SWIFT sẽ triển khai thử nghiệm tài sản số trên mạng blockchain vào năm 2025, kết nối các hệ thống tài chính truyền thống với tiền tệ và tài sản số, hướng đến giao dịch liền mạch và toàn cầu.
Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Quốc tế (SWIFT), thông báo vào ngày 3/10 rằng họ sẽ tiến hành thử nghiệm tài sản số trên nền tảng của mình, dự kiến bắt đầu vào năm 2025. Các ngân hàng lớn tại Bắc Mỹ, châu Âu và châu Á đang chuẩn bị tham gia vào các thử nghiệm trên, tập trung vào khám phá cách thức mạng lưới ngân hàng có thể cung cấp cho các tổ chức tài chính quyền truy cập thống nhất vào nhiều loại tài sản số và tiền tệ khác nhau.
Các thử nghiệm ban đầu sẽ tập trung vào các giao dịch liên quan đến thanh toán, ngoại hối, chứng khoán và thương mại, sử dụng các mô hình chuyển giao đối ứng thanh toán và thanh toán kèm thanh toán. SWIFT nhấn mạnh rằng sự phát triển nhanh chóng của các nền tảng và công nghệ không kết nối trong nền kinh tế tài sản số đã tạo ra một “cảnh quan ngày càng phân mảnh”, gây ra những trở ngại đáng kể cho việc áp dụng tài sản số trên quy mô toàn cầu. Sự phân mảnh này hình thành một mạng lưới phức tạp của các ‘hòn đảo số”, hạn chế khả năng tương tác và hiệu quả của các giao dịch tài sản số.
Mục tiêu kết nối và tương tác
SWIFT đặt mục tiêu tận dụng vị thế độc nhất của mình – kết nối hơn 11.000 tổ chức tài chính trên toàn thế giới – để kết nối các mạng lưới không đồng nhất này với nhau và với các loại tiền tệ pháp định hiện có. Điều này sẽ cho phép cộng đồng tài chính toàn cầu thực hiện giao dịch liền mạch bằng tài sản số và tiền số cùng với các hình thức giá trị truyền thống.
Ông Tom Zschach, Giám đốc đổi mới của SWIFT, cho biết tổ chức đang tập trung vào phát triển các ứng dụng thực tế nhằm kết nối các hình thức giá trị mới nổi và “đã được thiết lập”. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo tài sản và tiền số có thể tồn tại cùng với các hình thức tiền tệ truyền thống một cách liền mạch để đạt được thành công trên quy mô toàn cầu.
Các thử nghiệm tiền số sắp tới của SWIFT là bước tiến quan trọng trong chiến lược blockchain của mạng lưới ngân hàng toàn cầu này. Vào ngày 16/9, SWIFT đã tham gia Dự án Agorá của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) cùng một nhóm các ngân hàng trung ương. Dự án trên nhằm mục tiêu xác định cách thức tích hợp các khoản tiền gửi ngân hàng thương mại được mã hóa với các loại tiền số ngân hàng trung ương (CBDC) dành cho giao dịch bán buôn trên một nền tảng duy nhất.
Trước đó, vào tháng 3/2024, SWIFT đã đề xuất tạo ra “máy trạng thái” dựa trên blockchain, được mô tả là mô hình động phản ánh trạng thái hiện tại của các giao dịch và số dư giữa các tổ chức. Công cụ trên có thể được xây dựng trên công nghệ nhắn tin ISO-20022 đã được sử dụng và có khả năng hoạt động trên blockchain hoặc một nền tảng tập trung như Trình quản lý giao dịch của SWIFT.
Năm 2022, SWIFT đã công bố một báo cáo về các phương pháp tiềm năng để kết nối các blockchain đa dạng, nhằm giải quyết vấn đề khả năng tương tác giữa các chuỗi.