Châu Âu bị cảnh báo có thể bỏ lỡ cơ hội tăng trưởng kinh tế từ AI do quy định chồng chéo và thiếu nhất nhất.
Trong bối cảnh trí tuệ nhân tạo (AI) đang bùng nổ, hai CEO công nghệ hàng đầu là Mark Zuckerberg của Meta và Daniel Ek của Spotify đã lên tiếng cảnh báo về nguy cơ châu Âu tụt hậu trong cuộc đua này.
Theo các CEO của Meta và Spotify, quy định chồng chéo và việc áp dụng không đồng nhất của Quy định chung về bảo vệ dữ liệu (GDPR) đang kìm hãm sự phát triển của AI nguồn mở, đặc biệt là khả năng tiếp tục phát triển các mô hình ngôn ngữ lớn như Llama.
Hiện tại, AI nguồn mở, với các mô hình và mã được công khai, đang được xem là chìa khóa để thúc đẩy sự đổi mới và cạnh tranh công bằng, tương tự như cách Internet đã vận hành. Meta và Spotify, hai công ty tiên phong trong việc ứng dụng AI, cho rằng châu Âu, với nguồn nhân lực phát triển phần mềm mã nguồn mở dồi dào, có tiềm năng lớn để dẫn đầu làn sóng AI này.
Rào cản pháp lý kìm hãm sự phát triển
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, châu Âu đang tự đánh mất lợi thế của mình. Ví dụ như GDPR, đạo luật được kỳ vọng sẽ hài hòa hóa việc sử dụng dữ liệu, lại đang tạo ra sự chậm trễ và bất ổn do cách thức áp dụng thiếu thống nhất giữa các quốc gia thành viên.
Trước đây Meta từng bị yêu cầu trì hoãn việc huấn luyện mô hình AI trên dữ liệu công khai của người dùng Facebook và Instagram, nhưng không phải vì vi phạm luật mà vì các nhà quản lý chưa thống nhất về cách thức áp dụng GDPR. Điều này khiến các mô hình AI mạnh mẽ nhất không phản ánh được kiến thức, văn hóa và ngôn ngữ của châu Âu, đồng thời người dân châu Âu cũng không được tiếp cận với những sản phẩm AI tiên tiến nhất.
Sự không chắc chắn về quy định hiện tại cũng khiến Meta không thể phát hành các mô hình sắp tới như Llama đa phương thức, có khả năng hiểu hình ảnh. Điều đó có nghĩa là các tổ chức châu Âu sẽ không thể tiếp cận công nghệ nguồn mở mới nhất và công dân châu Âu sẽ bị bỏ lại với AI được xây dựng cho người khác.
Không chỉ trong lĩnh vực công nghệ, nhiều CEO châu Âu cũng cho rằng môi trường pháp lý phức tạp là một trong những nguyên nhân khiến châu lục này thiếu sức cạnh tranh. Khoảng cách về số lượng các công ty công nghệ hàng đầu, kỳ lân và startup giữa châu Âu với Mỹ và châu Á ngày càng gia tăng, minh chứng cho thực tế đáng lo ngại này.
Meta và Spotify kêu gọi châu Âu cần đơn giản hóa và hài hòa hóa các quy định, tận dụng lợi thế của một thị trường chung đa dạng. Châu Âu cần tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc khởi nghiệp và giữ chân nhân tài, đặc biệt là trong lĩnh vực AI, để nắm bắt cơ hội hiếm có này và không bị tụt hậu trong cuộc đua công nghệ toàn cầu.