Thời gian gần đây, hàng loạt quốc gia trên thế giới đều bắt đầu nghiên cứu CBDC, trong đó một số quốc gia đã áp dụng CBDC cho riêng mình. Tuy nhiên CBDC – tiền số trong các ngân hàng thuần tuý – tiền giấy và tiền điện tử khác nhau như thế nào? Liệu CBDC ra đời có đe dọa đến sự tồn tại của thị trường tiền điện tử và hệ thống tài chính hiện tại hay không vẫn còn là một dấu hỏi.
Hiện tại ở Mỹ khoảng hơn 90% lượng tiền được giao dịch là đồng USD điện tử lưu thông trong tài khoản của các ngân hàng thương mại. Vậy khi đã có đồng tiền số có thể chuyển khoản qua lại giữa các ngân hàng thì tại sao chính phủ phải cần đến CBDC?
Đặc điểm của tiền giấy ( tiền mặt )
Tiền giấy hay còn gọi là tiền mặt nghĩa là gặp mặt đưa tiền. Đây là tiền pháp định do ngân hàng trung ương in ra và lưu thông trong thị trường, chúng ta sử dụng tiền mặt hàng ngày nhưng đôi khi không nhận ra nó có những đặc điểm giống với tiền điện tử ( crypto ).
Giả sử khi đi mua hàng và sử dụng tiền mặt để trả cho người bán, giao dịch sẽ từ tay người mua qua tay người bán, đó gọi là giao dịch ngang hàng mà không cần bất cứ một bên thứ ba nào xác nhận hay cho phép.
Đặc điểm thứ hai là tính riêng tư: giao dịch này chỉ có người mua và người bán biết, cho nên tiền bằng giấy vẫn là công cụ hoàn hảo cho những giao dịch phi pháp, rửa tiền, bởi tính riêng tư và phổ biến của nó.
Nhược điểm của tiền giấy là tồn tại dưới dạng vật lý nên không thể giao dịch trên môi trường internet, vận chuyển khó khăn khi cần thanh toán số lượng lớn, và đặc biệt việc làm giả tiền giấy rất phổ biến và dễ dàng.
Nhược điểm tiếp theo là do các ngân hàng trung ương khác nhau phát hành nên nguồn cung tiền có thể được in rất nhiều và người dân phải có lòng tin chấp nhận sử dụng, vì vậy tính mở rộng của tiền giấy rất thấp, trừ những đồng tiền mạnh như USD, EURO,…
“Các chính phủ đều có thể in thêm tiền pháp định sau khi tổng thống Richard Nixon tuyên bố vào năm 1971 rằng đồng đô la của Mỹ sẽ được thả nổi và không còn neo theo vàng ở một tỷ giá nhất định”.
Đặc điểm của tiền số hiển thị trong các tài khoản ngân hàng
Đây là loại tiền phổ biến nhất hiện nay, hiện tại phần lớn lượng tiền lưu thông mua bán trong xã hội là loại tiền số này vì có thể giao dịch nhanh, tiện lợi và an toàn, đặc biệt có thể giao dịch trên không gian internet, có thể nạp tiền giấy vào để chuyển đổi thành tiền số trong ngân hàng và ngược lại.
Tuy nhiên trở ngại lớn nhất của loại tiền này là cần một bên trung gian là ngân hàng để hoạt động, cần phải mở tài khoản của một ngân hàng thương mại, cung cấp thông tin cá nhân, và đôi lúc còn phụ thuộc vào thời gian làm việc của ngân hàng trong quá trình giao dịch.
Theo báo cáo của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ ( FED ) nguồn cung USD toàn cầu hiện tại là gần 20 nghìn tỷ USD, tuy nhiên có đến 18 nghìn tỷ USD lưu thông dưới dạng tiền số trong các tài khoản ngân hàng.
