Giao dịch và đầu tư tiền mã hoá là hợp pháp ở Indonesia, tuy nhiên việc sử dụng chúng như một phương thức thanh toán sẽ bị phạt nặng và có thể phải ngồi tù.
Hãng thông tấn quốc gia Antara của Indonesia vào ngày 28/5 đưa tin, ông Wayan Koster – Thống đốc tỉnh Bali, một hòn đảo du lịch nổi tiếng tại nước này, tuyên bố những khách du lịch sử dụng tiền mã hoá để thanh toán hàng hoá và dịch vụ sẽ bị xử phạt hành chính hoặc có thể bị trục xuất; Đối với các cơ sở kinh doanh du lịch, có thể bị bị đóng cửa và xử phát hình sự.
Ông Wayan Koster đã viện dẫn Luật số 7 năm 2011 về Tiền tệ của Indonesia, rằng đồng rupiah (tiền pháp định của Indonesia) là loại tiền tệ duy nhất được phép sử dụng làm phương tiện thanh toán trong nước. Việc sử dụng các loại tiền tệ khác có thể bị kết án tối đa một năm tù và phạt tiền lên đến 200 triệu rupiah (~13.000 USD). BI Bali Nugroho – Trưởng văn phòng đại diện của Ngân hàng Indonesia cũng lưu ý, tiền mã hoá là tài sản hợp pháp, được cho phép đầu tư cũng như giao dịch trong nước, tuy nhiên các hành vi sử dụng tiền mã hoá để thanh toán sẽ bị cấm.
Tuyên bố này đưa ra trong bối cảnh khách du lịch tại đảo Bali đang sử dụng tiền mã hoá để thanh toán tại một số cơ sở kinh doanh dịch vụ như quán ăn, cà phê, thậm chí là các khoá tu thiền. Theo dữ liệu từ Coinmap, một dự án cộng đồng được tạo ra để lập bản đồ các doanh nghiệp đang chấp nhận thanh toán bằng tiền mã hoá, cho thấy có 36 doanh nghiệp ở Bali đang thực hiện hành vi này, chủ yếu tập trung ở Ubud – một thị trấn du lịch hấp dẫn.
Sự xuất hiện của các đề nghị thanh toán bằng tiền mã hoá do yêu cầu từ một số công dân nước ngoài muốn giao dịch mà không cần thông qua đồng rupiah. Bên cạnh đó là những khách du lịch gặp khó khăn trong việc thực hiện giao dịch do các lệnh trừng phạt kinh tế đối với quốc gia của họ, chủ yếu đến từ Nga.
Chủ tịch Hiệp hội các nhà giao dịch tài sản tiền mã hoá Indonesia (Aspakrindo), ông Teguh Kurniawan Harmanda nhấn mạnh, những người sở hữu tài sản tiền mã hoá muốn sử dụng để thanh toán hàng hóa hoặc dịch vụ trước tiên phải đổi chúng sang đồng rupiah qua thẻ ngân hàng. Tuy nhiên vẫn có những trở ngại vì các ngân hàng ở Indonesia không phục vụ công dân từ các quốc gia bị áp đặt lệnh cấm đăng ký mở tài khoản tài chính. Họ chỉ được hỗ trợ nếu đã có Thẻ tạm trú có thời hạn (KITAS) hoặc Thẻ cư trú vĩnh viễn (KITAP).
Indonesia là một trong các quốc gia Đông Nam Á xem tiền mã hoá là tài sản hợp pháp bên cạnh Singapore, Malaysia. Bất chấp lập trường cứng rắn từ thống đốc Bali và các nhà quản lý tài chính, Indonesia vẫn đang trên lộ trình triển khai một sàn giao dịch tiền mã hoá quốc gia vào tháng tới. Bộ Thương mại nước này sẽ đóng vai trò là cơ quan giám sát và cung cấp hệ thống thanh toán bù trừ cho các thị trường tiền mã hoá. Sàn giao dịch ban đầu dự kiến sẽ hoạt động vào cuối năm 2022, nhưng đã bị hoãn tới tháng 6 năm nay.
PCB Tổng hợp