Theo Hiệp hội blockchain Việt Nam, trong top 200 công ty hoạt động về lĩnh vực công nghệ blockchain thì có 7 doanh nghiệp do người Việt Nam sáng lập. Việt Nam cũng là một trong những quốc gia đi đầu trong công nghệ blockchain, hiện có 10 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo của người Việt có vốn hóa trên 100 triệu USD.
Talkshow do Diễn đàn Phổ cập Blockchain tổ chức vào tối ngày 12/10/2022 với chủ đề “VỊ THẾ VIỆT NAM TRONG NGÀNH BLOCKCHAIN TOÀN CẦU” đã có những đánh giá chi tiết về tình hình phát triển ngành blockchain Việt Nam cũng như vị thế trên thế giới trong bối cảnh bùng nổ về công nghệ.
Phiên thảo luận có sự tham gia chia sẻ của các diễn giả là chuyên gia đầu ngành về luật học, công nghệ, giáo dục.
Tổng quan sự phát triển của blockchain tại Việt Nam
Mở đầu phiên, Bà Nguyễn Thị Thu Hiền – Trưởng ban Chính sách pháp lý của Hiệp hội Blockchain Việt Nam, Luật sư điều hành tại IMG Law có những thông tin đánh giá tổng quan về ngành blockchain tại Việt Nam.
Dẫn chứng các thông tin nghiên cứu, bà Hiền cho biết hiện thị trường thiết bị liên quan đến blockchain tại Việt Nam dự kiến đạt gần 2,5 tỷ USD vào năm 2026, tăng gấp 5 lần quy mô so với năm 2021.
Trong cuộc khảo sát của Finder năm 2021 trên 42000 người ở 27 quốc qua, Việt Nam đang dẫn đầu về số lượng người dân tiếp cận và sử dụng crypto với 41%, trong khi đó tỷ lệ sử dụng crypto ở Indonesia là 30%, Ấn Độ 30%, Malaysia 29%, Philipine 28%, Hàn Quốc 23% và Singapore 19%.
Theo bà Hiền, Việt Nam dẫn đầu về các chỉ số nghiên cứu được cho là nhờ mức độ quan tâm về công nghệ của dân chúng và doanh nghiệp ngày càng tăng, cũng như chính sách cởi mở và ngày càng thuận lợi từ các cơ quan quản lý trong nước.
Đồng quan điểm, ông Đào Tiến Phong – Luật sư điều hành tại Investpush Legal cho biết “trong bức tranh toàn cảnh về blockchain, Việt Nam đã có một thứ hạng cao”.
Ông Phong nhận định, tư duy và chuyên môn nghề nghiệp của nhân lực trong nước luôn được đánh giá cao, có thể nó là đứng top thế giới. Bên cạnh là những chính sách khuyến khích phát triển công nghệ từ chính phủ, trong đó có blockchain.
“Tôi đã xem báo cáo của Chainalysis, và nhận thấy Việt Nam đứng trên nhiều nước phát triển về các hạng mục liên quan đến blockchain, đặc biệt là crypto và NFT”, ông Phong chia sẻ.
Các công ty công nghệ từ Anh, Mỹ, Nhật Bản và đặc biệt là Singapore đang chú ý đến các công ty blockchain của Việt Nam bởi hạ tầng, số lượng người dùng đã phát triển khá đầy đủ trong các hệ sinh thái, điều này sẽ thúc đẩy sự phát triển của ngành nhiều hơn trong tương lai.
Ông Nguyễn Hải Nam – Giám đốc sản phẩm, đại học Funix, cho rằng sau sự bùng nổ của các xu hướng như NFT, GameFi, sắp tới blockchain sẽ lan đến những ngành mới như Heatth Care, Supply,…
Hành lang pháp lý tác động đến sự phát triển của ngành
Theo Luật sư Phong, hành lang pháp lý ở Việt Nam chưa có quy định cụ thể về blcockchain ngoài những Nghị định, Thông tư khuyến khích nghiên cứu và phát triển. Năm 2017 Thủ tướng Chính phủ ban hành chỉ thị tăng cường năng lực tiếp cận cuộc công nghiệp 4.0, cũng như đề án nghiên cứu, nhận diện về tài sản số. Đầu 2022 ban hành văn bản chỉ đạo các Bộ liên quan về việc xây dựng khung pháp lý cho tài sản số.
Bà Đỗ Hà – Host, Admin Diễn đàn Phổ cập Blockchain cũng cho rằng sự cởi mở và lắng nghe hiện tại của cơ quan Nhà nước là động lực thúc đẩy sự phát triển của ngành blockchain Việt Nam.
