Vào ngày 20/4/2023, Nghị viện châu Âu đã thông qua Khung quy định về thị trường tiền mã hoá (MiCA). Đây được xem hành động mang tính bước ngoặt.
MiCA và nỗ lực của châu Âu
Sau nhiều năm cân nhắc và trì hoãn, khung pháp lý quản lý thị trường tiền mã hoá – Markets in Crypto-Assets (MiCA) tại châu Âu đã được thông qua cùng với quy định về ‘Chuyển khoản tiền mã hoá’ (Transfer of Funds), nhằm áp dụng các yêu cầu giám sát và nhận dạng chặt chẽ hơn đối với các công ty trong ngành.
Ông Mairead McGuinness thuộc Ủy ban Châu Âu (EC) gọi đây là các quy định đầu tiên trên thế giới đối với thị trường này, trong khi nhà lập pháp thuộc Đảng Xanh, ông Ernest Urtasun cho rằng ‘kỷ nguyên miền Tây hoang dã của tài sản tiền mã hóa đã kết thúc’.
Các luật mới sẽ được áp dụng ở cấp bang, và phải chờ bước phê duyệt cuối của Hội đồng Liên minh châu Âu trước khi chính thức có hiệu lực. Tuy nhiên đây chỉ là bước thủ tục khi cơ quan này đã phê duyệt nội dung vào năm ngoái.
MiCA được xem bước tiến quan trọng và là nỗ lực đầu tiên nhằm cung cấp một bộ quy tắc toàn diện cho hệ sinh thái tiền mã hóa, xác định rõ trách nhiệm của các cá nhân và tổ chức muốn hoạt động tại EU. Các nhà quản lý EU cũng hi vọng MiCA sẽ thiết lập tiêu chuẩn cho thị trường tiền mã hóa trên toàn cầu.
Quy định nêu rõ, MiCA yêu cầu các công ty tiền mã hóa, bao gồm nhà cung cấp ví và sàn giao dịch muốn hoạt động tại EU phải được các cơ quan quản lý cấp phép, đồng thời phải tuân thủ các biện pháp phòng chống rửa tiền và ngăn chặn khủng bố.
Nhiều ý kiến phản hồi cho rằng một số tiêu chuẩn trong MiCA có thể làm suy yếu quyền riêng tư, do các công ty tiền mã hóa phải tiết lộ thông tin khách hàng nhằm đảm bảo sự an toàn và an ninh quốc gia. Tuy nhiên xét về mặt rủi ro thực tế đã xảy ra, MiCA sẽ mang lại sự minh bạch và ổn định nhiều hơn.
CEO Binance, ông Changpeng Zhao trong một tweet đã gọi MiCA là “giải pháp thiết thực” mà sàn giao dịch của ông sẽ tuân thủ.
Trong khi Mỹ đang còn lúng túng
Tình hình trái ngược hoàn toàn tại Mỹ. Đang có một nỗ lực phối hợp giữa các nhà quản lý từ Quốc hội, Chính phủ đến Cục Dự trữ Liên bang nhằm loại bỏ tiền mã hóa ra khỏi nền kinh tế. Tổng thống Joe Biden gọi đó là “cách tiếp cận toàn Chính phủ” trong một lệnh hành pháp vào đầu năm 2022 để đối phó với thị trường tiền mã hóa, trước khi FTX và LUNA được đưa vào diện điều tra.
Dù vậy vẫn có một số cơ quan tại Mỹ đang làm việc để cố gắng điều chỉnh và quản lý thị trường, bất chấp các quan chức quyền lực như Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC), Gary Gensler phản đối thiết lập các quy tắc mới. Theo ông Gensler, các quy định tài chính hiện có đủ rõ ràng để bao phủ các đặc điểm mới của công nghệ phi tập trung.
Sự tranh cãi giữa các nhà hoạch định chính sách tại Mỹ dường như đã làm suy yếu hệ sinh thái tiền mã hoá. Do những bất ổn pháp lý, ông Brian Armstrong, CEO Coinbase – sàn giao dịch tiền mã hóa lớn nhất tại Mỹ tuyên bố, họ có thể phải rời khỏi nước Mỹ bất chấp thị phần kinh doanh của Coinbase chủ yếu dựa vào khách hàng trong nước.
Nhìn một cách công bằng, Chủ tịch SEC Gensler đang kêu gọi quản lý một cách hợp lý những hệ thống tài chính đang phát triển mạnh, ông muốn tất cả các sàn giao dịch phải đăng ký với SEC, đồng thời tăng cường hệ thống xác nhận khách hàng.
Những yêu cầu này không quá khác biệt so với tiêu chuẩn MiCA của EU, nhưng sự khác biệt ở đây là một bên đang hành động toàn diện để quản lý tiền mã hoá, trong khi một bên chỉ nói rằng ‘họ sẽ làm như vậy’!