Bộ phận Điều tra Hình sự (CI) thuộc Sở Thuế vụ Mỹ (IRS) cảnh báo về sự gia tăng đáng chú ý của các cuộc điều tra liên quan đến thuế tài sản số.
Theo Giám đốc IRS-CI, ông Jim Lee, một nửa các cuộc điều tra về tài sản số trong năm 2023 liên quan đến thuế và tài chính, đánh dấu sự thay đổi lớn so với thời điểm ba năm trước khi 90% các vụ điều tra tiền mã hoá chủ yếu là vấn đề rửa tiền. Thông tin này được công bố cùng với bản báo cáo hàng năm của IRS-CI vào ngày 4/12.
Báo cáo cho biết, trong năm tài chính 2023 có hơn 2.676 vụ án được khởi tố, với số tiền lên đến 37 tỷ USD liên quan đến tội phạm thuế. Cơ quan này nhận thấy, xu hướng sử dụng tài sản số ngày càng tăng cũng tỷ lệ thuận với sự gia tăng các cuộc điều tra liên quan đến thuế.
Các cuộc điều tra đang tập trung vào khoản thu nhập chưa được báo cáo từ hoạt động bán và đào tiền mã hóa, thu nhập từ lương, cho thuê và tiền thắng từ cờ bạc. IRS-CI chỉ ra, nhiều người nộp thuế đã giấu quyền sở hữu tiền mã hóa để tránh báo cáo và có một số có hành vi trốn thuế.
Giám đốc Lee nhấn mạnh, trong khi đa số người dùng tiền mã hóa có ý định hợp pháp và tin tưởng vào những đổi mới tài chính, tuy nhiên, tiền mã hóa vẫn có thể được sử dụng cho mục đích không tốt như rửa tiền, tội phạm mạng, buôn bán ma túy và trốn thuế.
IRS-CI đã cung cấp một loạt số liệu thống kê về các nỗ lực thực thi tiền mã hóa của họ. Đáng chú ý, chiến dịch SpecTor nhắm vào buôn bán ma túy trực tuyến với các cơ quan chính phủ khác, đã thu giữ hơn 53,4 triệu USD tiền mặt và tiền mã hoá. Báo cáo còn đề cập đến hơn 100 trường hợp liên quan đến việc bán thuốc oxycodone giả có chứa tiền chất ma tuý fentanyl để đổi lấy tiền mã hóa.
Báo cáo mô tả những nỗ lực quốc tế của IRS-CI trong việc hỗ trợ các cơ quan thực thi pháp luật. Họ đã cung cấp công cụ và đào tạo cho các cơ quan thực thi của Ukraine về phân tích blockchain hồi tháng 5, cũng như hợp tác với Vương quốc Anh và Hà Lan để đào tạo lần hai về tiền mã hóa cho các quan chức Ukranie vào tháng 9.
Báo cáo cũng đề cập đến một số cuộc điều tra đặc biệt mà IRS-CI đang thực hiện. Trong đó có các vụ kiện chống lại hacker sàn Bitfinex, Ilya Lichtenstein, người sáng lập OneCoin, Karl Greenwood, và hacker Silk Road, James Zhong.
Tính đến thời điểm hiện tại, IRS tiếp tục nỗ lực chặt chẽ trong việc đối phó với các hoạt động liên quan đến tiền mã hóa, với mong muốn ngăn chặn tội phạm, rửa tiền, và trốn thuế. Điều này được thể hiện thông qua việc đề xuất các biện pháp mới nhằm tăng cường quản lý và kiểm soát trong thị trường tiền mã hóa.
Cuộc chiến của IRS-CI được xem không chỉ giới hạn trong biên giới Mỹ, mà còn là một phần quan trọng của nỗ lực toàn cầu, nhằm đảm bảo tính minh bạch và tuân thủ pháp luật trong lĩnh vực đang ngày càng quan trọng của thị trường tài chính số.
Tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở New Delhi hồi tháng 9, các thành viên cũng đã kêu gọi đẩy nhanh phát triển ‘Khung báo cáo tài sản tiền mã hóa liên chính phủ’ (CARF), nhằm nâng cao tính minh bạch về thuế tiền mã hóa và chia sẻ thông tin trên phạm vi toàn cầu, bắt đầu từ năm 2027.