Trí tuệ nhân tạo (AI) đang ngày càng khẳng định vai trò trong lĩnh vực y tế, đặc biệt là phát hiện ung thư.
Từ khả năng dự đoán nguy cơ ung thư phổi chính xác đến việc hỗ trợ điều trị ung thư tuyến tụy, AI mở ra nhiều triển vọng trong việc chẩn đoán và điều trị ung thư sớm. Tuy nhiên, giới chuyên gia cũng cảnh báo về nguy cơ chẩn đoán quá mức và những hạn chế về dữ liệu, đặc biệt là sự thiếu đa dạng chủng tộc, có thể ảnh hưởng đến độ chính xác của AI.
Tại MIT và Trung tâm Ung thư Mass General, một nhóm nghiên cứu đã phát triển và thử nghiệm thành công công cụ AI mang tên Sybil. Được huấn luyện trên dữ liệu từ hàng ngàn kết quả chụp cắt lớp vi tính liều thấp, Sybil có thể dự đoán chính xác nguy cơ phát triển ung thư phổi trong vòng 6 năm tới của bệnh nhân.
Ung thư phổi là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở cả nam và nữ trên toàn thế giới, nhưng lại ít được quan tâm do thường bị gán nguyên nhân do hút thuốc lá. Theo Tiến sĩ Lecia Sequist, Giám đốc chương trình tại Trung tâm Ung thư Mass General, ung thư phổi có thể xảy ra với bất kỳ ai, ngay cả người không hút thuốc. Bà cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát hiện sớm ung thư, khi mà tỷ lệ chữa khỏi ở giai đoạn đầu có thể lên tới 90%.
Không chỉ ung thư phổi, AI còn được ứng dụng hiệu quả trong chẩn đoán ung thư tuyến tụy. Các nhà nghiên cứu tại Đại học Y Harvard, Đại học Copenhagen và Viện Ung thư Dana-Farber đã tạo ra một công cụ AI có khả năng xác định bệnh nhân có nguy cơ cao mắc ung thư tuyến tụy đến 3 năm trước khi được chẩn đoán lâm sàng, chỉ bằng cách phân tích hồ sơ bệnh án. Theo Tiến sĩ Chris Sander, đồng tác giả nghiên cứu, công cụ này mang lại lợi ích to lớn cho bệnh nhân, giúp họ tiếp cận điều trị sớm hơn, tăng tỷ lệ sống sót và giảm thiểu gánh nặng tài chính.
Tiến sĩ Sequist tin rằng AI có tiềm năng thay đổi hoàn toàn cách thức sàng lọc ung thư phổi. Theo bà, Sybil có thể giúp loại bỏ những rào cản hiện tại trong sàng lọc ung thư phổi, giúp mọi người, không phân biệt tiền sử hút thuốc, đều được tiếp cận với các phương pháp chẩn đoán sớm.
Không chỉ dừng lại ở chẩn đoán, AI còn được ứng dụng để hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân ung thư. Bệnh viện Penn Medicine đã phát triển một chatbot AI có tên Penny, có khả năng trao đổi tin nhắn với bệnh nhân để hướng dẫn họ tuân thủ phươn án điều trị phức tạp, từ đó giảm thiểu nguy cơ mắc lỗi. Kết quả cho thấy Penny đã giải thích chính xác hơn 90% tin nhắn và giúp bệnh nhân tuân thủ điều trị với tỷ lệ lên tới 70%.
Những hạn chế và thách thức của AI
Mặc dù AI đã đạt được những bước tiến đáng kinh ngạc, nhưng các chuyên gia khẳng định AI sẽ không thể thay thế hoàn toàn con người trong lĩnh vực y tế. Thay vào đó, AI sẽ đóng vai trò là công cụ hỗ trợ đắc lực, cung cấp thông tin và đề xuất cho bác sĩ, giúp họ đưa ra những quyết định điều trị tối ưu cho từng bệnh nhân.
Bên cạnh những tiến bộ vượt bậc, AI trong lĩnh vực chẩn đoán ung thư vẫn tồn tại một số hạn chế nhất định. Mặc dù có khả năng chẩn đoán ung thư da, công cụ AI hiện nay vẫn tồn tại thiên kiến với những bệnh nhân da màu. Nghiên cứu cho thấy hệ thống AI chẩn đoán ung thư da có độ chính xác thấp hơn ở những người có làn da sẫm màu.
Tiến sĩ Adewole Adamson, Trợ lý giáo sư tại Đại học Texas, cho biết ngành y tế từ trước đến nay vẫn chưa xây dựng được bộ dữ liệu hình ảnh đa dạng về các bệnh lý da liễu, bao gồm ung thư da, trên các màu da khác nhau.Điều này dẫn đến việc thiếu dữ liệu huấn luyện, khiến cho AI khó có thể đưa ra chẩn đoán chính xác cho nhóm đối tượng này.
Tiến sĩ Adamson cảnh báo, nếu không có những giải pháp khắc phục, AI có thể dẫn đến việc chẩn đoán sai, bỏ sót bệnh ung thư ở người da màu hoặc ngược lại, chẩn đoán quá mức những bất thường về da ở nhóm đối tượng này là dấu hiệu của ung thư.
Ngoài ra, ông cũng lo ngại về nguy cơ chẩn đoán quá mức do ứng dụng AI. Ông cho rằng việc phát hiện sớm ung thư không đồng nghĩa với việc kéo dài tuổi thọ cho bệnh nhân.
Trong một số trường hợp, khối u ung thư không tiến triển thành ác tính và người bệnh vẫn có thể sống khỏe mạnh suốt đời mà không cần can thiệp y tế. Do đó, mục tiêu của chẩn đoán ung thư không phải là tìm ra tất cả các trường hợp ung thư, mà là xác định những trường hợp ung thư có nguy cơ gây tử vong và có biện pháp can thiệp kịp thời.
Mặc dù có những hạn chế, Tiến sĩ Adamson khẳng định AI vẫn là một công cụ có tiềm năng lớn trong y tế. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cần phải cẩn trọng và thận trọng trong việc triển khai công nghệ này.
“Điều này không có nghĩa là công nghệ này không hứa hẹn, không thực sự mạnh mẽ, không phải là điều quan trọng trong tương lai”, Tiến sĩ Adamson cho biết. “Chỉ cần nó được phát triển và triển khai một cách có trách nhiệm.”