Duma Quốc gia Nga đã thông qua dự luật hợp pháp hóa hoạt động đào Bitcoin và cho phép sử dụng tiền mã hoá trong thương mại quốc tế.
Vào ngày 24/7, Duma Quốc gia Nga, với 404 phiếu thuận chiếm tỷ lệ 89,8%, đã chính thức thông qua dự luật hợp pháp hóa hoạt động đào Bitcoin và cho phép sử dụng tiền mã hoá trong các giao dịch thương mại quốc tế, dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/9 tới.
Dự luật được đề xuất lần đầu cách đây vài năm, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong chính sách của Nga đối với thị trường tiền mã hoá, kỳ vọng sẽ tạo cú hích cho hoạt động thương mại quốc tế của Nga, đặc biệt trong bối cảnh các lệnh trừng phạt quốc tế đang diễn ra.
Mở đường cho thương mại quốc tế bằng Bitcoin và tiền mã hoá
Theo dự luật, các hoạt động đào Bitcoin sẽ được đặt dưới sự giám sát của chính phủ và Ngân hàng Trung ương Nga, với một cơ quan chuyên trách đảm bảo việc tuân thủ pháp luật. Quy định này nhằm mục đích đưa hoạt động đào ra khỏi vùng xám pháp lý, đảm bảo thu nhập được khai báo và thuế được thu đúng quy định.
Điểm đáng chú ý là luật cho phép bán Bitcoin đã đào mà không cần thông qua cơ sở hạ tầng thông tin của Nga, miễn trừ các giao dịch này khỏi luật điều chỉnh tiền tệ trong nước, mở ra cánh cửa cho việc sử dụng Bitcoin trong thương mại quốc tế, cho phép các doanh nghiệp Nga tiếp cận thị trường toàn cầu và giảm thiểu tác động từ các lệnh trừng phạt.
Quyết định hợp pháp hóa đào Bitcoin được xem là động thái chiến lược của Nga nhằm ứng phó với các lệnh trừng phạt quốc tế đang gây áp lực lên hệ thống tài chính truyền thống. Việc các ngân hàng Nga bị loại khỏi SWIFT và các giao dịch quốc tế bị hạn chế đã tạo ra nhu cầu cấp thiết về một giải pháp thay thế.
Hợp pháp hóa Bitcoin cũng được xem là phù hợp với xu hướng chung của thế giới, khi ngày càng có nhiều quốc gia đang tìm cách điều chỉnh và tích hợp tiền mã hoá vào nền kinh tế.
Tăng cường kiểm soát và định hướng phát triển
Dù cho phép sử dụng Bitcoin trong thương mại quốc tế, dự luật vẫn duy trì lệnh cấm sử dụng tiền mã hoá cho các giao dịch trong nước. Chính phủ Nga lo ngại việc sử dụng tiền mã hoá tràn lan có thể gây bất ổn cho hệ thống tài chính và tạo điều kiện cho các hoạt động bất hợp pháp.
Bên cạnh đó, luật cũng cấm quảng cáo tiền mã hoá nhằm kiểm soát sự phổ biến của loại tài sản số này ở trong nước. Ngoài ra, Nga đang xem xét hợp pháp hóa cả stablecoin cho các giao dịch quốc tế, nhằm đơn giản hóa thanh toán xuyên biên giới cho các công ty nội địa.