Gã khổng lồ tài chính Phố Wall, Morgan Stanley vừa công bố một báo cáo chi tiết về tình hình tài chính toàn cầu và tiềm năng đe dọa đối với sự thống trị của đồng đô la Mỹ. Theo đó, trong bối cảnh trỗi dậy của CBDC và các tài sản số như Bitcoin hay stablecoin, đồng đô la đang đối mặt với những thách thức đáng kể từ các nền kinh tế khác.
Sự thống trị của đồng đô la đang trượt dốc
Mặc dù Mỹ chỉ chiếm 25% GDP toàn cầu, đồng đô la vẫn chiếm gần 60% dự trữ ngoại hối toàn cầu. Tuy nhiên, thâm hụt kép ngày càng tăng và các biện pháp trừng phạt kinh tế chiến lược của Mỹ khiến nhiều quốc gia phải tìm kiếm các lựa chọn giao dịch thay thế khác.
Liên minh Châu Âu (EU) và Trung Quốc đang nỗ lực củng cố vị thế đồng Euro và Nhân dân tệ trong thương mại quốc tế. EU tập trung nâng cao vai trò của đồng Euro, đặc biệt trong các giao dịch năng lượng và hàng hóa. Trung Quốc cũng đang thúc đẩy đồng Nhân dân tệ thông qua Hệ thống thanh toán liên ngân hàng xuyên biên giới, thách thức các hệ thống thanh toán bằng đồng đô la hiện nay.
Trong khi đó, các quốc gia khối BRICS do Trung Quốc dẫn đầu đang phát triển các phương thức giao dịch thương mại không dùng đồng đô la. Điển hình như Nga đang xem xét sử dụng các loại tiền số tư nhân cho một số giao dịch xuyên biên giới.
Báo cáo đánh giá, sự trỗi dậy của tiền số và CBDC thể hiện thách thức đáng kể đối với sự thống trị truyền thống của đồng đô la trong tài chính quốc tế. Những công nghệ mới này cung cấp các giải pháp tài chính hiệu quả, minh bạch và dễ tiếp cận, có khả năng giảm sự phụ thuộc vào hệ thống ngân hàng truyền thống và đồng đô la trong các giao dịch và dự trữ quốc tế.
Sự trỗi dậy của tiền số
Báo cáo thừa nhận rằng tiền số và CBDC đang trỗi dậy mạnh mẽ, đặt ra thách thức lớn cho sự thống trị của đồng đô la. Các công nghệ mới này mang lại giải pháp tài chính hiệu quả, minh bạch và giảm sự phụ thuộc vào hệ thống ngân hàng truyền thống, và có khả năng làm thay đổi cán cân sức mạnh kinh tế toàn cầu.
Theo Morgan Stanley, Bitcoin đã phát triển từ một khái niệm về dữ liệu trực tuyến, trở thành một tài sản được công nhận toàn cầu, với 106 triệu người sở hữu. Việc Bitcoin mở rộng phạm vi tiếp cận, cũng như nhiều quốc gia như El Salvador dần chấp nhận làm phương tiện thanh toán, báo hiệu thay đổi lịch sử trong chiến lược tài chính của quốc gia này.
Morgan Stanley cũng chỉ ra việc sử dụng stablecoin đang ngày càng tăng, chiếm gần 10 nghìn tỷ USD trong các giao dịch thanh toán vào năm 2022, đây là một dấu hiệu khác cho thấy bối cảnh tài chính đang thay đổi. Hơn nữa, việc các tổ chức như Visa và PayPal tích hợp stablecoin vào hệ thống thanh toán, là một dấu hiệu khác cho thấy tầm quan trọng ngày càng tăng của những yếu tố này trong hệ sinh thái tài chính toàn cầu.
CBDC đe doạ vị thế đồng đô la
Theo Atlantic Council, khoảng 130 quốc gia đang nghiên cứu và phát triển CBDC. Đồng Nhân dân tệ số của Trung Quốc và DREX của Brazil là những ví dụ về cách CBDC có thể tạo điều kiện thuận lợi cho các giao dịch tài chính toàn diện và hiệu quả.
Morgan Stanley đánh giá, sự tăng trưởng của CBDC có thể hợp lý hóa các khoản thanh toán xuyên biên giới, giảm phụ thuộc vào các trung gian tài chính truyền thống như SWIFT, nói rộng hơn giảm phụ thuộc các loại tiền đang thống trị như đồng đô la.
Dự án mBridge, với sự tham gia của các ngân hàng trung ương từ nhiều quốc gia, là một ví dụ về cách CBDC có thể tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động thanh toán xuyên biên giới hiệu quả bằng việc sử dụng hợp đồng thông minh.
Phân tích của Morgan Stanley còn chỉ ra một tương lai nơi CBDC và các loại tiền số tư nhân khác có thể là lựa chọn thay thế khả thi cho tiền fiat. Sự chuyển đổi này được dự đoán có thể giảm vai trò của đô la trong tài chính quốc tế, dưới ảnh hưởng của đổi mới công nghệ và các thay đổi về động lực địa chính trị.