Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (INTERPOL) đã phát hành báo cáo, nêu bật những lợi ích tiềm năng của công nghệ metaverse đối với cơ quan thực thi pháp luật, tư pháp và điều tra.
Theo đó, các nền tảng công nghệ metaverse được Interpol coi là công cụ đắc lực để đào tạo cán bộ thực thi pháp luật.
Ông Jürgen Stock, Tổng Thư ký Interpol cho biết, dù có tiềm năng chuyển đổi lớn trong tương lai, nhưng metaverse vẫn đang ở giai đoạn sơ khai, vì vậy cơ quan này đang lên kế hoạch sẵn sàng cho những thay đổi hiện nay.
Báo cáo đã xem xét các khía cạnh khác nhau của công nghệ metaverse trong việc hỗ trợ các cơ quan thực thi pháp luật trên toàn thế giới, bao gồm:
- Sử dụng nền tảng metaverse để tạo hiện trường vụ án ảo, cho phép các nhà điều tra phân tích chúng từ xa và thực nghiệm các phiên bản khác nhau của sự kiện.
- Sử dụng hiện trường vụ án ảo trong các phiên tòa, cho phép bồi thẩm đoàn và thẩm phán đến thăm hiện trường vụ án và hiểu rõ hơn về bối cảnh cũng như chi tiết của vụ án trước khi đưa ra phán quyết.
- Sử dụng các công cụ thực tế tăng cường (AR) tại hiện trường vụ án, cho phép các nhà điều tra nhanh chóng tìm hiểu bằng cách tạo ra không gian làm việc 3D sống động bên ngoài địa điểm.
- Việc chia sẻ thông tin nhanh chóng thông qua metaverse sẽ cải thiện sự phối hợp giữa các cơ quan thực thi pháp luật khác nhau và tăng cường khả năng ứng phó với các mối đe dọa.
Ngoài những lợi ích, báo cáo còn nhấn mạnh mức độ ngày càng tăng của tội phạm mạng liên quan trực tiếp đến việc sử dụng thực tế ảo. Theo ông Stock, ưu điểm của metaverse cũng là nhược điểm của chúng, vì hiện tại, gần như không thể đảm bảo an ninh triệt để cho thế giới ảo. Tuy nhiên, Interpol sẽ thường xuyên đưa ra khuyến nghị đối với các cơ quan thực thi pháp luật trong khuôn khổ chống tội phạm mạng.
Các loại tội phạm liên quan đến không gian ảo được Interpol dẫn chứng như: gian lận lừa đảo NFT; các cuộc tấn công mạng; làm giả và đánh cắp danh tính kỹ thuật số; trộm cắp tài sản văn hóa/ảo 3D và quấy rối tình dục.
Vì vậy, trong bối cảnh không gian ảo ngày càng thu hút nhiều người dùng, Interpol tin rằng nền tảng metaverse sẽ trở thành nguồn dữ liệu và bằng chứng quan trọng cho các nhà điều tra. Để điều tra tội phạm một cách hiệu quả, Interpol khuyến nghị cơ quan thực thi pháp luật phải rèn luyện các kỹ năng như: truy cập dữ liệu từ kính thực tế ảo và công nghệ Haptic; phục hồi bằng chứng bằng cơ sở hạ tầng Metaverse và thu thập dữ liệu từ các nhà cung cấp dịch vụ bên thứ ba.
Cách đây hai năm, Interpol cũng đã xây dựng một nền tảng metaverse của riêng mình để tối ưu hóa liên lạc giữa các sở cảnh sát trên toàn thế giới trong cuộc chiến chống lại tội phạm mạng.
PCB Tổng hợp