Những năm gần đây, blockchain được xem là nền tảng công nghệ cốt lõi trong nhiều lĩnh vực kinh tế, một số quốc gia vì vậy đã tìm cách nghiên cứu để áp dụng công nghệ này. Có nhiều yếu tố dẫn đến việc chấp nhận blockchain của một quốc gia, như tiềm năng chuyển đổi nhiều quy trình kinh doanh sản xuất, thúc đẩy đổi mới và tăng trưởng, đồng thời có môi trường pháp lý thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp blockchain.
Một trong những yếu tố cấu thành nên ngành blockchain mạnh và bền vững là sự hợp tác giữa nhiều cộng đồng blockchain, trong đó có những cá nhân, tổ chức tham gia phát triển và sử dụng công nghệ. Các cộng đồng này hình thành để chia sẻ kiến thức, hợp tác trong các dự án và thúc đẩy việc áp dụng. Cụ thể:
- Cộng đồng các nhà phát triển: Các nhóm nhà phát triển blockchain này làm việc cùng nhau để tạo ra các giao thức, chương trình, hợp đồng thông minh, dApps, và các dự án khác dựa trên công nghệ blockchain.
- Cộng đồng ngành: Các cộng đồng được phát triển xung quanh các ngành hoặc lĩnh vực cụ thể, như ngân hàng, y yế, giáo dục hay quản lý chuỗi cung ứng. Các thành viên của cộng đồng này làm việc cùng nhau để tạo ra các giải pháp blockchain đồng nhất, có thể xử lý các vấn đề cụ thể mà các lĩnh vực tương ứng của họ gặp phải.
- Cộng đồng người dùng: Các cá nhân sử dụng hàng hóa hoặc dịch vụ dựa trên blockchain tạo nên các cộng đồng này. Họ trao đổi thông tin và đưa ra phản hồi để nâng cao khả năng sử dụng và vấn đề rắc rối đang gặp phải khi sử dụng dịch vụ trên nền tảng blockchain.
- Cộng đồng đầu tư: Các nhà đầu tư đã phát triển xung quanh các dự án dựa trên blockchain như tiền mã hoá hoặc các công ty khởi nghiệp sử dụng blockchain. Thành viên của các cộng đồng này tham gia vào các dự án thẩm định, trao đổi kiến thức và nêu quan điểm về các cơ hội đầu tư tiềm năng.
- Cộng đồng tác động xã hội: Các nhóm này tập trung vào việc tận dụng công nghệ blockchain để giải quyết các vấn đề trong lĩnh vực xã hội và môi trường. Các thành viên sẽ làm việc cùng nhau để thúc đẩy phát triển các giải pháp blockchain bền vững, thân thiện và đáp ứng quy định.
Dưới đây là một số quốc gia đang đi đầu trong việc tích hợp các tiện ích của blockchain vào nền kinh tế.
El Salvador
El Salvador nổi lên như một quốc gia tiên phong áp dụng công nghệ blockchain, khi trở thành quốc gia đầu tiên công nhận Bitcoin là tiền tệ hợp pháp vào tháng 6/2021. Tại đây Bitcoin đã trở thành phương tiện thanh toán cho các loại hình dịch vụ và hàng hóa bên cạnh đồng USD. Hành động này nhằm mục đích ưu tiên thúc đẩy tài chính toàn diện tại quốc gia Trung Mỹ, nơi 70% người trưởng thành không có tài khoản ngân hàng.
Tổng thống Nayib Bukele tin rằng việc chấp nhận Bitcoin có thể giúp El Salvador trở thành một địa điểm hấp dẫn đối với các nhà đầu tư quốc tế. Chính phủ đã thực hiện một số hành động để khuyến khích áp dụng Bitcoin rộng rãi hơn.
Cùng năm đó, El Salvador phê duyệt quỹ uỷ thác trị giá 150 triệu USD cho phép tự động chuyển đổi Bitcoin-USD. Quốc gia này cũng ra mắt ví Chivo, mỗi ví chứa sẵn lượng Bitcoin tương đương với 30 USD và một mạng lưới máy rút tiền mã hoá tự động (ATM) ở El Salvador, kết nối cùng 50 thành phố khác tại Mỹ, giúp việc gửi và nhận tiền dễ dàng hơn.
Năm 2022 bất chấp suy thoái rộng lớn của thị trường, gây ảnh hưởng nặng đến giá Bitcoin và quỹ Bitcoin quốc gia, ông Bukele vẫn không tỏ ra e ngại, trái lại ông cam kết mua trung bình giá 1BTC mỗi ngày để gia tăng quỹ Bitcoin.
Đến tháng 1/2023, El Salvador ban hành ‘Luật phát hành tài sản số’, thiết lập các thông số cho ‘Trái phiếu Volcano’, loại trái phiếu được bảo đảm bởi Bitcoin.
