Theo Bloomberg News, OpenAI, công ty mẹ của ChatGPT, dự kiến sẽ tạm dừng cung cấp dịch vụ tại Trung Quốc từ ngày 9/7. Quyết định này được cho là cú hích tiềm năng cho ngành công nghiệp trí tuệ nhân tạo (AI) nội địa của quốc gia tỷ dân, khi hơn 200 công ty Trung Quốc đang phát triển công nghệ LLM, và 117 LLM đã được phê duyệt phát hành tính đến tháng 3/2024.
Thông tin về lệnh cấm của OpenAI đã gây xôn xao cộng đồng công nghệ Trung Quốc. Trong khi một số ý kiến bày tỏ lo ngại về tác động tiêu cực đến sự phát triển AI trong nước, giới chuyên gia lại nhận định đây có thể là động lực thúc đẩy ngành công nghiệp AI nội địa bùng nổ.
Ông Zhou Hongyi, nhà sáng lập kiêm CEO công ty an ninh mạng Qihoo 360, một trong những doanh nghiệp đang phát triển LLM, khẳng định trên mạng xã hội: “OpenAI đóng cửa với Trung Quốc chỉ càng thúc đẩy ngành LLM bản địa bùng nổ”.
Trước đây, việc sử dụng VPN để truy cập OpenAI và các dịch vụ nước ngoài khác đã trở nên phổ biến tại Trung Quốc. Tuy nhiên, lệnh cấm API sắp tới của OpenAI được kỳ vọng sẽ thúc đẩy người dùng trong nước chuyển sang các giải pháp “cây nhà lá vườn”. Nắm bắt thời cơ, hàng loạt ông lớn công nghệ Trung Quốc đã tung ra các chương trình hỗ trợ hấp dẫn để thu hút người dùng OpenAI.
Zhipu AI, startup được kỳ vọng là đối thủ đáng gờm của OpenAI, đã đi tiên phong với “kế hoạch di chuyển đặc biệt” trên WeChat, hỗ trợ người dùng OpenAI chuyển đổi sang nền tảng LLM nội địa. Alibaba, Baidu, Baichuan, 01.AI,… cũng đồng loạt triển khai chương trình ưu đãi, từ giảm giá sâu, tặng token miễn phí, hỗ trợ kỹ thuật, cho đến cam kết LLM “sánh ngang” OpenAI về năng .
Microsoft, đơn vị hỗ trợ lớn nhất của OpenAI, cũng đã đăng hướng dẫn trên WeChat về cách chuyển sang dịch vụ do đối tác địa phương 21Vianet điều hành.
Theo Zhang Yi, nhà sáng lập kiêm chuyên gia phân tích tại iiMedia Research, phản ứng nhanh nhạy của cộng đồng AI Trung Quốc cho thấy rõ cuộc đua giành thị phần đang ngày càng nóng lên. Từ đầu năm 2024, cuộc chiến giá đã nổ ra giữa các “ông lớn” AI Trung Quốc, với nhiều công ty, trong đó có Baidu, mạnh tay cung cấp miễn phí các mô hình AI cấu hình thấp nhằm thu hút người dùng.
Lệnh cấm của OpenAI, dù vô tình hay hữu ý, có thể trở thành cú hích cho ngành AI Trung Quốc. Với tiềm lực công nghệ và nguồn nhân lực dồi dào, cùng chính sách hỗ trợ từ chính phủ, Trung Quốc hoàn toàn có khả năng biến thách thức thành cơ hội, khẳng định vị thế cường quốc AI trên trường quốc tế.