Có thể nói chính phủ đặc biệt ưu tiên cho ngành công nghệ blockchain, bởi đây là một trong 12 công nghệ được ưu tiên nghiên cứu phát triển để tham gia các cuộc cách mạng công nghiệp mới.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, cơ quan này đang nghiên cứu đề xuất các cơ sở pháp lý mới liên quan đến blockchain. Việc sớm có các quy định và thí nghiệm mô hình sandbox được kì vọng là nơi các cơ quan quản lý quan sát, đánh giá tác động của blockchain đến nền kinh tế.
Trong khi đó, Bộ Khoa học và Công nghệ đang tích cực hoàn thiện hành lang pháp lý cho công nghệ blockchain, đồng thời xem xét ưu tiên nguồn lực cho blockchain sau công nghệ AI. Bộ Tài chính cũng tiến hành nghiên cứu các loại tiền ảo, tài sản ảo để đưa ra các quy định giám sát.
Bà Hiền Nguyễn chia sẻ, hiện tại Hiệp hội Blockchain Việt Nam là tổ chức hợp pháp đầu tiên về công nghệ blockchain nhằm tham vấn chính sách phát triển, tham gia ươm tạo giúp người Việt không bỏ lỡ các công nghệ tiên tiến.
“Hiệp hội đã tích cực tổ chức các buổi chia sẻ, tọa đàm giúp các doanh nghiệp có cái nhìn toàn diện về xu thế phát triển của blockchain hiện tại và tương lai, tiếp cận và tối ưu công nghệ để kinh doanh. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại Việt Nam chưa có bộ luật về tài sản ảo”, bà Hiền thông tin.
Việt Nam cũng chưa có khung pháp lý rõ ràng về chống rửa tiền, tài trợ khủng bố liên quan đến tài sản kỹ thuật số lưu trữ trên blckchain. Mặc dù Việt Nam đã có những nổ lực trong phòng chống rửa tiền, tuy nhiên mức độ tuần thử các yêu cầu của FATF đã đề ra vẫn còn nhiều hạn chế.
“Mục tiêu hướng tới là có một hệ thống pháp lý hoàn chỉnh để các công ty khởi nghiệp có thể mở trụ sở ngay tại Việt Nam. Tôi cũng đề xuất các cơ quan liên quan tăng cường nghiên cứu về cơ chế quản lý, nếu chưa có luật có thể ban hành nghị định thí điểm”, bà Hiền nhấn mạnh.
Ông Phong cho biết, trên thế giới hiện một số quốc gia có cái nhìn khá khắc nghiệt đối với crypto hay ngay cả công nghệ blockchain họ cũng không hoan nghênh như Trung Quốc hay Nga. Tuy nhiên, có những quốc gia thân thiện và đón nhận một cách tích cực.
Dẫn chứng về điều này, ông Phong chỉ ra Singapore là thiên đường blockchain và crypto, khi hàng loạt startup đều chọn quốc đảo này là nơi đăng ký bởi những quy định cởi mở về tài chính và công nghệ. Tuy nhiên với crypto, đầu năm nay Singapore đã ban hành thêm đạo luật mới nhằm kiểm soát chặt chẽ hơn khiến nhiều startup mới đã dần chuyển sang các quốc gia khác như Dubai và có thể là Việt Nam nếu chúng ta tiếp cận ngành một cách cởi mở.
“Với đặc thù của Việt Nam, khi hành lang pháp lý được ban hành sẽ có các Nghị định, Thông tư hướng dẫn, có thể tiếp cận theo góc nhìn của Dubai khi luật chung của họ chỉ có 16 trang và trao quyền rất nhiều cho các sở ban ngành có cơ sở phát triển thêm”, ông Phong chia sẻ.
Nhân sự blockchain tác động đến sự phát triển của ngành
Bên cạnh sự bùng nổ của thị trường, nguồn nhân lực cho ngành là vấn đề lớn cần tháo gỡ khi đang thiếu hụt nguồn cung. Mặc dù sự quan tâm về giáo dục blockchain đang gia tăng, cũng như nhu cầu tuyển dụng ngày càng nhiều, tuy nhiên đào tạo nhân lực đang nằm ở diện nhỏ lẻ, chưa đồng bộ và chuyên sâu.
Host Đỗ Hà nhận định, ngoài hành lang pháp lý thân thiện, cởi mở, yếu tố nhân lực cũng đóng góp nhiều vào bức tranh toàn cảnh tươi sáng của ngành blockchain Việt Nam trong thời gian qua.
“Xét về mức lương của lập trình viên, hiện người làm trong ngành blockchain có mức lương khởi điểm của cao nhất trong thời điểm hiện tại”, ông Nam cho biết.
