Theo Chainalysis, stablecoin chiếm hơn 60% tổng số giao dịch tiền mã hoá phi pháp vào năm 2023. Đặc biệt, stablecoin cũng được xem là loại tiền mã hoá được sử dụng rộng rãi trong nền kinh tế ngầm tại khu vực Đông Nam Á.
Các nhà phân tích báo cáo rằng, họ quan sát thấy sự dịch chuyển của tội phạm mạng sang sử dụng stablecoin cho các giao dịch bất hợp pháp trong năm thứ hai liên tiếp. Năm 2022, stablecoin cũng chiếm hơn 60% tổng số giao dịch. Năm 2021, con số này không quá 25%, và năm 2020, chưa tới 10%.
Dữ liệu cũng cho thấy, tổng số tiền mã hoá liên quan đến các hoạt động phi pháp vào năm ngoái đã giảm đáng kể, với giá trị khoảng 24,2 tỷ USD, giảm 39% so với năm 2022 và chỉ tăng 4% so với con số tương tự của năm 2021.
Bên cạnh sự sụt giảm về số lượng tiền mã hoá từ các địa chỉ liên quan đến tội phạm mạng, khối lượng giao dịch tiền mã hoá tham gia vào hoạt động tội phạm cũng giảm. Trong năm 2023, chỉ có 0,34% của các giao dịch có liên quan đến các giao dịch phi pháp. Đồng thời, chỉ số tương tự vào năm 2022 là 0,42%, và vào năm 2021 – chỉ 0,14% tổng khối lượng giao dịch trên thị trường tiền mã hoá.
Các nhà phân tích Chainalysis cũng nhấn mạnh ba xu hướng tội phạm mạng chính trong năm 2023:
- Sự sụt giảm về số tiền thiệt hại do gian lận và hack, lần lượt 29.2% và 54.3%.
- Hoạt động tội phạm mạng gia tăng trên thị trường DarkNet và ransomware.
- Khoảng 14,9 tỷ USD giao dịch phi pháp liên quan đến các thực thể và lãnh thổ bị trừng phạt vào năm 2023.
Trước đó vào ngày 16/01, Cơ quan Phòng chống Ma túy và Tội phạm của Liên Hợp Quốc (UNODC) đã công bố một bản báo cáo, cho thấy tiền mã hoá đang bị lạm dụng trong các nền kinh tế phi pháp ở Đông Nam Á. Đặc biệt, stablecoin USDT đã trở thành phương tiện giao dịch chính trong các hoạt động tội phạm.