Một báo cáo mới được công bố bởi Cơ quan Phòng chống Ma túy và Tội phạm của Liên Hợp Quốc (UNODC) cảnh báo rằng, tiền mã hoá đang bị lạm dụng trong các nền kinh tế phi pháp đang phát triển ở Đông Á và Đông Nam Á.
Theo báo cáo, tiền mã hoá đang kết hợp với các phát triển công nghệ mới nhất là điều kiện thuận lợi cho tội phạm tổ chức hoạt động và gây ra những thách thức mới, phức tạp mà lực lượng chức năng phải đối mặt.
Đặc biệt, khu vực sông Mê Kông đã chứng kiến sự gia tăng nhanh chóng của các sòng bạc phi pháp, cùng với sự phát triển nhanh chóng của các hình thức lừa đảo bằng tình cảm kiểu “giết heo (pig-butchering)“, đồng thời lưu ý sự xuất hiện của các mô hình kinh tế mới này là rất phức tạp.
Ông Jeremy Douglas, đại diện UNODC tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương đánh giá, “sòng bạc trực tuyến và lừa đảo qua mạng đã mọc lên như nấm tại Đông Nam Á trong thời gian gần đây, đặc biệt là khu vực sông Mê Kông kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Điều đáng báo động là các nhóm tội phạm có tổ chức thực hiện các hoạt động này ngày càng tinh vi, thông qua sử dụng khai thác và xử lý dữ liệu, công nghệ blockchain và trí tuệ nhân tạo”.
Báo cáo nhấn mạnh rằng, các đột phá công nghệ gần đây như việc phát triển chatbot dựa trên mô hình ngôn ngữ lớn, công nghệ deepfake và tự động hóa, cũng được xem là nền tảng chính cho những âm mưu lừa đảo mới trên không mạng, gây ra mối đe doạ thường trực đối với cá nhân và toàn ngành ngân hàng.
Stablecoin trở thành phương tiện cho các hoạt động kinh tế ngầm
Hiện nay, một trong những kỹ thuật được tội phạm sử dụng là xác định các hoạt động đánh bạc phi pháp và lừa đảo trong các khu vực kinh tế đặc biệt khó tiếp cận và nằm dưới sự kiểm soát của các nhóm vũ trang tự trị (xung quanh khu vực Tam giác vàng).
Theo SCMP, tại một số địa điểm ở Phnom Penh nơi người Trung Quốc thường xuyên lui đến, các biển hiệu quảng cáo dịch vụ trao đổi đồng Nhân dân tệ đổi lấy USDT hoạt động 24/24, đây là loại tiền mã hoá được ưa chuộng để luân chuyển dòng tiền vào ra khỏi Trung Quốc, sử dụng trong các hoạt động đánh bạc, cũng như thanh khoản cho các hoạt động lừa đảo trực tuyến ở khu vực Đông Nam Á.
Ngành dịch vụ chuyên biệt cũng đã phát triển xung quanh các sòng bạc này, và người điều hành được gọi là “junket operators” không chỉ cung cấp dịch vụ lưu trú.
Cụ thể, “junket operators” được mô tả là các tổ chức có khả năng hoạt động như những cơ sở ngân hàng quốc tế, cung cấp một loạt dịch vụ tài chính ngầm như cấp tín dụng, trao đổi tiền tệ, giải pháp thanh toán đa tiền tệ, chuyển tiền và cơ chế thu nợ ngoại luật. Những dịch vụ này đã được tổ chức tội phạm khai thác một cách triệt để.
Báo cáo cho biết, việc sử dụng stablecoin Tether (USDT) trên blockchain Tron hiện trở thành lựa chọn phổ biến nhất trong số các hình thức tài chính khác tại khu vực này, do tính ổn định, sự thuận tiện, ẩn danh và phí giao dịch thấp.
Các sàn giao dịch tiền mã hoá địa phương cũng được cho đóng vai trò quan trọng trong vấn nạn rửa tiền, thông qua những kẽ hở lớn trong việc xác định tội phạm trên blockchain, báo cáo giả mạo từ các sàn giao dịch tiền mã hoá và sự phổ biến của ‘wash trading’ nhằm tăng khối lượng giao dịch tiền mã hoá, từ đó làm xáo trộn và giảm khối lượng các giao dịch bất hợp pháp được xác định.
Báo cáo đã đề xuất một danh sách dài các khuyến nghị nhằm nâng cao nhận thức và chính sách để chống lại tài chính phi pháp trong khu vực này. Đồng thời đề cập đến sự lo lắng và nghi ngờ xoay quanh việc sử dụng đồng USDT trên blockchain Tron, cũng như các liên kết với tài chính phi pháp tại Trung Đông.
Điển hình, các biện pháp kiểm soát mà Trung Quốc thực hiện đối với việc sử dụng USDT vào tháng 12 năm ngoái trên thị trường ngoại hối, được đánh giá là một biểu hiện rõ ràng của việc quan ngại về an ninh tài chính. Trong khi đó, Tether, là đồng stablecoin lớn nhất, đã chủ động hợp tác với cơ quan chức năng tại Mỹ để giải quyết các vấn đề liên quan đến tuân thủ.