Jordan phê duyệt chính sách blockchain quốc gia, hướng đến hiện đại hóa kinh tế và tăng cường minh bạch chính phủ vào năm 2025.
Ngày 2/1, Hội đồng Bộ trưởng Jordan đã phê duyệt chính sách blockchain quốc gia đầy tham vọng, đặt mục tiêu tích hợp công nghệ này vào các dịch vụ công vào năm 2025. Sáng kiến trên được kỳ vọng sẽ cải thiện hiệu quả hoạt động của chính phủ, tăng cường an ninh dữ liệu và thúc đẩy niềm tin của công chúng, đồng thời đóng góp vào chiến lược chuyển đổi số toàn diện của quốc gia.
Chính sách mới trên tập trung vào ứng dụng blockchain trong quản lý hành chính công, nhằm tinh giản các thủ tục, giảm chi phí và nâng cao minh bạch. Việc tự động hóa và xác minh giao dịch theo thời gian thực được kỳ vọng sẽ mang lại lợi ích cho cả doanh nghiệp và người dân, đồng thời củng cố niềm tin vào hiệu quả hoạt động của chính phủ. Chính phủ cũng cam kết bảo vệ quyền riêng tư dữ liệu của công dân trong quá trình triển khai công nghệ này, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về bảo mật kỹ thuật số toàn cầu.
Làn sóng blockchain tại Trung Đông
Bên cạnh ứng dụng trong dịch vụ công, chính sách còn hỗ trợ phát triển hệ sinh thái blockchain trong nước, bao gồm việc ươm mầm các startup, xây dựng năng lực và đào tạo nguồn nhân lực chuyên môn.
Động thái trên phù hợp với kế hoạch hiện đại hóa kinh tế rộng lớn hơn của Jordan, nhằm thu hút đầu tư nước ngoài, đa dạng hóa nền kinh tế và nâng cao vị thế cạnh tranh của Jordan trong nền kinh tế số toàn cầu. Việc cải thiện hiệu quả dịch vụ công được kỳ vọng sẽ là đòn bẩy cho tăng trưởng kinh tế và tạo ra hiệu ứng lan tỏa tích cực đến nhiều lĩnh vực khác.
Việc Jordan mạnh tay đầu tư vào blockchain không chỉ là một nỗ lực đơn lẻ mà còn phản ánh xu hướng chung đang nổi lên tại khu vực Trung Đông. Cùng ngày Jordan công bố chính sách blockchain, chính phủ chuyển tiếp của Syria cũng cho biết đang xem xét hợp pháp hóa Bitcoin và số hóa đồng bảng Syria.
Động thái được xem là chiến lược tiềm năng để ổn định nền kinh tế bị tàn phá bởi xung đột kéo dài và thu hút đầu tư quốc tế. Theo Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Syria (SCER), Ngân hàng Trung ương Syria sẽ giám sát quá trình này để đảm bảo khung pháp lý an toàn và minh bạch.
Sự quan tâm đến blockchain và tiền mã hóa tại khu vực này cũng được thể hiện qua các động thái tích cực từ các trung tâm tài chính lớn. Vào tháng 10/2023, Cơ quan Dịch vụ Tài chính Dubai (DFSA) đã cấp phép nguyên tắc cho Ripple, cho phép công ty này mở rộng hoạt động cung cấp dịch vụ thanh toán tại Trung tâm Tài chính Quốc tế Dubai (DIFC).
Đến tháng 12/2023, Tổ chức TON Foundation cũng đã đăng ký hoạt động tại Thị trường Toàn cầu Abu Dhabi (ADGM), tận dụng khung pháp lý cho công nghệ sổ cái phân tán (DLT) để củng cố nền tảng pháp lý và quản trị cho hoạt động của mình.
Những động thái trên cho thấy bức tranh toàn cảnh về sự trưởng của công nghệ blockchain tại Trung Đông. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang chuyển dịch mạnh mẽ sang kỷ nguyên số, việc áp dụng công nghệ tiên tiến như blockchain được xem là chìa khóa để thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao hiệu quả và tăng cường tính cạnh tranh.
Jordan, với chính sách blockchain mới, đang đặt cược vào tương lai số, hy vọng sẽ gặt hái được những thành quả đáng kể trong những năm tới. Việc người dân Jordan gia tăng giao dịch và đầu tư vào tiền mã hóa từ năm 2022 để ứng phó với khủng hoảng thất nghiệp cũng cho thấy tiềm năng sẵn có và sự đón nhận của người dân đối với công nghệ này.