Sự cộng sinh giữa AI và hoạt động đào Bitcoin dự kiến giúp các thợ đào thu về thêm 14 tỷ USD lợi nhuận hàng năm vào 2027, đồng thời giảm thiểu đáng kể tác động môi trường thông qua các trung tâm dữ liệu lai.
Theo báo cáo từ Đại học Cambridge, hoạt động đào Bitcoin tiêu thụ khoảng 150 TWh mỗi năm, tương đương với mức tiêu thụ của một quốc gia nhỏ. Không kém cạnh, các hệ thống AI lớn, vốn dự kiến tiêu tốn tới 200 TWh mỗi năm từ 2023 đến 2030 để thực hiện các tác vụ phức tạp cũng đang đối mặt với những thách thức tương tự, theo nghiên cứu của Goldman Sachs.
Để đáp ứng nhu cầu năng lượng khổng lồ đồng thời giảm thiểu tác động tiêu cực lên môi trường, các giải pháp tối ưu hóa năng lượng đã được đưa ra. Nổi bật trong số đó là các trung tâm dữ liệu lai – một mô hình kinh doanh mới kết hợp giữa hoạt động đào Bitcoin và các ứng dụng AI.
Mô hình này, theo VanEck, có thể mang lại lợi ích lớn cho cả hai bên, đặc biệt khi các trại đào Bitcoin sở hữu nguồn năng lượng khổng lồ mà các công ty AI đang rất cần trong bối cảnh nhu cầu năng lượng của AI tăng vọt. Việc chuyển đổi từ ‘mỏ’ Bitcoin thành ‘mỏ vàng’ thực sự sẽ
VanEck ước tính, các công ty đào Bitcoin có thể kiếm thêm 14 tỷ USD hàng năm vào 2027 chỉ bằng cách cung cấp 20% năng lượng cho ngành công nghiệp AI. Core Scientific là một ví dụ điển hình. Công ty đào Bitcoin này đã ký kết hợp đồng 12 năm với CoreWeave, một tên tuổi lớn trong lĩnh vực AI để cung cấp 200 MW điện. Hợp đồng này không chỉ dự kiến mang lại nguồn thu hơn 3,5 tỷ USD mà còn được mở rộng hai lần, với tổng cộng 1,225 tỷ USD và 112 MW bổ sung.
Iris Energy, một công ty đào Bitcoin khác cũng đang khai thác cơ hội này. Họ đã hợp tác với WEKA để cung cấp cả lưu trữ và ngăn xếp GPU cho các ứng dụng AI tạo sinh. Theo các nhà phân tích của Bernstein, công ty này dự kiến sẽ chuyển 15% công suất điện của mình sang các trung tâm dữ liệu AI, một động thái không chỉ tối ưu hóa việc sử dụng năng lượng mà còn mở cơ hội tìm kiếm lợi nhuận từ sự cộng sinh với AI.
Dù vậy, việc tiêu thụ năng lượng đang là mối quan ngại lớn của cả hai công nghệ. Do đó các giải pháp tối ưu hóa năng lượng đang được triển khai mạnh mẽ. Đặc biệt, trong ngành công nghiệp đào Bitcoin, việc nâng cấp lên các máy ASIC hiệu quả hơn như Antminer S19 XP và Whatsminer M53 đã giúp tăng hiệu suất và giảm tiêu thụ năng lượng tiêu thụ, đáp ứng tốt hơn các yêu cầu về môi trường.
Ngoài ra, nghiên cứu từ Dell’Oro Group cũng cho thấy các giải pháp tiên tiến như làm mát bằng chất lỏng và ngâm có thể giảm chi phí vận hành của hoạt động đào Bitcoin lên đến 33%.
Tương tự, Nvidia, công ty nắm giữ 65% thị phần GPU toàn cầu, đã đưa ra những cải tiến đột phá nhằm tiết kiệm chi phí năng lượng cho các trung tâm dữ liệu AI. GPU Blackwell mới của Nvidia đã giảm chi phí năng lượng gấp 25 lần so với các phiên bản trước đó. Đặc biệt, việc chuyển từ CPU sang GPU có thể còn giúp tiết kiệm tới 10 nghìn tỷ watt-giờ năng lượng mỗi năm, theo nghiên cứu của NESRC.
Bên cạnh đó, sự kết hợp giữa AI và HPC (High-Performance Computing) cũng mở ra những tiềm năng mới trong việc nâng cao hiệu quả năng lượng. Hut 8, một trong những công ty khai thác Bitcoin lớn nhất tại Bắc Mỹ, đang tiên phong trong việc chuyển đổi cơ sở hạ tầng để kết hợp AI và HPC, đồng thời dùng AI để tối ưu hóa năng lượng, góp phần xây dựng mô hình trung tâm dữ liệu lai hiệu quả và bền vững.
Đối với các trung tâm dữ liệu AI, nhu cầu năng lượng khổng lồ là một thách thức lớn khi chi phí liên tục tăng. Hợp tác với các công ty đào Bitcoin không chỉ mở ra cơ hội tiếp cận nguồn năng lượng giá rẻ và ổn định mà còn giúp giảm áp lực tài chính. Ví dụ, tại cơ sở của TeraWulf gần nhà máy điện hạt nhân Susquehanna, tiểu bang Pennsylvania, các công ty AI có thể tiếp cận điện với chi phí chỉ 2 cents mỗi kWh nhờ việc sử dụng năng lượng không carbon từ nhà máy điện này.
Dù tiềm năng của việc kết hợp giữa AI và hoạt động đào Bitcoin là rất lớn, đặc biệt trong tối ưu hóa năng lượng và gia tăng lợi nhuận, việc triển khai các mô hình này vẫn đối diện với nhiều thách thức đáng kể. Các chi phí chuyển đổi hạ tầng, rủi ro kỹ thuật, cùng với áp lực duy trì cân bằng năng lượng là những yếu tố cần được cân nhắc một cách thận trọng.
Hơn nữa, hoạt động giám sát và điều chỉnh chính sách quản lý năng lượng và môi trường sẽ đóng vai trò then chốt trong việc đảm bảo lợi ích dài hạn của sự kết hợp này không bị lu mờ bởi những tác động tiêu cực tiềm ẩn. Do đó, sự phát triển của mô hình trung tâm dữ liệu lai nên được tiếp cận một cách cẩn trọng và có kế hoạch rõ ràng để đảm bảo tính bền vững và hiệu quả.
Thảo Ngọc