Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhấn mạnh sự cần thiết phải phát triển các quy định về tiền mã hóa nhằm “giảm thiểu rủi ro do tài sản này gây ra đồng thời khai thác những tiềm năng của các đổi mới công nghệ”.
Ngày 23/2, IMF đã công bố một báo cáo có tiêu đề “Elements of Effective Policies for Crypto Assets“, đặt ra một khung pháp lý “có thể giúp các thành viên phát triển chính sách toàn diện, nhất quán và phối hợp” đối với tài sản tiền mã hóa.
Theo IMF: “Bằng cách áp dụng khuôn khổ đề xuất, các nhà hoạch định chính sách có thể giảm thiểu những rủi ro do tài sản tiền mã hóa gây ra đồng thời khai thác những lợi ích tiềm năng của sự đổi mới công nghệ liên quan đến loại tài sản này”.
Khuôn khổ được đề xuất
Yếu tố đầu tiên được IMF đề xuất là “bảo vệ chủ quyền và ổn định tiền tệ bằng cách tăng cường các khuôn khổ chính sách tiền tệ và không cấp chấp nhận tài sản tiền mã hóa là một loại tiền tệ hợp pháp“.
Các yếu tố khác bao gồm chống lại “sự biến động dòng vốn quá mức“, áp dụng “xử lý thuế rõ ràng đối với tài sản tiền mã hóa” và thực thi “các yêu cầu, hành vi và giám sát thận trọng đối với tất cả các tác nhân của thị trường tiền mã hóa”.
IMF nhận định “trong khi những lợi ích tiềm năng từ tài sản tiền mã hóa vẫn chưa rõ ràng, các rủi ro đáng kể đã xuất hiện”.
IMF cho biết, các thành viên nghiên cứu “đồng tình về sự cần thiết phải phát triển và áp dụng các quy định, thận trọng đối với tài sản tiền mã hóa, và tuân thủ các tiêu chuẩn của FATF“.
Vai trò của IMF
Các giám đốc điều hành của IMF tuyên bố, tổ chức này “cần hợp tác chặt chẽ để hỗ trợ công tác quản lý dưới sự lãnh đạo và hướng dẫn của các cơ quan thiết lập tiêu chuẩn”. Một số thành viên cho rằng cần nghĩ đến các lệnh cấm hoàn toàn đối với tiền mã hóa, tuy nhiên IMF chỉ ra: “các lệnh cấm nghiêm ngặt không phải là lựa chọn hàng đầu, nhưng các hạn chế có thể được áp dụng, tùy thuộc vào các mục tiêu chính sách từng quốc gia và những hạn chế về năng lực”.
Lưu ý tầm quan trọng của việc thúc đẩy nguyên tắc “cùng hoạt động, cùng rủi ro, cùng quy định“, IMF nhấn mạnh “về tầm quan trọng của công tác phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, cả ở cấp độ nội địa và quốc tế, nhằm thực hiện khung quy định một cách nhất quán, tránh tình trạng không đồng nhất về quy định”.
PCB Tổng hợp