Theo báo cáo của TopDev, mức lương khởi điểm hiện tại của lập trình viên blockchain từ 0-3 năm kinh nghiệm dao động từ 1000 USD đến 3000 USD, chưa kể những người có kinh nghiệm từ 3 năm trở lên. So với các công nghệ khác, blockchain chỉ đứng thứ 4 trong số các lĩnh vực được nhiều lập trình viên lựa chọn nhất.
Hằng năm, nước ta có khoảng trên 50.000 sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành CNTT, nhưng hiện chưa có trường đại học nào đào tạo chính quy về lĩnh vực blockchain. Vì vậy, sinh viên chưa có cầu nối tiếp cận tốt so với các ngành công nghệ khác, dẫn đến sự khan hiếm trong mảng nhân sự blockchain.
Tuy nhiên, ông Nam cho rằng hiện tại các cộng đồng lớn như Diễn đàn Phổ cập Blockchain đang làm tốt vai trò phổ cập kiến thức với những chương trình talkshow online chia sẻ kiến thức, hay các khoá học online về blockchain tại đại học Funix. Chính điều này đã thu hẹp khoảng cách giữa các kỹ sư chuyên được đào tạo về blockchain và đội ngũ nhân sự CNTT chuyển sang blockchain.
Trước đây các công ty đi sâu vào outsourcing mới cần nhân sự blockchain nhưng hiện tại nhân sự blockchain đã đi vào nhiều ngành với những vị trí khác nhau. Tương lai tuyển dụng nhân sự blockchain sẽ trở nên phong phú với nguồn lực chất lượng cao hơn.
Tuy nhiên việc đón chào xu hướng hướng mới một cách ào ạt có thể dẫn đến tình trạng đào tạo qua loa nhằm cấp bằng, chứng chỉ, dẫn đến chất lượng nhân sự giảm sút. Host Đỗ Hà đã đặt câu hỏi liệu tình trạng thừa nhân sự trong ngành ngân hàng có lặp lại với ngành blockchain hay không?
Trả lời cho câu hỏi này, ông Nam cho rằng cung và cầu của thị trường nhân sự lúc nào cũng ở mức khá cân bằng. Khi nói đến mức khan hiếm hiện tại tức là đang thiếu, hoặc thị trường mới chỉ phục vụ được 15-20% so với nhu cầu. Khi nguồn nhân sự trở nên dồi dào, vẫn có thể thiếu, nhưng không đến mức độ khan hiếm.
Đưa ra lời khuyên cho các bạn trẻ muốn bước chân vào ngành blockchain, ông Nam nhấn mạnh ngành blockchain đang phát triển nhanh và thay đổi từng ngày, có thể bắt đầu tìm hiểu về blockchain ở nhiều mức độ khác nhau, nhưng phải ngay từ thời điểm này bởi hiện tại chưa có khoảng cách giữa các thế hệ đi trước và đi sau trong ngành blockchain khi lượng nhân sự có 3-5 năm kinh nghiệm không nhiều.
Ngoài những tiềm năng và ưu thế, hiện ngành blockchain đang gặp phải khá nhiều khó khăn và thách thức. Ngoài vấn đề về hành lang pháp lý còn thiếu dẫn đến những rủi ro liên quan thì tư duy về ngành đối với phần lớn người dùng còn hạn chế. Khi nhắc đến blockchain nhiều người nghĩ ngay đến tiền ảo, ponzi, trong khi blockchain đang được ứng dụng thực tế trong rất nhiều ngành như nông nghiệp, giáo dục, logistics, y tế,…
Bên cạnh đó là rào cản về vấn đề ngoại ngữ, tư duy quản trị doanh nghiệp khi đa số các startup blockchain đều là dân kỹ thuật.
Thu thuế đối với tài sản số
Theo ông Phong, khi Nhà nước công nhận các loại tài sản số, việc đánh thuế sẽ dựa trên thu nhập, còn mức thuế như thế nào sẽ chưa thể biết trước.
“Trong biểu thuế thu nhập cá nhân có thuế toàn phần và thuế lũy tiến, đối với thu nhập của cá nhân từ hoạt động kinh doanh tiền số, sẽ dao động ở mức vài %, hoặc nhà nước sẽ cân nhắc dựa trên mức thuế với các doanh nghiệp chứng khoán hiện tại”, ông Phong nêu quan điểm.
