Ít nhất 11 tổ chức Trung Quốc đã tìm cách tiếp cận công nghệ Mỹ bị hạn chế thông qua dịch vụ đám mây của Amazon và Microsoft.
Các tài liệu đấu thầu công khai gần đây cho thấy các tổ chức liên kết nhà nước Trung Quốc đang sử dụng dịch vụ đám mây do Amazon và các đối thủ cung cấp để tiếp cận chip và trí tuệ nhân tạo tạo sinh (AI) tiên tiến của Mỹ khi lệnh cấm vận đang được triển khai.
Trong hai năm qua, chính phủ Mỹ đã hạn chế xuất khẩu chip AI cao cấp sang Trung Quốc với lý do cần hạn chế năng lực quân sự của nước này. Tuy nhiên, việc cung cấp quyền truy cập vào các chip hoặc mô hình AI tiên tiến như vậy thông qua đám mây không vi phạm quy định của Mỹ vì chỉ các hoạt động xuất khẩu hoặc chuyển giao hàng hóa, phần mềm hoặc công nghệ mới bị điều chỉnh.
Lách luật để tiếp cận công nghệ
Reuters đã xem xét hơn 50 tài liệu đấu thầu được đăng tải trong năm qua trên các cơ sở dữ liệu công khai của Trung Quốc và cho thấy ít nhất 11 tổ chức Trung Quốc đã tìm cách tiếp cận các công nghệ hoặc dịch vụ đám mây bị hạn chế của Mỹ. Trong số đó, bốn tổ chức nêu rõ Amazon Web Services (AWS) là nhà cung cấp dịch vụ đám mây, mặc dù họ đã truy cập các dịch vụ thông qua các công ty trung gian Trung Quốc chứ không phải trực tiếp từ AWS.
Các tài liệu đấu thầu này cho thấy phạm vi rộng lớn của các chiến lược mà các tổ chức Trung Quốc đang sử dụng để đảm bảo năng lực tính toán tiên tiến và truy cập các mô hình AI tạo sinh. Chúng cũng nhấn mạnh cách các công ty Mỹ đang tận dụng nhu cầu ngày càng tăng của Trung Quốc về năng lực tính toán.
Ví dụ, Đại học Thâm Quyến đã chi 200.000 nhân dân tệ (khoảng 28.000 USD) để sử dụng dịch vụ đám mây của AWS, được trang bị chip Nvidia A100 và H100, thông qua công ty trung gian. Các chip này bị cấm xuất khẩu sang Trung Quốc theo quy định của Mỹ, nhưng bằng cách sử dụng dịch vụ đám mây, Đại học Thâm Quyến vẫn có thể tiếp cận chúng.
Việc các tổ chức Trung Quốc sử dụng dịch vụ đám mây không chỉ dừng lại ở AWS. Trong một tài liệu thầu vào tháng 4, Đại học Tứ Xuyên đã mua 40 triệu token Microsoft Azure OpenAI để phát triển nền tảng AI tạo sinh của mình. Dù vậy, Microsoft và Đại học Tứ Xuyên không đưa ra bất kỳ bình luận nào về giao dịch này.
Chính phủ Mỹ hiện đang cố gắng siết chặt các quy định để hạn chế quyền truy cập thông qua đám mây. Michael McCaul, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Hoa Kỳ, cho biết “Lỗ hổng này đã là mối quan tâm của tôi trong nhiều năm và chúng ta đã quá hạn để giải quyết nó”.
Một dự luật đã được đưa ra tại Quốc hội vào tháng 4 để trao quyền cho Bộ Thương mại điều chỉnh quyền truy cập từ xa vào công nghệ của Mỹ, nhưng không rõ liệu và khi nào nó sẽ được thông qua.
Bộ Thương mại cũng đề xuất một quy tắc vào tháng 1 yêu cầu các dịch vụ điện toán đám mây của Mỹ phải xác minh người dùng mô hình AI lớn và báo cáo cho cơ quan quản lý khi họ sử dụng dịch vụ điện toán đám mây của Mỹ để đào tạo các mô hình AI lớn có khả năng “hoạt động độc hại trên mạng”. Quy tắc này, vẫn chưa được hoàn thiện, nhưng cũng sẽ cho phép Bộ trưởng Thương mại áp đặt lệnh cấm đối với khách hàng.
Có thể thấy việc tiếp cận các công nghệ AI tiên tiến của Mỹ thông qua dịch vụ đám mây đang đặt ra nhiều thách thức cho các cơ quan quản lý và yêu cầu phải có những biện pháp giám sát chặt chẽ hơn trong tương lai.