Nguồn cung Bitcoin do các thực thể ở Châu Á nắm giữ đã tăng 9,9% so với cùng kỳ, khi khu vực này liên tục tạo điều kiện cho thị trường tiền mã hóa thông qua các quy định thân thiện. Trong khi đó tại Mỹ các nhà quản lý tiếp tục duy trì quan điểm pháp lý cứng rắn.
Một xu hướng mới đang bắt đầu hình thành khi áp lực pháp lý từ Mỹ tiếp tục đề nặng lên lĩnh vực tiền mã hóa và làm thay đổi nhu cầu đối với Bitcoin trên toàn cầu. Đặc biệt các hành động thắt chặt quy định đối với thị trường và lĩnh vực khai thác đã khiến các nhà đầu tư tại đây mất niềm tin về khả năng phục hồi của Bitcoin.
Các thay đổi thể hiện rõ thông qua sự thay đổi về nguồn cung Bitcoin hàng năm (YoY) được đưa ra bởi Glassnode, nhằm theo dõi lượng Bitcoin đang được các thực thể trong khu vực nắm giữ.
Phân tích cho thấy nguồn cung Bitcoin ở Mỹ đã giảm 11% so với cùng kỳ. Ngược lại, nguồn cung Bitcoin ở thị trường Châu Á tăng vọt khi các thực thể hoạt động trong giờ giao dịch Châu Á đã tăng tỷ lệ nắm giữ Bitcoin lên 9,9% so với cùng kỳ, ghi nhận mức cao nhất mọi thời đại.
Sự hấp dẫn của thị trường Châu Á đặt ra câu hỏi về các yếu tố thúc đẩy đằng sau những thay đổi này. Như đã thông tin, sức nóng pháp lý ở Mỹ đã khiến các nhà đầu tư tránh xa các loại tiền mã hoá như Bitcoin và Ethereum, thay vào đó họ ưu ái tính an toàn của stablecoin hơn.
Động thái phòng thủ của các nhà đầu tư đã cho thấy các tác động hữu hình mà quy định có thể gây ra đối với hành vi và quyết định của họ. Cụ thể là rủi ro về các hình phạt và tính kiểm soát liên quan đến việc tuân thủ quy định đã khuyến khích việc đầu tư an toàn hơn.
Trong khi đó tại châu Á, cụ thể là Ủy ban Chứng khoán và Tương lai Hồng Kông (SFC) đang mở đường cho một môi trường thân thiện với tiền mã hoá bằng việc cấp phép hoạt động cho các nhà cung cấp dịch vụ tài sản ảo đủ điều kiện từ ngày 1/6. Trước đó họ đã giảm bớt các yêu cầu pháp lý đối với các sàn giao dịch.
Để thích ứng với những thay đổi mới, một số doanh nghiệp tiền mã hóa như CoinEx, OKX đã tận dụng chiến lược này của Hồng Kông. Ngoài ra, sàn giao dịch Bitget còn cam kết đầu tư 100 triệu USD để củng cố hệ sinh thái Web3 tại Châu Á.
Đặc biệt các suy đoán về việc một quốc gia Trung Á sẽ chọn Bitcoin làm tài sản dự trữ quốc gia cũng phản ánh tâm lý đang thay đổi trong khu vực này đối với tiền mã hoá.
PCB Tổng hợp