Trừ El Salvador, hầu hết các nước đang thu thuế tài sản số đều xem đây là tài sản hoặc hàng hoá, ở Mỹ cũng xem Bitcoin và các token là hàng hóa, nên sẽ đánh thuế như hàng hóa. Cá biệt có một số nước gọi token là tài sản vô hình. Trong ngành kế toán, Việt Nam đã có khái niệm tài sản vô hình, tài sản hữu hình, nhưng vẫn chưa đủ tự tin để xếp các token như Bitcoin vào loại tài sản nào. Nếu tiếp cận khả năng cao nước ta cũng xem tài sản số như hàng hoá.
Bà Hiền chia sẻ một số khu vực có thể thu thuế đầu vào như các trường hợp huy động vốn, cụ thể tại Úc, Ủy ban đầu tư chứng khoán nước này lưu ý hình thức huy động vốn ICO có thể cấu thành một hệ thống thông tin quản lý và ICO được gọi là sản phẩm tài chính và phải chịu thuế đầu vào.
Tại Canada, các cơ quan quản lý sẽ áp thuế trên các giao dịch crypto tương tự chứng khoán vì họ coi đây là một hoạt động chính quy.
Ứng dụng blockchain trong nền kinh tế
Bà Hiền chỉ ra rằng, ngành blockchain tại Trung Quốc đã tăng trưởng 54,6% hàng năm, với mục tiêu đạt 1,5 nghìn tỷ USD vào năm 2025, cao hơn mức bình quân 48%. Mặc dù công khai cấm crypto nhưng Trung Quốc đang âm thầm ứng dụng blockchain vào nhiều lĩnh vực khác nhau và có tham vọng dẫn đầu mảng công nghệ này tới năm 2025.
Ngoài ra Nhật Bản cũng đã hợp pháp hóa tiền điện tử từ 2017 theo đạo luật dịch vụ thanh toán.
Theo ông Nam, việc ứng dụng blockchain trong lĩnh vực tài chính ngân hàng có thể cắt giảm đáng kể chi phí và nhân lực nhờ vào việc không cần một bên trung gian xác minh giao dịch. Bên cạnh đó tốc độ giao dịch xuyên biên giới có thể thực hiện 24/24h một cách nhanh chóng.
“Ở Việt Nam nhiều ngân hàng thương mại đã tiên phong thí điểm blockchain như VP Bank, TP Bank, BIDV,…”, ông Phong bổ sung.
Ông Phong cho rằng blockchain khi ứng dụng trong các lĩnh vực như y tế, nông nghiệp nhằm truy xuất dữ liệu giống như một bước tiến công nghệ thông thường nên không cần luật trong trường hợp này. Tuy nhiên khi ứng dụng vào tài chính ngân hàng sẽ thay đổi đáng kể đến các quy định hiện hành, nên ngách này cần có khung pháp lý riêng.
Việt Nam đang có chương trình Sandbox trong lĩnh vực fintech ngân hang và đã ban hành dự thảo lần thứ tư. Trong đó có khá nhiều các quy định liên quan đến nghành ngân hàng. Ông Phong hy vọng blockchain sẽ có một vị trí trong Sandbox.
Một ứng dụng quan trọng khác là phát hành Tiền tệ kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC) đang rất được quan tâm. Hiện nay trên thế giới có khoảng hơn 60 nước áp dụng và thử nghiệm CBDC, Việt Nam cũng không đứng ngoài cuộc chơi.
Tháng 10/2021, Chính Phủ đã ra quyết định 1813 phê duyệt đề án Phát triển thanh toán không sử dụng tiền mặt, trong đó có một quy định đáng lưu ý là hoàn thành các hành lang pháp lý và cơ chế chính sách, trong đó nói rằng sẽ nghiên cứu đề xuất Cơ chế chính sách về tiền số quốc gia.
Hiện tại ở khu vực châu Á, trong số 20 ngân hàng Trung ương đang khám phá tiềm năng của Tiền tệ kỹ thuật số trung ương (CBDC) thì Ngân hàng trung ương Campuchia đã tiên phong ra mắt CBDC.
Sắp tới Hiệp hội Blockchain Việt Nam sẽ có các cuộc thảo luận với Hiệp hội Ngân hàng và Bộ tài chính để đi sâu thêm vào lĩnh vực này. Đây là một “hot topic” nhận được nhiều sự quan tâm, đặc biệt là từ Chính Phủ.
“Trong thời gian tới tôi hi vọng khung pháp lý sớm được hoàn thiện để Việt Nam không thể đi sau Campuchia trong lĩnh vực này”, bà Hiền lưu ý.
Ngoài khía cạnh pháp lý, ông Nam tin rằng Chính phủ cần quan tâm hơn đến hạ tầng công nghệ, các ứng dụng cần phối hợp để triển khai được CBDC.
[…] Nguồn: PCB […]
[…] Source: PCB […]