Quá trình toàn cầu hóa đã giúp ngành thương mại quốc tế phát triển đáng kể khi tiếp cận được nhiều công nghệ mới, nhưng cũng có không ít thách thức do tính chất phức tạp của quy trình hoạt động giữa các bên xuất nhập khẩu và rào cản biên giới giữa các quốc gia.
Vai trò của blockchain trong thương mại quốc tế
Tại hội thảo “Ứng dụng blockchain trong thương mại quốc tế” của Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA) trong khuôn khổ Vietnam Expo (Hội chợ Thương mại quốc tế Việt Nam) 2023 vào ngày 5/4, các chuyên gia đã thảo luận nhiều vấn đề về bối cảnh hiện tại của nền kinh tế thương mại toàn cầu, đặc biệt là sự nổi lên của những công nghệ mới như blockchain.
Theo một số thống kê, đã có nhiều công ty lớn trong ngành thương mại như A.P. Moller-Maersk Copenhagen logistics của Đan Mạch nằm trong top 50 đơn vị hàng đầu thế giới ứng dụng blockchain vào các năm 2019, 2021, 2022. Họ sử dụng các nền tảng blockchain như TradeLens, Hyperledger Fabric, IBM Blockchain để số hóa thông tin chuỗi cung ứng. Năm 2020, các nền tảng blockchain này đã xử lý một tỉ lô hàng, 30 triệu container và 14 triệu tài liệu, cao gấp đôi so với 2019.
Nhìn vào những con số đã đạt được, ông Eric Hưng – CEO Spores Network cho rằng blockchain đã giúp con người có thể giao dịch vượt mọi khoảng cách, trở thành nền tảng giúp hình thành một xã hội số hóa, nơi tất cả mọi người đều có thể tham gia đóng góp, cộng tác, và giao dịch (hình thành một nền kinh tế số) mà không cần phải lo lắng về độ an toàn, hay sự trung thực của hệ thống.
“Blockchain làm rất tốt trong việc xây dựng sự tin tưởng, thu hút được nhiều tệp người dùng trung thành, và việc tài chính hóa đã giúp người dùng có thể thay đổi kênh bán hàng, đổi ví tiền, đổi mật khẩu,…”, ông Hưng nhận định.
Trong khi đó, ông Nguyễn Minh Tuấn – CEO AFA Capital, Uỷ viên BCH Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA) nhận định, các doanh nghiệp cần nhìn ra xu hướng mới của công nghệ để áp dụng chúng vào công việc kinh doanh thương mại, đặc biệt là ứng dụng công nghệ blockchain khi nó đã chứng minh được những ưu điểm như giảm thiểu chi phí thương mại và xuất nhập khẩu.
Ngoài ra công nghệ blockchain đã đạt được mục tiêu quan trọng trong lĩnh vực thương mại khi tạo được niềm tin đối với chính phủ và các cơ quan quản lý trong việc xác thực thông tin. Từ đó người dùng và doanh nghiệp có thể yên tâm ứng dụng vào trong các quy trình thương mại, thúc đẩy tiếp cận đến nhiều khách hàng mới trên thị trường quốc tế.
Theo Ngân hàng Thế giới World Bank, nền kinh tế toàn cầu sẽ trải qua thời kỳ suy thoái khi tăng trưởng thương mại năm 2023 dự kiến chỉ đạt mức khiếm tốn 1,7%. Đây là mức tăng trưởng thấp thứ ba được ghi nhận từ năm 1993.
Để ứng phó suy thoái, nhiều doanh nghiệp và tổ chức phải tìm cách cắt giảm chi phí, đồng thời giải quyết những khó khăn vốn có trong thương mại xuyên biên giới. Trong bối cảnh đó, blockchain nổi lên như một yếu tố mới góp phần cách mạng hóa thị trường thương mại quốc tế, giải quyết sự phức tạp trong việc quản lý bằng các giải pháp như mã hóa tài liệu ngoại thương, đẩy nhanh hoạt động thanh toán và giảm đáng kể các chi phí trong khâu xác minh, lưu trữ thông tin.
Chia sẻ thêm về xu hướng mới này, ông Quyết Vũ – CEO LocaMOS, đánh giá blockchain có những ưu điểm vượt trội như tính bảo mật và minh bạch giúp nâng cao độ tin cậy, ngoài ra khả năng mở rộng quy mô và tính linh hoạt cũng giúp blockchain ngày càng được sử dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau.
Đối với các quốc gia đang phát triển như Việt Nam, World Bank đã gợi ý các giải pháp nhằm thúc đẩy giao thương. Cụ thể cần tăng cường đầu tư công vào các nền tảng cơ sở hạ tầng, tiếp theo là gia tăng thương mại, đặc biệt là thương mại quốc tế khi Việt Nam đang phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu. Cuối cùng là tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ, điển hình là các loại hình dịch vụ yêu cầu chất xám cao như công nghệ thông tin, tài chính, y tế, giáo dục.
Ông Tuấn cho rằng nền kinh tế hiện tại đang ở giai đoạn khó khăn khi các doanh nghiệp phải đối diện với một thập kỷ mất nhiều hơn được, tốc độ tăng trưởng GDP ngày càng thấp do nhiều lý do như cấu trúc già hoá dân số đang tăng cao, bất ổn chính trị khó lường đều ảnh hưởng đến tự do thương mại và lưu thông hàng hoá.
Khó khăn khi ứng dụng công nghệ blockchain
Việc áp dụng công nghệ blockchain đã phát triển và đạt được nhiều thành tựu lớn. Tuy nhiên vẫn còn những thách thức, khó khăn cho các doanh nghiệp khi ứng dụng và phát triển blockchain sâu rộng, đặc biệt tại Việt Nam.
Ông Tuấn cho biết, một ngân hàng lớn của Việt Nam là Vietcombank đã gặp vấn đề khi ứng dụng blockchain trong thanh toán quốc tế và tích hợp vào các hệ thống khác. Nguyên nhân được cho công nghệ blockchain chỉ được xuất hiện trong một phần của quy trình, trong khi Vietcombank có rất nhiều ngân hàng đại lý khiến việc đồng bộ công nghệ cho tất cả chi nhánh trở nên khó khăn và tốn kém chi phí. Từ đây ông Tuấn đặt ra câu hỏi, “liệu có thể áp dụng công nghệ blockchain cho tất cả các khâu và tất cả các cơ sở?“
Ngoài ra vấn đề pháp lý cũng gây nhiều khó khăn, khi các doanh nghiệp luôn ưu tiên các yếu tố pháp lý để đánh giá mức độ rủi ro trước khi áp dụng blockchain. Thực tế này yêu cầu các quốc gia và cả Việt Nam cần sớm xây dựng được hành lang pháp lý nhằm đảm bảo niềm tin cho doanh nghiệp.
Cuối cùng là vấn đề chi phí triển khai, ông Quyết cho rằng công nghệ blockchain vẫn chưa thể hiện được việc tối ưu chi phí tuyệt đối khi đầu tư áp dụng vào doanh nghiệp. Ông đặc biệt nhấn mạnh đến các chi phí triển khai hạ tầng và duy trì đội ngũ vận hành có trình độ.