Các nhà lãnh đạo G7 sẽ phác thảo một chiến lược hợp tác toàn cầu đối với lĩnh vực tài sản số vào tháng Năm nhằm tăng tính minh bạch cho tiền mã hoá và bảo vệ người dùng.
Theo hãng tin Kyodo News, nhóm bảy nền kinh tế lớn nhất thế giới (G7) sẽ phác thảo một chiến lược hợp tác để tăng tính minh bạch cho không gian tiền mã hoá và tăng cường bảo vệ người dùng, cũng như giải quyết các rủi ro tiềm ẩn đối với hệ thống tài chính toàn cầu. Hội nghị năm nay dự kiến diễn ra tại Hiroshima vào giữa tháng 5/2023.
Trong số các thành viên G7, Nhật Bản đã điều chỉnh tiền mã hóa, trong khi quy định về Thị trường tài sản tiền mã hóa (MiCA) của Liên minh Châu Âu sẽ có hiệu lực vào năm 2024. Vương quốc Anh đang phát triển khuôn khổ của riêng mình với một danh mục đặc biệt dành cho tài sản tiền mã hóa trên các biểu mẫu thuế được giới thiệu gần đây, bên cạnh đó kế hoạch cho đồng bảng Anh số đang được triển khai.
Tại Canada, Chính phủ nước này chính thức xem tài sản số là chứng khoán, còn Mỹ hiện đang áp dụng các quy định tài chính hiện hành cho tiền mã hóa, với một số dự đoán khung pháp lý từ các nhà lập pháp sẽ tiếp tục được đưa ra trong những tháng tới.
Những nỗ lực song song đối với các tiêu chuẩn cho tài sản số đang được thực hiện bởi Ủy ban ổn định tài chính (FSB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS), nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới (G20) được công bố vào tháng 2/2023 trong một cuộc họp ở Bengaluru, Ấn Độ.
Các khuyến nghị về quy định và giám sát stablecoin toàn cầu, các hoạt động và thị trường tài sản tiền mã hóa dự kiến sẽ được đưa ra vào tháng 7 và tháng 9. Tuy nhiên, không rõ quan điểm tổng thể của các khuyến nghị sẽ là gì.
Vào tháng 2/2023, IMF đã phát hành kế hoạch hành động về tài sản tiền mã hóa, kêu gọi các quốc gia bãi bỏ tình trạng hợp pháp hoá cho loại tiền này, điển hình là sự phản đối gay gắt kể từ khi El Salvador chính thức chấp nhận Bitcoin làm một loại tiền tệ vào tháng 9/2021.
PCB tổng hợp