Trong báo cáo mới nhất về Tài sản số do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) phát hành, cơ quan này đã đề cập đến một số tiêu chuẩn thuế mới đối với tiền mã hóa và Tiền số do Ngân hàng trung ương phát hành (CBDC), cùng một bộ sửa đổi đối với các tiêu chuẩn báo cáo chung trước đó.
Báo cáo tài sản tiền mã hóa (CARF) của OECD đề cập đến những vấn đề chính như Quy tắc thu thập thông tin thuế liên quan (phạm vi tài sản và pháp nhân giao dịch); Cơ quan đa phương thực thi các quy tắc này; và Định dạng điện tử (XML) để trao đổi thông tin giữa các cơ quan chức năng. Đặc biệt báo cáo nhắc đến đến những quy tắc nhằm giảm thiểu các hoạt động phi pháp như tình trạng trốn thuế.
Phần thứ hai của báo cáo là những thay đổi của Tiêu chuẩn báo cáo chung (CRS) được thiết kế từ năm 2014, để thúc đẩy tính minh bạch về thuế đối với các tài khoản tài chính được giữ ở nước ngoài, trong đó đề cập đến việc ban hành các yêu cầu tuân thủ về thuế đối với CBDC. Nội dung cũng bổ sung thuật ngữ “Sản phẩm tiền mã hoá được chỉ định”, bao gồm các đại diện kỹ thuật số của một loại tiền tệ fiat. Các thay đổi được thực hiện để đảm bảo những khoản đầu tư gián tiếp vào tài sản tiền mã hoá thông qua các công cụ phái sinh và phương tiện đầu tư hiện được CRS bảo vệ.
OECD cũng nhấn mạnh những điểm chính đối với các tổ chức và cá nhân đang sử dụng tiền mã hóa hiện nay và cách họ cần được theo dõi và đánh thuế đúng quy định. Các yếu tố liên quan được xác định bao gồm ví điện tử, sàn giao dịch, công nghệ sổ cái phân tán (DLT) và các công cụ phái sinh dựa trên tài sản tiền mã hóa.
Ông Mathias Cormann, Tổng thư ký của OECD đã tweet vào thứ Năm rằng, “các tiêu chuẩn minh bạch thuế quốc tế mới của cơ quan này nhằm mục đích tăng cường hơn nữa các nỗ lực giải quyết trốn thuế trong nền kinh tế thế giới số hóa và toàn cầu hóa”.
Mặc dù rất khó để hình dung về việc thực thi khuôn khổ này như thế nào, những có một điều chắc chắn cần lưu ý, các nhà hoạch định chính sách đang muốn đánh thuế đối với tiền mã hoá.
PCB Tổng hợp