Sau hơn ba năm, 18 lần điều chỉnh và hai lần trì hoãn, ‘Khung quy định về thị trường tiền mã hoá’ (MiCA) của châu Âu đã được thông qua với tỷ lệ 517/29, đánh dấu bước ngoặt lịch sử đối với hệ sinh thái này.
Ngày 20/4, tại Trụ sở Nghị viện châu Âu đã diễn ra phiên bỏ phiếu thông qua ‘Khung quy định về thị trường tiền mã hoá’ (MiCA) với tỷ lệ 517/29. Luật dự kiến sẽ có hiệu lực từ tháng 6/2024.
Ông Stefan Verger, thành viên Nghị viện đánh giá MiCA là cột mốc quan trọng đối với thị trường tiền mã hoá. Với MiCA, các nhà hoạch định chính sách đặt mục tiêu tạo ra các tiêu chuẩn và quy tắc hài hòa cho tài sản số trên toàn EU, mang lại sự chắc chắn về mặt pháp lý nhằm bảo vệ các nhà đầu tư.
Luật mới sẽ trình bày các hướng dẫn về hoạt động, cấu trúc và quản trị của những tổ chức phát hành tài sản số, đồng thời yêu cầu tính minh bạch và công bố thông tin đối với các hoạt động phát hành và giao dịch token.
Mặc dù được đánh giá là bước tiến lớn về mặt pháp lý, tuy nhiên có một số vấn đề MiCA vẫn chưa giải quyết được. Các quy định không đề cập đến việc quản lý hệ sinh thái tài chính phi tập trung (DeFi), không giải quyết các vấn đề trong lĩnh vực cho vay và staking, cũng như không có bất kỳ quy tắc nào đối với các token không thể thay thế (NFT).
Chuyên gia nói gì về MiCA
MiCA được các chuyên gia đánh giá chủ yếu dựa trên tinh thần ‘lạc quan thận trọng’.
Trong khuôn khổ Tuần lễ Blockchain Paris 2023, ông Janet Ho, trưởng nhóm chính sách EU tại Chainalysis, cho rằng sự thành công của MiCA sẽ phụ thuộc vào những phản hồi mạnh mẽ và cần sửa đổi một số điều của luật.
Tuy nhiên, các quan chức Liên minh châu Âu nhấn mạnh, sự an toàn của nhà đầu tư là nhiệm vụ chính của MiCA. Ông Joachim Schwerin, một trong những nhà kinh tế chính của Ủy ban Châu Âu nói rằng, MiCA cần thiết để giảm thiểu các hậu quả tiêu cực của những sự cố đổ vỡ tương tự FTX và LUNA.
MiCA được đề xuất lần đầu bởi Ủy ban Châu Âu vào năm 2020 và để ban hành thành luật, nó đã được thông qua bởi Nghị viện và Hội đồng Liên minh Châu Âu.
PCB Tổng hợp