Bồ Đào Nha
Bồ Đào Nha là quốc gia tích cực tạo ra một môi trường thuận lợi cho các công ty khởi nghiệp về blockchain và tiền mã hoá. Nước này đã sử dụng công nghệ blockchain một cách chủ động trong các dịch vụ công cộng, chăm sóc sức khỏe và quản lý chuỗi cung ứng. Năm 2019, Chính phủ Bồ Đào Nha đã giới thiệu nền tảng Blockchain Panorama – mục đích khuyến khích trao đổi thông tin và hợp tác giữa các bên tham gia vào ngành kinh doanh blockchain.
Từ đó cộng đồng yêu thích Bitcoin và tiền mã hoá đã đổ về khu vực này khi bị thu hút bởi môi trường ủng hộ tiền mã hoá chuyên nghiệp, mang đến cơ hội sử dụng Bitcoin trong đời sống như thanh toán hóa đơn và thuế. Việc chấp nhận từ các tổ chức cũng tăng lên khi công ty khởi nghiệp BitBase đang nỗ lực lắp đặt thêm máy ATM và chi nhánh Bitcoin tại các thành phố lớn.
Năm 2021, chính phủ Bồ Đào Nha đã thông qua một sắc lệnh thiết lập các điều kiện cơ bản để tạo ra các ‘khu vực tự do công nghệ (ZLT)’ nhằm thúc đẩy đổi mới, bao gồm hỗ trợ triển khai blockchain thông qua các chương trình thí điểm và kiểm tra.
Tuy nhiên từ thời gian đó, nước này cũng bắt đầu áp dụng các quy định nghiêm ngặt hơn về thuế tiền mã hoá nhằm tuân thủ các quy định chung tại châu Âu. Năm ngoái Bồ Đào Nha đã sửa đổi luật thuế mà trước đó cho phép miễn thuế đối với lợi nhuận có được từ tiền mã hoá.
Singapore
Singapore là một trong những quốc gia hàng đầu áp dụng blockchain, khi chính phủ đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu và phát triển công nghệ này. Nhờ môi trường pháp lý thuận lợi, Singapore đã trở thành một điểm nóng cho các dịch vụ phát hành tiền mã hoá lần đầu đầu (ICO), nhiều doanh nghiệp blockchain cũng chọn đặt trụ sở tại đây.
Cơ quan tiền tệ Singapore (MAS) đang dẫn đầu sự phát triển về cấu trúc quản trị, tiêu chuẩn kỹ thuật và cơ sở hạ tầng để khuyến khích áp dụng blockchain và tiền mã hoá. Vai trò chính của MAS là giám sát và giảm thiểu rủi ro trong lĩnh vực này đồng thời không làm cản trở sự đổi mới công nghệ.
Vào năm 2021, sàn giao dịch tiền điện tử Independent Reserve đã thực hiện cuộc khảo sát toàn dân tại Singapore, số liệu cho thấy có tới 43% người dân Singapore sở hữu tiền mã hoá. Đến năm 2022, một cuộc khảo sát mới của họ đã cho kết quả 58% dân số được hỏi xem Bitcoin là tài sản đầu tư và nơi lưu trữ giá trị. Điều này cho thấy sự quan tâm và tin tưởng của người dân nước này vào tương lai của tiền mã hoá và blockchain là rất cao.
Malta
Cùng với Singapore, Malta bắt đầu khuyến khích áp dụng blockchain từ năm 2017 và được mệnh danh là “quốc đảo blockchain”, sau khi ban hành một số quy định của ngành để tăng tốc độ phát triển.
Năm 2018, quốc hội Malta đã thông qua ba luật, cung cấp một khung pháp lý chặt chẽ để quản lý các hoạt động ICOs, tài sản số, và các dịch vụ liên quan. Đặc biệt, nước này đã miễn thuế thu nhập từ các tài sản tiền mã hoá và token tiện ích. Ngược lại, các chứng khoán và tài sản tài chính ảo được coi là tài sản vốn và chịu thuế.
Cuối năm 2021, chính phủ Malta đã đưa blockchain và trí tuệ nhân tạo (AI) vào khuôn khổ và triển vọng hướng dẫn thương mại. Mục đích là khuyến khích các công ty đa quốc gia mở chi nhánh tại Malta để thử nghiệm và vận hành công nghệ blockchain.
Tuy nhiên dưới sự giám sát quốc tế liên tục và ngày càng tăng đối với các sự kiện kinh tế chính trị trong nước đã khiến các nhà lãnh đạo Malta thực hiện chính sách thận trọng hơn đối với ngành. Mặc dù vậy, nhiều doanh nghiệp blockchain và tiền mã hoá tại đây vẫn đang phát triển mạnh.
Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE)
Vào tháng 4/2018, chính phủ UAE đã ra mắt Chiến lược Blockchain Emirates 2021, hướng tới trở thành một khu vực công nghệ cao với các dịch vụ công và doanh nghiệp tư nhân được hỗ trợ bởi blockchain nhằm gia tăng hiệu quả công việc.
