Theo nhật báo ZeroHedge, cuộc thử nghiệm CBDC ở Nigeria dường như đã thất bại, khi những nỗ lực của Ngân hàng Trung ương Nigeria (CBN) nhằm thay thế tiền mặt bằng đồng eNaira đã vấp phải làn sóng phản đối mạnh mẽ từ người dân, đỉnh điểm là nhiều cuộc biểu tình đã nổ ra.
Cuộc thử nghiệm CBDC tại Nigeria
Cuộc thử nghiệm gần đây của Nigeria với đồng eNaira – được phát hành trên nền tảng blockchain Hyperledger Fabric đã mang đến nhiều kinh nghiệm và bài học cảnh báo có giá trị. Những nỗ lực của Nigeria trong việc áp dụng CBDC đã gặp nhiều trở ngại dẫn đến làn sóng phản đối từ người dân và được xem là cuộc thử nghiệm thất bại.
Sau khi triển khai thí điểm lần đầu hồi tháng 10/2021 với nhiều ưu đãi, người dân Nigeria vẫn do dự trong việc chấp nhận eNaira. Đến tháng 10/2022, chưa đến 0,5% dân số Nigeria chấp nhận sử dụng loại tiền số mới.
Ngân hàng Trung ương Nigeria (CBN) sau đó tiếp tục thực hiện các biện pháp mạnh bằng lệnh cấm lưu hành tiền giấy sau ngày 31/1/2023. Động thái này buộc người dân phải chuyển đổi tiền mặt đang nắm giữ sang đồng eNaira một cách miễn cưỡng.
Chưa dừng lại, CBN đã gửi thư đến tất cả các tổ chức ngân hàng trong nước vào tháng 12/2022, yêu cầu thực hiện lệnh cấm rút tiền mặt đối với cả cá nhân và doanh nghiệp, khiến 90% dân số đang sử dụng tiền mặt không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tuân thủ chuyển đổi sang đồng eNaira.
Giới hạn rút tiền mặt là ₦100.000 (225 USD) mỗi tuần cho cá nhân và ₦500.000 (1.123 USD) cho doanh nghiệp. Công dân muốn rút số tiền lớn hơn phải chịu phí giao dịch từ 5% đến 10%. Các máy ATM cũng được giới hạn ở mức ₦20.000 (45 USD) mỗi ngày và chỉ có tờ ₦200 (0,45 USD) hoặc các mệnh giá thấp hơn có sẵn trong máy ATM.
Hệ luỵ và bài học từ Nigeria
Trong khi Chính phủ Nigeria xem sự kiện ra mắt eNaira như một bước tiến mới, người dân tại đây lại phản đối việc chuyển hướng sang một xã hội không dùng tiền mặt. Các biện pháp cấm sử dụng tiền mặt trong thời gian ngắn không chỉ làm giảm lượng tiền mặt trong lưu thông từ 3,2 nghìn tỷ Nairas xuống còn 1 nghìn tỷ Nairas, mà còn gây bất ổn cho một xã hội phụ thuộc sâu sắc vào tiền mặt trong các giao dịch hàng ngày. Cách tiếp cận cứng rắn của chính phủ Nigeria đã tạo ra làn sóng phản đối kịch liệt từ công chúng, cũng như làm giảm niềm tin vào hệ thống tài chính mới.
Thử nghiệm eNaira đã mang lại những bài học quan trọng đối với các quốc gia đang cân nhắc áp dụng CBDC. Hệ luỵ trên cũng chỉ ra, niềm tin của công chúng đóng một vai trò quan trọng trong sự thành công của CBDC, và các Chính phủ cần áp dụng cách tiếp cận linh hoạt và thân thiện hơn.
Ngoài ra, cuộc thử nghiệm của Nigeria cũng đặt ra những câu hỏi xung quanh khả năng tồn tại, lợi ích và hạn chế của việc buộc phải áp dụng CBDC. Giờ đây, các cuộc thảo luận xung quanh CBDC không chỉ là khía cạnh công nghệ hay hiệu quả tiềm năng mà còn là trải nghiệm thực tế và sự quan tâm của công chúng, bởi họ mới là những đối tượng chính bị tác động khi thực hiện bất kỳ cuộc chuyển đổi nào.