to Peer (P2P) cũng phải tuân thủ các nghĩa vụ BSA áp dụng cho các công ty chuyển tiền, bao gồm đăng ký với FinCEN với tư cách là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tiền tệ và tuân thủ các yêu cầu AML, bao gồm việc nộp Báo cáo hoạt động đáng ngờ (SAR).
Uỷ ban Chứng khoán và Giao dịch (SEC)
Sự đe dọa của SEC dành cho lĩnh vực tiền mã hóa đã tăng lên đáng kể dưới thời Tổng thống Joe Biden. Một trong những tuyên bố diều hâu là khi Chủ tịch SEC, Gary Gensler cảnh báo vào tháng 4/2022 rằng các lỗ hổng quy định trong thị trường tiền mã hoá có thể làm suy yếu Luật chứng khoán đã tồn tại 90 năm. Ông đã ví lĩnh vực tiền mã hóa với “miền Tây hoang dã”, và cảnh báo stablecoin có thể tạo điều kiện cho những thực thể đang tìm cách lách chính sách AML. Phân ban Kiểm soát của SEC gần đây cũng thông báo, họ sẽ đánh giá việc tuân thủ AML đối với các công ty thương mại tham gia giao dịch tiền mã hoá.
Đến nay, SEC tiếp tục duy trì quan điểm xem các loại tiền mã hóa là chứng khoán và luôn đặt câu hỏi liệu lĩnh vực này có nên tuân thủ Luật Chứng khoán và các luật liên quan hay không. SEC đã tập trung kiện tục với các doanh nghiệp tiền mã hóa như Ripple (XRP), Poloniex LLC, hay BlockFi Lending LLC khi liên tục khẳng định các doanh nghiệp này đang bán chứng khoán chưa đăng ký.
Uỷ ban Giao dịch Hàng hoá Tương lai (CFTC)
Sự chồng chéo về quy định tại Mỹ được nêu bật khi CFTC duy trì quan điểm xem ‘tiền mã hoá như một loại hàng hoá’, do đó các công ty cung cấp dịch vụ liên quan đến tiền mã hoá đều nằm trong phạm vi quyền hạn của CFTC. Một dự luật gần đây do các thượng nghị sĩ Cynthia Lummis và Kirsten Gillibrand đề xuất sẽ tăng cường phạm vi quản lý của CFTC đối với tài sản số, tuy nhiên các thượng nghị sĩ mới đây thông báo dự luật này sẽ có thể bị hoãn lại.
Các động thái quan trọng của CFTC đối với lĩnh vực tiền mã hóa bao gồm thông báo chấp thuận vào tháng 8/2021, yêu cầu năm công ty chịu trách nhiệm vận hành nền tảng giao dịch phái sinh tiền mã hóa BitMEX phải trả 100 triệu USD, do vi phạm Đạo luật Sàn giao dịch hàng hóa khi vận hành một cơ sở để giao dịch hoặc xử lý giao dịch mà không được chấp thuận, đang chú ý là nền tảng này không thực hiện đầy đủ các quy định AML.
Sở Giao dịch Dịch vụ Tài chính Nhà nước New York (DFS)
DFS là một trong những cơ quan quản lý tiền mã hóa hàng đầu và khung pháp lý tại đây được đánh giá là lành mạnh nhất trong số các tiểu bang. Nghị định BitLicense của New York ban hành vào năm 2015, yêu cầu các công ty tham gia vào các hoạt động tiền mã hóa tại New York phải có giấy phép từ DFS và triển khai các quy trình AML hiệu quả.
Ngày 2/8/2022, DFS đã công bố khoản tiền phạt 30 triệu USD đối với bộ phận giao dịch tiền mã hóa của Robinhood do liên quan đến những thiếu sót về tuân thủ an ninh mạng và AML. Trước đó, Coinbase – sàn giao dịch tiền mã hoá lớn nhất tại Mỹ cũng tiết lộ thông tin về việc họ đang bị DFS tiến hành điều tra về các quy trình AML.
