Theo thông báo mới nhất từ Chủ tịch Ủy ban Duma Quốc gia về Thị trường Tài chính, Anatoly Aksakov, Nga sẽ chính thức áp đặt lệnh cấm lưu thông tiền mã hoá trên toàn quốc từ ngày 1/9. Quyết định này nhằm ưu tiên phát triển và sử dụng Rúp kỹ thuật số, đồng thời hạn chế ảnh hưởng của các loại tiền mã hoá khác đến nền kinh tế Nga.
Lệnh cấm sẽ bao gồm tất cả các hoạt động liên quan đến Bitcoin và các loại tiền mã hoá khác, ngoại trừ các tài sản tài chính kỹ thuật số được phát hành và quản lý trong phạm vi quyền hạn của Nga. Có nghĩa chỉ đồng Rúp kỹ thuật số mới được phép lưu hành và sử dụng.
Ông Aksakov giải thích rằng, lý do chính đằng sau lệnh cấm là do sự gia tăng của tiền mã hoá như một loại tiền tệ thay thế đồng rúp trong nước. Việc này gây ảnh hưởng đến vị thế của đồng Rúp và tiềm ẩn rủi ro đối với sự ổn định của hệ thống tài chính quốc gia.
Trước đó, một dự luật về quy định hoạt động khai thác tiền mã hoá đã được đệ trình lên Duma Quốc gia, đề xuất cấm lưu thông tiền mã hoá và chỉ cho phép hoạt động khai thác trong các trường hợp ngoại lệ, như các dự án thử nghiệm của Ngân hàng Trung ương. Theo Statista, các thợ đào tiền mã hóa đã tạo ra hơn 2,59 tỷ USD thanh khoản cho giao dịch thương mại nước ngoài tại Nga.
Động thái của Nga được đưa ra trong bối cảnh nhiều quốc gia trên thế giới đang tìm cách quản lý và kiểm soát thị trường tiền mã hoá. Việc ưu tiên đồng Rúp kỹ thuật số cho thấy Nga đang hướng đến việc xây dựng một hệ thống tài chính số có chủ quyền và kiểm soát chặt chẽ hơn dòng tiền trong nước.
Tuy nhiên, giới hoạch định chính sách Nga đang tranh luận về cách tiếp cận này. Artem Kiryanov, Phó Chủ tịch Ủy ban Chính sách Kinh tế Duma Quốc gia, kêu gọi các quy định rõ ràng trong luật kỹ thuật số, trong khi Bộ trưởng Tài chính, Anton Siluanov ủng hộ điều chỉnh để cho phép sử dụng tiền mã hóa trong cả giao dịch nội địa và quốc tế.
Báo cáo gần đây cho thấy, các tổ chức Nga đã sử dụng USDT của Tether để mua linh kiện quan trọng cho công nghệ quân sự. Trường hợp điển hình là Andrey Zverev, nhân viên Nga tại Trung Quốc, đã sử dụng USDT vào năm 2022 để mua linh kiện máy bay không người lái cho hoạt động quân sự ở Ukraine nhằm qua mặt các kênh ngân hàng truyền thống và tránh sự giám sát của các tổ chức tài chính.