Sau Apple, Meta xác nhận sẽ không ra mắt các mô hình AI đa phương tiện sắp tới tại Liên minh Châu Âu (EU) do lo ngại về môi trường pháp lý.
Ngày 18/7, Meta đã thông báo thông tin gây xôn xao trong ngành công nghệ rằng mô hình AI đa phương tiện của hãng, dự kiến ra mắt trong vài tháng tới, sẽ không được cung cấp tại Châu Âu.
“Chúng tôi sẽ phát hành mô hình Llama đa phương tiện trong những tháng tới, nhưng không phải ở EU do tính chất khó lường của môi trường pháp lý Châu Âu”, người phát ngôn của Meta cho biết trong một tuyên bố, theo báo cáo của Axios.
Llama là dự án AI đầy tham vọng của Meta, hướng đến việc xây dựng các mô hình mã nguồn mở có thể xử lý đồng thời văn bản, hình ảnh, âm thanh và video, mở ra tiềm năng to lớn trong dịch thuật, tạo nội dung và chatbot thế hệ mới.
Quyết định vắng mặt tại thị trường EU có thể là một cú sốc đối với những người mong chờ phiên bản mới nhất của Llama, và có thể ảnh hưởng đến các sản phẩm của Meta tại khu vực này.
Diễn biến trên có nét tương đồng với Apple. Hồi tháng 6,“gã khổng lồ công nghệ đã thông báo Apple Intelligence, trợ lý AI sắp ra mắt, sẽ không được cung cấp tại Châu Âu. Cả hai công ty đều bày tỏ lo ngại về các quy định của liên minh, đặc biệt là nguy cơ bị phạt nặng do vi phạm luật.
Mặc dù công ty công nghệ lớn ủng hộ việc quản lý của chính phủ về AI, nhưng điều đó không có nghĩa là họ đồng ý với tất cả nội dung của các quy định đó. Một số quy định của Châu Âu được đưa ra để bảo vệ người dùng và môi trường kinh doanh rộng lớn lại không tương thích với các sản phẩm mới nhất mà các công ty công nghệ đang phát triển.
Với Meta, điểm mấu chốt của vấn đề nằm ở GDPR, bộ luật bảo vệ dữ liệu chung của Châu Âu có hiệu lực từ năm 2018. GDPR trao cho người dùng quyền kiểm soát dữ liệu cá nhân, đồng thời đặt ra trách nhiệm rất cao cho các công ty công nghệ trong việc thu thập, lưu trữ và sử dụng thông tin. Mức phạt lên tới 4% doanh thu hàng năm là rào cản khiến nhiều ông lớn phải dè chừng.
Trong khi đó, Apple đặc biệt quan ngại về Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số (DMA) của Châu Âu, được thiết kế để ngăn chặn các công ty công nghệ lớn lạm dụng vị thế thống trị. Kể từ tháng 5, Apple đã bắt buộc phải tuân thủ DMA, tuy nhiên, EU cho rằng quy định App Store của hãng vẫn vi phạm luật.
Hiện tại, chưa có công ty nào xác nhận các mô hình AI của họ được phát hành trong tương lai có thể không có sẵn tại EU, nhưng có thể nói rằng Apple và Meta đang dẫn đầu xu hướng này, và các công ty khác có thể sẽ theo sau.
Sự sẵn sàng của họ để từ chối bán sản phẩm cũng sẽ được các cơ quan quản lý – cả trong EU và ở những nơi khác chú ý đến, khi các nhà lập pháp cố gắng đưa ra các biện pháp bảo vệ phù hợp, đặc biệt trong thời điểm công nghệ này ngày càng thâm nhập vào mọi khía cạnh của cuộc sống.