Tổng thống Trump được cho là đang xem xét một sắc lệnh cho phép đầu tư tài sản mã hóa vào các quỹ hưu trí 401(k) trị giá 8,9 nghìn tỷ USD tại Mỹ.
Tổng thống Donald Trump được cho là đang chuẩn bị ký một sắc lệnh hành pháp quan trọng, cho phép các quỹ hưu trí 401(k) tại Mỹ đầu tư vào các loại tài sản thay thế, trong đó có tài sản mã hóa, thay đổi đáng kể bức tranh đầu tư hưu trí trị giá 8,9 nghìn tỷ USD.
Theo nguồn tin từ Financial Times, sắc lệnh này có thể được ban hành ngay trong tuần này. Nếu sắc lệnh được thực thi, đây sẽ là một bước tiến mang tính đột phá, mở rộng đáng kể cơ hội tiếp cận của thị trường tài sản mã hóa vào các quỹ hưu trí 401(k), vốn truyền thống chỉ tập trung vào các sản phẩm tài chính an toàn như cổ phiếu và trái phiếu. Dự kiến sắc lệnh sẽ yêu cầu các cơ quan quản lý liên bang xây dựng lộ trình cụ thể và đánh giá kỹ lưỡng các rào cản pháp lý nhằm hiện thực hóa mục tiêu này.
Tuy nhiên, Nhà Trắng đã phát đi tín hiệu thận trọng trước thông tin trên. Người phát ngôn Kush Desai nhấn mạnh trong một tuyên bố gửi Cointelegraph rằng: “Tổng thống Trump cam kết mang lại thịnh vượng cho người dân Mỹ và bảo vệ tương lai kinh tế của họ. Tuy nhiên, không có quyết định chính thức nào nếu không có sự xác nhận trực tiếp từ Tổng thống Trump.” Điều này cho thấy kế hoạch vẫn trong giai đoạn cân nhắc, chưa đưa ra quyết định cuối cùng, dù các cuộc thảo luận cấp cao vẫn đang diễn ra.
Động thái này diễn ra trong bối cảnh các rào cản pháp lý đối với tài sản mã hóa trong lĩnh vực đầu tư hưu trí đang dần được tháo gỡ. Tháng 5 vừa qua, Bộ Lao động Mỹ đã thu hồi hướng dẫn do chính quyền Biden ban hành trước đó, vốn hạn chế đáng kể khả năng đưa tài sản mã hóa vào danh mục đầu tư của các quỹ 401(k).
Trong khi đó, khu vực tư nhân cũng đã có những bước tiến tiên phong. Fidelity, công ty quản lý tài sản trị giá 5,9 nghìn tỷ USD, đã giới thiệu tài khoản hưu trí mới cho phép nhà đầu tư Mỹ tiếp cận trực tiếp với tài sản mã hóa từ tháng 4, cho thấy thị trường đang có nhu cầu thực tế đáng kể.
Xu hướng mở cửa thị trường hưu trí cho tài sản mã hóa không chỉ giới hạn ở cấp liên bang Mỹ. Tại Bắc Carolina, các nhà lập pháp đã đề xuất dự luật cho phép các quỹ hưu trí của bang phân bổ tối đa 5% tài sản vào Bitcoin. Trên bình diện quốc tế, Quỹ Đầu tư Hưu trí Chính phủ Nhật Bản (GPIF), quỹ hưu trí lớn nhất thế giới, cũng cân nhắc đưa Bitcoin vào danh mục đầu tư nhằm đa dạng hóa rủi ro.
Tại Anh, một công ty hưu trí đã phân bổ 3% danh mục vào Bitcoin, phản ánh xu hướng tích hợp tài sản số vào kế hoạch tài chính dài hạn đang dần trở thành xu thế toàn cầu không thể đảo ngược.