Có thể thấy, bất cứ thứ gì vô hình cũng đều khó hiểu hơn những thứ hữu hình, cảm giác sử dụng cũng vì thế mà ảnh hưởng theo, giống như việc mua một thứ gì đó bằng tiền mặt sẽ có cảm xúc nhiều hơn là chuyển khoản bằng tiền số, bởi những con số nhảy trên điện thoại khó sánh bằng cảm giác bàn tay của chúng ta trực tiếp chạm vào tờ tiền.
Tiền số trong các tài khoản ngân hàng cũng phức tạp và khó hiểu hơn rất nhiều so với tiền mặt. Đối với tiền mặt, khi cầm nó trong tay thì nó là của chủ sở hữu, người đó có thể tuỳ ý cất giữ, mua bán, cho nhận mà không cần ai cho phép.
Còn với tiền số trong tài khoản ngân hàng, có thể xem đây là một khoản nợ mà ngân hàng đang nợ bạn, mọi giao dịch, cho nhận, thanh toán đều cần được ngân hàng xác nhận mới có thể thực hiện, số tiền mặt còn lại gửi ở ngân hàng sẽ được ngân hàng sử dụng vào mục đích khác trong khuôn khổ pháp luật cho phép mà người gửi không thể kiểm soát.
Ví dụ một người gửi 100 triệu vào ngân hàng A, ngân hàng sẽ trả họ với lãi suất 5% một năm, và ngân hàng sẽ giữ lại 10% của số tiền mặt người đó đã gửi là 10 triệu để dự trữ, còn 90 triệu ngân hàng có thể cho vay để có được phần trăm lãi suất cao hơn. Khách hàng vừa vay kia có thể cầm 90 triệu đó và tiếp tục gửi lại vào ngân hàng A, ngân hàng tiếp tục giữ 10% của 90 triệu là 9 triệu để dự trữ và tiếp tục cho vay 81 triệu.
“Cứ thế dòng tiền được xoay vòng và tạo ra nhiều tiền hơn, đó là hệ thống mà các ngân hàng thương mại tạo ra dòng tiền trong xã hội”.
Hiện nay ngoài việc giữ một ít tiền mặt bên người để mua bán trao đổi hàng hoá, hầu như chúng ta đều lưu trữ tiền của mình trong các ngân hàng thương mại.
Nhưng chuyện gì sẽ xảy ra nếu số lượng lớn người gửi mất lòng tin và đột ngột đến ngân hàng rút tiền? Lúc đó ngân hàng sẽ không có đủ lượng tiền dự trữ để hoàn lại vì phần lớn số tiền của họ đang ở các khoản vay. Từ đó chúng ta có thuật ngữ “Bank run” nhằm ám chỉ một số lượng lớn người dân kéo đến rút tiền.
Tuy nhiên ở những quốc gia kém phát triển, số lượng lớn người dân vẫn chưa tiếp cận được hệ thống ngân hàng, khiến họ không thể nào tham gia vào hệ thống tài chính một cách toàn vẹn, đây là một bất cập lớn của hệ thống này.
Tiền mã hoá hay tiền điện tử ( bitcoin, ethereum…) có ý nghĩa gì?
Như chúng ta thấy, việc trao đổi ngang hàng trong các giao dịch tiền điện tử đang có một lợi thế rất lớn so với 2 loại tiền pháp định kể trên khi chúng không cần sự cho phép từ bên trung gian như ngân hàng, trong khi vẫn đảm bảo tính riêng tư của người dùng, đặc biệt là giao dịch 24/7 xuyên biên giới.
Đây có thể nói là một cuộc cách mạng mới trong lĩnh vực tài chính của thế kỷ 21. Tiền điện tử là loại tiền duy nhất tồn tại dưới dạng vô hình 100% và không có một đại diện vật lý nào, cho nên nó cũng được gọi là loại tiền khó nhất để hiểu.
Tiền mặt và tiền số trong tài khoản ngân hàng đều được gọi dưới danh nghĩa là tiền pháp định vì chúng chịu sự quản lý, giám sát từ một chính phủ nào đó. Còn đối với tiền điện tử, chúng cởi trói cho việc này bằng cách khiến chúng trở nên phi tập trung hơn dựa vào công nghệ blockchain, không chịu sự chi phối của bất kì một cá nhân hay tổ chức nào, chúng chống lại kiểm duyệt và đặc biệt sẽ không ai có quyền hạn tự tạo ra thêm nguồn cung tiền.
