Nvidia được Washington cho phép bán chip H20 cho Trung Quốc, tạo ra “khoảng thời gian vàng” để Bắc Kinh phát triển hệ sinh thái bán dẫn nội địa.
Sự trở lại của Nvidia tại thị trường Trung Quốc tuần trước đã tạo ra những tác động phức tạp trong cuộc cạnh tranh công nghệ Mỹ-Trung. Sau khi Washington siết chặt kiểm soát xuất khẩu chip H20 khiến Nvidia ghi lỗ 4,5 tỷ USD và cảnh báo tổn thất doanh thu hàng tỷ USD, công ty đã nhận được sự chấp thuận từ chính phủ Mỹ để tiếp tục bán chip này cho Trung Quốc.
CEO Jensen Huang đã công khai chỉ trích các lệnh kiểm soát xuất khẩu, cho rằng điều này có thể đẩy nhanh quá trình tự chủ chip của Trung Quốc và gây tổn hại đến vị thế dẫn đầu công nghệ của Mỹ. “Nếu không được tham gia thị trường Trung Quốc, đó sẽ là tổn thất rất lớn đối với chúng tôi. Trong trường hợp đó, những công ty nội địa như Huawei sẽ lấp đầy khoảng trống,” ông Huang phát biểu.
Đối với Mỹ, việc Nvidia tiếp tục hoạt động tại Trung Quốc được xem như công cụ chiến lược để duy trì vị thế thống trị toàn cầu trong lĩnh vực AI. Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick nhấn mạnh: “Chúng tôi muốn các công ty Trung Quốc tiếp tục sử dụng công nghệ Mỹ, bởi họ vẫn còn phụ thuộc vào nó.” Việc giữ cho các doanh nghiệp Trung Quốc phụ thuộc vào chip và nền tảng phần mềm CUDA của Nvidia giúp củng cố vị thế lãnh đạo công nghệ của Hoa Kỳ.
Cơ hội và thách thức cho tham vọng tự chủ của Trung Quốc
Với Trung Quốc, sự trở lại của Nvidia mang lại khoảng thời gian quý giá để tiếp tục phát triển hệ sinh thái bán dẫn trong nước, đồng thời duy trì đà tăng trưởng năng lực AI. Tuy nhiên, điều này cũng có thể tạo ra hiệu ứng ngược. Tejas Dessai, Giám đốc nghiên cứu tại Global X ETFs, cảnh báo rằng việc dễ dàng tiếp cận chip Nvidia có thể hút vốn khỏi các dự án nội địa và làm trì hoãn tiến độ tự chủ công nghệ.
Huawei vẫn là ứng viên hàng đầu trong lĩnh vực chip AI tại Trung Quốc, nhưng phần cứng của hãng vẫn tụt hậu so với sản phẩm cao cấp của Nvidia. Paul Triolo từ DGA-Albright Stonebridge Group cho biết: “Các nhà phát triển mô hình AI tại Trung Quốc vẫn ưa chuộng phần cứng Nvidia, vì hệ sinh thái phần mềm của Huawei vẫn còn khó sử dụng.”
Lợi thế của Nvidia không chỉ đến từ sức mạnh phần cứng mà còn là độ ổn định và khả năng sử dụng cao của hệ sinh thái. Nền tảng phần mềm CUDA đã trở thành nền tảng chủ chốt cho các nhà phát triển AI, tạo ra một hệ sinh thái “khó thay thế” đối với đối thủ.
Pranay Kotasthane từ Viện Takshashila nhận định việc tái phân phối chip H20 tại Trung Quốc giúp các công ty Mỹ có thêm thời gian thích ứng, đồng thời làm chậm tiến trình tự chủ bán dẫn của Bắc Kinh. “Trung Quốc là thị trường lớn nhất của Nvidia và chiếm tới 50% lực lượng phát triển AI toàn cầu. Nếu thị trường này bị đóng, Nvidia sẽ khó tái đầu tư vào R&D,” ông nói.
Tuy nhiên, cơ hội của Trung Quốc có thể đến khi trọng tâm chuyển sang mảng suy luận – quá trình vận hành các mô hình AI đã huấn luyện. “Khi đó, nhu cầu đối với chip rẻ hơn, hiệu năng cao sẽ tăng vọt, và các chip thiết kế riêng của doanh nghiệp Trung Quốc có thể chiếm lĩnh thị trường,” Dessai dự đoán.