Bất chấp các trường hợp ứng dụng thực tế của công nghệ blockchain ngày càng gia tăng, nhiều tổ chức doanh nghiệp vẫn chưa bước chân vào lĩnh vực này. Một số nguyên nhân đã được đưa ra nhằm lý giải cho thực trạng trên.
Việc chậm chạp áp dụng công nghệ blockchain được nhìn nhận qua một số yếu tố.
1. Thiếu kiến thức
Nhiều công ty không hiểu rõ về cách thức hoạt động hoặc các ưu điểm của công nghệ blockchain. Sự thiếu hiểu biết này dẫn đến những do dự trong việc đầu tư nguồn lực để áp dụng một công nghệ tương đối mới ngay từ đầu.
Ngoài ra, không có kiến thức về blockchain có thể dẫn đến nhầm lẫn. Thực tế rằng blockchain vẫn còn ở giai đoạn sơ khai, công nghệ này vẫn còn đang hình thành và yêu cầu nhiều nỗ lực và thời gian để trở thành xu hướng chủ đạo trong môi trường doanh nghiệp.
2. Tính phức tạp của công nghệ
Quá trình kiến tạo và triển khai cơ sở hạ tầng dựa trên blockchain có thể rất khó khăn. Có khả năng nhiều doanh nghiệp không có cơ sở hạ tầng công nghệ hoặc nguồn lực cần thiết để xây dựng và vận hành chính xác một hệ thống trên blockchain. Bên cạnh đó, quá trình phát triển và thực hiện còn có thể tiêu tốn khá nhiều nguồn lực đầu tư từ doanh nghiệp.
3. Rủi ro cao
Các công ty thường miễn cưỡng chấp nhận rủi ro hoặc đầu tư vào các công nghệ tiên tiến không đáp ứng được yêu cầu của họ. Không có gì đảm bảo blockchain sẽ mang lại hiệu quả và giảm chi phí, do đó, các công ty thường do dự trong việc cam kết nguồn lực bỏ ra, trước khi nhìn thấy kết quả.
Về cơ bản, blockchain khác biệt với các hệ thống hiện có đến mức các công ty tỏ ra vô cùng thận trọng, họ chờ đợi và quan sát tiến trình phát triển của nó trước khi thực sự đầu tư. Tuy nhiên những công nghệ mới là một bước đệm mà các doanh nghiệp không nhận ra, cho đến khi họ nhìn thấy tầm quan trọng của công nghệ.
4. Thách thức về khả năng mở rộng
Khả năng mở rộng là một trong những thách thức lớn nhất với blockchain hiện nay. Các doanh nghiệp lớn cần xử lý khối lượng giao dịch lớn có thể gặp khó khăn bởi các hạn chế về quy mô và tần suất từ công nghệ blockchain.
Bất chấp những trở ngại này, ngày càng có nhiều tổ chức hiểu được những lợi thế tiềm năng của công nghệ blockchain và các ứng dụng của nó trong các ngành khác nhau, bao gồm ngân hàng, y tế, hậu cần và lĩnh vực công.
Khi khả năng mở rộng của blockchain tiếp tục phát triển, dự kiến sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp sử dụng công nghệ này trong tương lai.
5. Thiếu hụt nhân sự lành nghề
Việc thiếu nhân sự có trình độ là một hạn chế để áp dụng công nghệ blockchain. Các doanh nghiệp dường như gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nhân tài ngành blockchain. Khoảng cách về trình độ nhân sự là một rào cản đáng kể trong việc áp dụng chính thống, vấn đề này sẽ còn tồn tại cho đến khi nguồn nhân lực có trình độ phát triển hơn và tham gia vào ngành.
Với sự phức tạp và chi phí của quá trình đầu tư nhân lực, không có gì ngạc nhiên khi các doanh nghiệp chậm chạp trong việc nắm bắt công nghệ blockchain.
6. Khả năng tương tác hạn chế
Khả năng tương tác trên các blockchain đang dần trở nên quan trọng khi ngày càng nhiều doanh nghiệp chú ý đến công nghệ này. Do không có tiêu chuẩn cho phép các blockchain tương tác với nhau, doanh nghiệp không thể tận dụng đầy đủ ưu điểm của blockchain.
Cần thiết lập các tiêu chuẩn và giao thức cho phép các mạng blockchain tương tác với nhau và truy cập thông tin được lưu giữ trên các chuỗi riêng biệt. Điều này sẽ cung cấp các cơ hội mới cho doanh nghiệp, đồng thời mang lại hiệu quả cao hơn và tiết kiệm chi phí.
Đây là một lĩnh vực nghiên cứu hấp dẫn có tiềm năng thay đổi cách con người sử dụng blockchain. Nó cho phép trao đổi dữ liệu an toàn và hiệu quả hơn giữa các doanh nghiệp trên không gian blockchain.
Khi các doanh nghiệp nhận ra lợi thế của công nghệ blockchain và cách nó có thể giúp họ tiết kiệm chi phí và tăng hiệu quả, việc áp dụng sẽ dần trở nên phổ biến. Tuy nhiên ngay bây giờ, các doanh nghiệp cần nỗ lực để hiểu những rủi ro và thách thức liên quan đến công nghệ, trước khi cam kết đầu tư nguồn lực vào đó.
Blockchain có thể cách mạng hóa môi trường doanh nghiệp như thế nào?
Công nghệ blockchain là bước phát triển mang tính cách mạng trong môi trường kinh doanh khi nó có thể giúp các doanh nghiệp giảm chi phí, cải thiện bảo mật và đưa ra những hình thức kinh doanh mới.
Đầu tiên, blockchain có thể cung cấp sổ cái kỹ thuật số an toàn và cơ sở dữ liệu bất biến cho dữ liệu khách hàng. Điều này giúp các doanh nghiệp kiểm soát nhiều thông tin và giao dịch của khách hàng, đồng thời xác thực khách hàng một cách nhanh chóng và dễ dàng.
Thứ hai, blockchain có thể tự động hóa một số quy trình nhất định, như thanh toán, giúp giảm sai sót và nâng cao hiệu quả. Ngoài ra, hợp đồng thông minh có thể được sử dụng để tạo điều kiện thuận lợi cho các giao dịch diễn ra an toàn, giảm sự chậm trễ và tiết kiệm chi phí.
Cuối cùng, công nghệ blockchain có thể được sử dụng để tạo cơ hội kinh doanh mới cho các ngân hàng và các tổ chức tài chính, ví dụ: các ngân hàng có thể sử dụng nền tảng blockchain để phát triển thêm sản phẩm, dịch vụ và trải nghiệm, cho phép họ tiếp cận nhiều đối tượng hơn.
Tóm lại, tiềm năng của blockchain đã được chứng minh, tuy nhiên trên thực tế, có một số thách thức cần được giải quyết trước khi có thể áp dụng rộng rãi . Cộng đồng sẽ sớm chứng kiến sự bùng nổ của công nghệ blockchain khi nhiều tổ chức, doanh nghiệp tiếp tục nhận thấy ưu điểm của blockchain và đưa công nghệ này vào môi trường sản xuất, kinh doanh.
Để đạt được thành tựu đó, việc trang bị kiến thức và giáo dục cộng đồng về cơ chế chính sách, tiềm năng của blockchain trở nên cần thiết, từ đó giúp doanh nghiệp nắm bắt các quy định trước khi áp dụng blockchain.