Giá token Pi tăng 45% rồi giảm 52% chỉ trong vài giờ sau khi chuyển đổi sang Open Network, làm dấy lên lo ngại về sự ổn định của dự án tiền mã hóa này.
Ngày 20/2, Pi Network, nền tảng khai thác tiền mã hóa trên thiết bị di động, đã chính thức chuyển từ hệ thống beta khép kín sang blockchain mở (Open Network), cho phép giao dịch token Pi bên ngoài hệ sinh thái nội bộ.
Sự kiện được mong đợi này ban đầu kích hoạt làn sóng mua vào mạnh mẽ, đẩy giá Pi tăng 45% lên 2,1 USD chỉ trong vòng 1 giờ, kèm theo khối lượng giao dịch tăng đột biến hơn 1.700%. Tuy nhiên, đà tăng này nhanh chóng bị đảo ngược khi giá Pi giảm mạnh 52% xuống còn 1,01 USD chỉ vài giờ sau đó, xóa sạch toàn bộ mức tăng trước đó và khiến vốn hóa thị trường giảm xuống còn 7,02 tỷ USD.
Đến 7 giờ 30 phút ngày 21/2, Pi Coin giao dịch quanh mức 0,7-0,8 USD, sụt giảm khoảng 60% so với mức đỉnh 2,1 USD vào chiều 20/2.
Việc chuyển đổi sang Open Network được kỳ vọng sẽ mở rộng ứng dụng thực tế của Pi, tăng cường khả năng tiếp cận trên các nền tảng bên ngoài và tạo điều kiện cho việc niêm yết trên các sàn giao dịch cũng như tích hợp với các ứng dụng phi tập trung (DApp).
Như đội ngũ phát triển Pi Network đã tuyên bố, Open Network sẽ cho phép Pi kết nối với các mạng bên ngoài trên blockchain mainnet, tạo cơ sở cho các giao dịch ngoài hệ sinh thái Pi. Tuy nhiên, dự án vẫn đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm cả những rủi ro pháp lý chưa được giải quyết.
Triển vọng và thách thức của Pi Network
Ra mắt vào năm 2019, Pi Network đã thu hút 60 triệu người dùng nhờ mô hình khai thác thân thiện với thiết bị di động, được xem là giải pháp thay thế cho các loại tiền mã hóa truyền thống đòi hỏi phần cứng tiêu tốn năng lượng. Đến nay, số lượng người dùng đã xác minh KYC tăng lên hơn 19 triệu, trong khi số lượt di chuyển lên mainnet đã vượt mốc 10,14 triệu, cao hơn mục tiêu ban đầu là 10 triệu.
Với tổng cung hiện tại khoảng 9,7 tỷ token, định giá pha loãng hoàn toàn (FDV) của Pi hiện vào khoảng 7,6 tỷ USD. Tuy nhiên, các nhà phân tích cảnh báo rằng những đợt mở khóa token có thể gây áp lực giảm giá nếu nhu cầu không theo kịp nguồn cung.
Mặc dù cộng đồng người dùng ủng hộ mạnh mẽ Pi Network, dự án vẫn vấp phải nhiều nghi ngại từ giới chuyên gia. Các vấn đề về tokenomics chưa rõ ràng và rủi ro pháp lý là những yếu tố hạn chế tiềm năng phát triển của dự án.
Lịch sử pháp lý đầy tranh cãi của Pi Network càng làm gia tăng những lo ngại này. Trong năm 2023, một số cơ quan thực thi pháp luật đã xếp Pi vào diện dự án có dấu hiệu lừa đảo, đặt nghi vấn về tính hợp pháp và mô hình hoạt động của hệ thống.
Cụ thể, vào cuối tháng 6/2023, Bộ Công an cho biết đã phối hợp với công an địa phương để điều tra hoạt động liên quan đến Pi. Theo đại diện Bộ, các hoạt động liên quan đến Pi tại Việt Nam có dấu hiệu của việc lôi kéo, tiền người trước trả cho người sau trong mô hình kinh doanh dạng nhị phân, đa cấp, do đó người dân cần thận trọng trước hành vi lôi kéo tham gia mô hình tiền ảo có lợi nhuận cao bất thường.
Bất chấp những tranh cãi, Pi Network vẫn thu hút được sự quan tâm đáng kể từ cộng đồng tiền mã hóa. Minh chứng là trong cuộc bỏ phiếu cộng đồng do Binance tổ chức, 85% người tham gia ủng hộ việc niêm yết Pi. Tuy nhiên, kết quả trên chưa đủ để xóa bỏ những nghi vấn về tính bền vững và minh bạch của dự án, khi các vấn đề pháp lý vẫn đang đặt ra nhiều dấu hỏi lớn.