Việc của người dùng là tạo ví trên điện thoại thông minh để gửi và nhận các loại tiền điện tử này. Đồng tiền điện tử có trong ví ví dụ là đồng Bitcoin, nó sẽ là một tài sản hay một khoản tiền thực sự đối với cá nhân chủ sở hữu chứ không phải một khoản nợ mà ngân hàng đang nợ họ.
Chủ nhân của đồng tiền này có toàn quyền tự chủ sử dụng nó mà không cần xin phép một ngân hàng hay một tổ chức tài chính nào để có thể giao dịch và vận chuyển nó đi khắp thế giới.
Đặc điểm và vai trò của CBDC
Lý do cho việc đi vòng và giải thích các loại tiền ở trên mà không đi thẳng vào CBDC bởi vì nếu đâm ngang vào CBDC thì rất khó hình dung được giữa CBDC so với tiền giấy, tiền số trong ngân hàng và tiền điện tử khác nhau như thế nào? Và CBDC sẽ giải quyết được những trở ngại nào mà những loại tiền trên chưa làm được.
Bản chất CBDC giống như tiền giấy ở điểm có thể giao dịch CBDC thông qua các ví điện tử ngang hàng mà không cần thông qua các ngân hàng thương mại, vì giờ đây chỉ ngân hàng trung ương quản lý tất cả CBDC trên một sổ cái tập trung, rất khác với hệ thống tài chính hiện tại khi mỗi ngân hàng thương mại đều có những sổ cái riêng của mình để xử lý các giao dịch.
Điều khác biệt giữa CBDC so với tiền số trong tài khoản ngân hàng là tiền CBDC được phát hành trực tiếp từ ngân hàng trung ương chứ không phải do các ngân hàng thương mại phát hành. Trong trường hợp này, trách nhiệm pháp lý sẽ do ngân hàng trung ương chịu trách nhiệm, ngân hàng trung ương trực tiếp phát hành mã thông báo kỹ thuật số.
Về lý thuyết, một CBDC có thể tách rời hoàn toàn khỏi hệ thống các ngân hàng thương mại, mọi người dân có thể trực tiếp giữ các khoản tiết kiệm CBDC của họ trên tài khoản của ngân hàng trung ương, loại bỏ tất cả vai trò của các ngân hàng thương mại hiện nay.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay điều này khá khó xảy ra vì sẽ gây mất ổn định nghiêm trọng và thay đổi hoàn toàn hệ thống ngân hàng truyền thống. Thay vào đó, chúng ta có thể nghĩ về CBDC như một sự thay thế kỹ thuật số cho tiền giấy.
CBDC không phải là stablecoin, một ví dụ phổ biến là Tether, được gắn với đồng USD và được bảo chứng hỗ trợ dự trữ bằng USD. CBDC cũng không được gắn với một loại tiền tệ fiat, vì nó phải là tiền tệ fiat. Phiên bản CBDC của đồng USD sẽ giống với đồng USD bằng giấy hiện tại.
Có thể hiểu đơn giản, giờ đây bạn có thể gửi VND từ các ví cá nhân này qua ví cá nhân khác mà không cần đến tài khoản ngân hàng, và VND điện tử được phát hành trực tiếp từ ngân hàng nhà nước Việt Nam thay vì các con số điện tử hiển thị trên tài khoản do các ngân hàng thương mại như Techcombank Vietcombank…phát hành, nơi mà bạn phải phụ thuộc vào họ để thực hiện các giao dịch.
CBDC sẽ đưa chính phủ lên một tầm cao mới trong việc quản lý và kiểm soát chặt chẽ luồng tiền chảy trong nền kinh tế, vì đặc tính riêng tư của giao dịch tiền mặt giờ đây đã được đưa lên sổ cái tập trung để chính phủ có thể dễ dàng quan sát.