Khu vực này luôn nổi tiếng là điểm nóng cho đổi mới kỹ thuật số, khi blockchain đang giúp chính phủ và doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, tiền bạc và công sức, đồng thời cho phép người dùng sử dụng một hệ thống minh bạch và phi tập trung. Chính phủ UAE cũng đang thúc đẩy các chính sách chào đón sự đổi mới trong không gian ảo Metaverse và các sàn giao dịch NFT.
UAE đã lựa chọn Dubai và Abu Dhabi là hai khu vực triển khai các sáng kiến và quy định để khuyến khích các doanh nghiệp blockchain và tiền mã hoá phát triển. Bên cạnh đó, đầu năm nay tiểu vương quốc Ras Al Khaimah (RAK) cũng đã công bố thành lập ‘đặc khu kinh tế tự do’ đầu tiên dành riêng cho các công ty trong lĩnh vực tài sản số, được gọi là ‘Ốc đảo tài sản số RAK’ hay RAK DAO.
Các thị trường tiềm năng khác
Thị trường tài sản số đang phát triển trên toàn cầu, bên cạnh các quốc gia đã trở thành điểm đến hấn dẫn đối lĩnh vực blockchain, còn vẫn có một số khu vực đang phát triển đáng kể về mặt pháp lý cũng như có quan điểm thân thiện hơn đối với ngành.
Mỹ
Mỹ là quê hương của mạng lưới máy ATM tiền mã hoá lớn nhất toàn cầu và đóng góp tỷ lệ băm Bitcoin cao nhất, điều này cho thấy việc áp dụng blockchain và tiền mã hoá đang phát triển mạnh mẽ tại đây. Mặc dù chưa có quy trình pháp lý nhất quán ở cấp bang hay liên bang, nhưng Chính phủ Mỹ đang cố gắng xây dựng một khung pháp lý chặt chẽ hơn về tiền mã hoá để khuyến khích sự chấp nhận và đầu tư.
Thụy Sĩ
Với việc thành phố Lugano đặt mục tiêu trở thành trung tâm tiền mã hoá của châu Âu, Thụy Sĩ là một trong những quốc gia tiềm năng để quan sát trong lĩnh vực blockchain. Quốc gia nhỏ bé này đã chào đón các khoản thanh toán trên blockchain bằng tiền mã hoá vào đầu năm 2016. Với một khung pháp lý thuận lợi cho tiền mã hoá sẽ khuyến khích các doanh nghiệp đặt trụ sở và đầu tư tại đây.
Hàn Quốc
Hàn Quốc đã trở thành một khu vực quan trọng trong việc áp dụng blockchain và tiền mã hoá tại châu Á với sự quan tâm ngày càng tăng. Nước này đã tiếp cận một cách chủ động nhưng thận trọng đối với quy định về tài sản số để đảm bảo thị trường hoạt động một cách an toàn. Sự chú trọng đáng kể được đặt vào việc chống rửa tiền và chống tài trợ cho khủng bố nhằm đảm bảo tính minh bạch và an ninh của thị trường.
Nhật Bản
Nhật Bản luôn đi đầu trong việc áp dụng Bitcoin và blockchain vì nhiều người dân đã khai thác Bitcoin từ khi tiền mã hoá có rất ít giá trị. Sàn giao dịch Bitcoin đầu tiên và nổi tiếng nhất là Mt. Gox có trụ sở tại Nhật Bản cho đến khi nó bị hack và dừng hoạt động vào năm 2013.
Sự thất bại của Mt. Gox đã truyền cảm hứng cho chính phủ thực hiện các biện pháp bảo vệ người dùng trong khi vẫn duy trì vai trò dẫn đầu trong thị trường tiền mã hoá. Vào năm 2022, chính phủ Nhật Bản đã tặng NFT cho bảy Thị trưởng để tôn vinh những thành tích của họ, hành động này đã làm tăng vị thế cho công nghệ blockchain và khuyến khích việc áp dụng.
Nigeria
Dữ liệu của Google Trend cho thấy việc áp dụng blockchain và tiền mã hoá đã có xu hướng tăng rõ rệt ở Nigeria. Đặc biệt sau cuộc khủng hoảng thị trường vào năm 2022, Nigeria đã lọt vào top những quốc gia có chỉ số chấp nhận tiền mã hoá toàn cầu cao nhất theo dữ liệu từ Chainalysis.
Người dân Nigeria đang phải đối mặt với tình hình bất ổn trong nước, lạm phát cao và sự mất giá của đồng nội tệ, các vấn đề đó đã góp phần thúc đẩy áp dụng các loại tài sản số. Chính phủ cũng đang tìm cách triển khai một khung pháp lý công bằng để bảo vệ người dùng đồng thời khuyến khích đổi mới công nghệ.
Vào tháng 10/2021, Ngân hàng Trung ương Nigeria đã ra mắt đồng e-Naira – một loại tiền số của ngân hàng trung ương (CBDC). Nigeria là một trong số ít quốc gia châu Phi triển khai đầy đủ CBDC cho người dân, cùng với Bahamas và Jamaica.
PCB Tổng hợp