Hiện có ít sự đồng bộ về quy định tiền mã hoá giữa các tiểu bang. Trong khi New York có vẻ quyết tâm trong việc giám sát tiền mã hoá, các nhà lập pháp tại Florida gần đây đã thông qua một dự luật để trung lập hóa một luật khác có chức năng hạn chế việc rửa tiền trong lĩnh vực này. Còn tại Wyoming, mặc dù đã thông qua các dự luật nhằm làm rõ quy định đối với các doanh nghiệp tiền mã hóa nhưng bang này vẫn cố gắng tìm cách chứng tỏ mình là khu vực thân thiện với ngành.
Các công cụ tuân thủ AML dành cho tiền mã hoá
Trong khi các kế hoạch pháp lý tiếp tục được triển khai, nhiều công ty phát triển giải pháp tuân thủ AML cho lĩnh vực tiền mã hoá đã xuất hiện. Để có hướng dẫn tuân thủ, các công ty công nghệ này dựa vào lộ trình AML/BSA mà các ngân hàng đã theo đuổi trong những năm gần đây. (Nhiều công ty tiền mã hóa thường thuê các cựu nhân viên pháp lý ngân hàng để giám sát các hoạt động tuân thủ AML).
Mặc dù các quy tắc AML dành cho ngành ngân hàng và tiền mã hóa thường được quản lý bởi các điều khoản tương tự, nhưng cách thức thực hiện AML trong hai ngành này lại khác nhau. Các quy tắc AML thường cố gắng ngăn chặn “layering”, đây là quá trình tiền từ tội phạm được di chuyển qua nhiều tổ chức tài chính khác nhau để che đậy nguồn gốc của chúng.
Với thị trường tài chính truyền thống, tội phạm rửa tiền thực hiện layering bằng cách liên tục di chuyển tiền vào các tổ chức tài chính và nhiều loại tài sản khác nhau để che dấu nguồn gốc của tiền bẩn. Trong khi với tiền mã hóa, tội phạm có thể di chuyển tiền qua hàng trăm ví không lưu ký trước khi rút tiền tại các sàn giao dịch tiền mã hóa. Đặc biệt, khác với tài khoản ngân hàng, ví không lưu ký có thể được tạo chỉ trong vòng vài giây mà không cần các quy trình KYC.
Tuy nhiên hiện đã có nhiều công cụ được phát triển để hỗ trợ các doanh nghiệp tiền mã hoá xác định nguồn gốc của tiền. Để làm được việc này, các công cụ sẽ tiến hành phân tích dữ liệu blockchain để đánh giá rủi ro liên quan đến người sở hữu ví thông qua tất cả lịch sử giao dịch. Chúng cũng phân tích các thông tin liệu những người sở hữu ví này có thực hiện giao dịch trên các sàn giao dịch đáng ngờ hay không.
Các công cụ thường được cung cấp bởi các công ty phân tích blockchain như Elliptic và Chainalysis. Chúng dần được mở rộng từ việc tập trung vào nguồn gốc và các bên liên quan tới giao dịch, đến các lĩnh vực truyền thống khác nằm trong phạm vi tuân thủ AML/BSA, như tập trung vào bản chất của các giao dịch và xác định xem các giao dịch có phù hợp với hồ sơ của người sở hữu ví hay không.
Nhìn chung, tiền mã hóa chắc chắn phải tuân thủ các quy định được bổ sung trong tương lai, điều này phù hợp với xu hướng hiện tại của Chính phủ Mỹ, khi họ tiếp tục tăng cường biện pháp quản lý AML.
Mặc dù vẫn còn nhiều khu vực được xem là thiên đường trú ẩn cho tội phạm rửa tiền, nhưng việc đồng bộ pháp lý sẽ dần vá những lỗ hổng này. Các doanh nghiệp tiền mã hoá đã được cấp phép nếu không tuân thủ các quy tắc về AML, không tiến hành KYC đúng quy định và không giám sát các giao dịch đáng ngờ chắc chắn sẽ lọt vào tầm theo dõi và điều tra của các nhà quản lý.
PCB Tổng hợp