Có thể hình dung cách chuyển VND trên ví MoMo để mua sắm như thế nào thì các CBDC cũng hoạt động gần giống như vậy, nhưng có điều các con số trên ví MoMo là nằm trên sổ cái của công ty MoMo và trách nhiệm pháp lý đương nhiên là thấp hơn rất nhiều nếu so với đồng CBDC VND được tạo ra và quản lý bởi ngân hàng nhà nước Việt Nam.
“Hầu hết các quốc gia đang coi CBDC là một dạng tiền bổ sung, không phải là một loại tiền tệ sẽ thay thế cơ sở hạ tầng hiện có”.
Một trong những trở ngại của việc tiếp cận và hòa nhập hệ thống tài chính toàn cầu đối với người dân không có ngân hàng, đặc biệt là ở các nước đang phát triển và nghèo là chi phí liên quan đến việc phát triển xây dựng cơ sở hạ tầng ngân hàng. Các CBDC sẽ giải quyết được vấn đề này khi thiết lập kết nối trực tiếp giữa người dân và các ngân hàng trung ương, loại bỏ nhu cầu về xây dựng cơ sở hạ tầng đắt tiền.
CBDC có thể ngăn chặn hoạt động bất hợp pháp vì chúng tồn tại ở định dạng kỹ thuật số. Mật mã và sổ cái tập trung giúp ngân hàng trung ương dễ dàng theo dõi tiền trong phạm vi quyền hạn của mình, từ đó ngăn chặn các hoạt động giao dịch bất hợp pháp bằng cách sử dụng CBDC.
Việc thanh toán, trao đổi giao dịch trực tiếp từ người nhận tới người gửi mà không phải thông qua các ngân hàng hoặc tổ chức tài chính trung gian, điều này giảm bớt gánh nặng chi phí và nhân lực khổng lồ của hệ thống tài chính hiện tại, bên cạnh đó cũng giảm số lượng giao dịch lỗi và giúp giao dịch xuyên biên giới trở nên nhanh, rẻ và dễ dàng hơn.
Tại sao các chính phủ muốn có một CBDC?
Kiểm soát được hệ thống tiền tệ là một quyền lực vô cùng lớn của các chính phủ, và không một chính phủ nào muốn bị vơi đi thứ quyền lực này.
Sự phổ biến của Bitcoin, sau đó là các đồng tiền ổn định đến từ các công ty tư nhân đang dần chiếm lấy các ngách trong thị trường giao dịch tài chính thế giới. Đặc biệt là tại Trung Quốc có đến 84% dân số đã sử dụng ví điện thoại di động, trong khi chỉ 41% người Mỹ sử dụng ví di động như Apple Wallet.
Theo Bloomberg, ở Trung Quốc WeChat Pay và Alipay chiếm khoảng 90% thị trường thanh toán di động, trị giá 35 nghìn tỷ USD. Nhưng những ví đó đang được liên kết với các trung gian tài chính tư nhân như ngân hàng thương mại.
Chính phủ Trung Quốc đang rất hào hứng nghiên cứu và có thể sử dụng CBDC trong năm 2022, tuy nhiên nước này lại cấm giao dịch tiền điện tử, đàn áp thợ đào Bitcoin, cộng với sự gia tăng đến từ các công ty tài chính tư nhân tham gia sâu vào hỗ trợ các giao dịch tài chính tại Trung Quốc, khi kết hợp những dữ kiện này lại với nhau chúng ta nhận ra điều gì?
Có phải họ muốn lấy lại quyền kiểm soát cao nhất đối với việc người dân sử dụng các phương tiện thanh toán trong lãnh thổ Trung Quốc?
Cũng có lý do để tin rằng giảm tính ẩn danh của tiền mặt là động lực chính thúc đẩy dự án CBDC của quốc gia này. Đồng nhân dân tệ kỹ thuật số sẽ được xây dựng trên cấu trúc được gọi là “một xu, hai địa chỉ, ba trung tâm”.
Một xu là: Đồng nhân dân tệ là đồng tiền duy nhất.
Hai địa chỉ: PBoC (ngân hàng trung ương Trung Quốc) và ngân hàng thương mại, quyền kiểm soát tiền kỹ thuật số được trao cho hai thực thể tập trung này.
Ba trung tâm: ba trung tâm mới được thành lập để theo dõi và phân tích các giao dịch, trung tâm nhận dạng, trung tâm ghi chép và trung tâm phân tích dữ liệu lớn.
Chúng ta đều thấy những lợi ích to lớn của CDBC so với hệ thống tài chính hiện tại. Chúng giúp giảm chi phí in tiền giấy, chống làm giả, dễ quản lý rửa tiền, phục vụ đến đối tượng không có khả năng mở tài khoản ngân hàng nhưng vẫn có thể kết nối với internet để mở ví điện tử để sử dụng CDBC…
Nhưng động lực ngầm đằng sau của các chính phủ có thật sự là như vậy không, hay họ đang cố gắng thắt chặt thêm quyền kiểm soát của mình lên các giao dịch dân sự khi mà các đồng tiền phi tập trung như Bitcoin đang lên ngôi trong hơn một thập kỷ qua.
Ngày nay, hơn 80 chính phủ trên khắp thế giới (chiếm 90% GDP toàn cầu) đang khám phá hoặc thử nghiệm các loại tiền tệ kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC). Nhưng chỉ có năm trong số họ đã ra mắt CBDC. Đó đều là các quốc đảo Caribe: Bahamas , Saint Kitts và Nevis, Antigua và Barbuda, Saint Lucia và Grenada.
Phần lớn trong số đó có 32 quốc gia đang trong giai đoạn “nghiên cứu”. Đó là khi các ngân hàng trung ương cố gắng tìm hiểu xem toàn bộ sự ồn ào này là gì và liệu họ có thực sự muốn có một CBDC hay không. Những nước này bao gồm có Mỹ, quốc gia đã giữ vị trí thấp về các hoạt động khám phá đồng USD kỹ thuật số của mình.
Các chính phủ khác cũng đang dành thời gian để nghiên cứu các tác động an ninh của các khu vực CBDC.
Phần lớn các quốc gia trên thế giới đều đã và đang nghiên cứu và phát triển CBDC trong đó bao gồm cả Việt Nam, điều này cho thấy đây không phải là một sự kiện nhỏ thoáng qua mà là một sự thay đổi vô cùng lớn của hệ thống tài chính trong tương lai, sự ra đời của các đồng tiền phi tập trung một lần nữa đã làm thay đổi và gây sức ép lớn lên chính phủ của các quốc gia.
Kết luận
Về bản chất CBDC sẽ như là bản nâng cấp điện tử của tiền giấy hiện tại và mang lại sự tiện ích cao hơn cho người dân về nhu cầu sử dụng đồng tiền của mình trên một sổ cái tập trung được quản lý bởi chính phủ.
CBDC vẫn là một đồng tiền pháp định do quốc gia phát hành nên về bản chất nó vẫn có những đặc tính cố hữu như chịu sự kiểm soát từ quốc gia đó và đương nhiên các quốc gia có thể in thêm tiền hàng năm như những gì họ đang làm với hệ thống tài chính hiện tại.
Bitcoin và các đồng tiền phi tập trung khác vẫn còn một tương lai rất xa phía trước khi mà đặc tính phi tập trung của nó vượt qua cả sự kiểm duyệt từ các chính phủ và đang dần có được sự chấp nhận ngày càng cao đến từ công chúng, các nhà lập pháp.
Liệu khi các quốc gia đồng loạt ra mắt CBDC của riêng mình, nó sẽ ảnh hưởng như thế nào đến thị trường tiền điện tử nói riêng và hệ thống tài chính hiện tại nói chung? Chúng ta sẽ từng bước theo dõi những sự kiện này.
Hãy để lại những quan điểm và bình luận của bạn nhé.
Bài viết có thông tin từ ThuanCapital