Chainlink giới thiệu giải pháp bảo mật liên chuỗi, cho phép giao dịch riêng tư trên nhiều blockchain, mở đường cho ứng dụng blockchain trong lĩnh vực tài chính.
Ngày 22/10, Chainlink, mạng lưới oracle phi tập trung hàng đầu trên Ethereum, đã công bố hai tính năng bảo mật mới và cập nhật tính năng hiện có, cho phép các tổ chức tài chính duy trì tính bảo mật dữ liệu, toàn vẹn dữ liệu và hỗ trợ tuân thủ quy định khi giao dịch trong nền kinh tế đa chuỗi.
Giải pháp mới của Chainlink bao gồm hai công cụ bảo mật chủ lực: Blockchain Privacy Manager và Giao dịch Riêng tư CCIP.
Theo đó, tính năng Blockchain Privacy Manager cho phép các tổ chức tích hợp mạng lưới blockchain riêng tư của họ với các hệ thống hiện có, như hệ thống backend doanh nghiệp truyền thống, đồng thời hạn chế rủi ro lộ dữ liệu trên chuỗi.
Tính năng này cũng cho phép tích hợp chuỗi riêng tư với nền tảng Chainlink công khai, cung cấp quyền truy cập vào dữ liệu off-chain quan trọng như Bằng chứng Dự trữ (PoR), Giá trị Tài sản Ròng (NAV), giá thị trường và dữ liệu nhận dạng, mà không cần lộ dữ liệu chuỗi riêng tư nhạy cảm cho bên thứ ba.
Các tổ chức cũng có thể tận dụng mạng lưới CCIP công khai để kết nối blockchain riêng tư với các chuỗi công khai hoặc riêng tư khác, chỉ tiết lộ thông tin trên chuỗi được tổ chức lựa chọn là cần thiết để xử lý mỗi giao dịch. Trong số những khách hàng đầu tiên thử nghiệm giải pháp này có ANZ Bank, tham gia thông qua Project Guardian, dự án do Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS) khởi xướng nhằm phát triển thanh toán tài sản thực mã hóa (RWA).
Trong khi đó, Giao dịch Riêng tư CCIP tận dụng một giao thức mã hóa/giải mã trên chuỗi để cho phép các tổ chức giao dịch trên nhiều blockchain riêng tư bằng cách sử dụng mạng lưới CCIP công khai, đồng thời giữ bí mật hoàn toàn chi tiết giao dịch.
Mã hóa đầu cuối ngăn chặn các nhà điều hành node Chainlink hoặc bên thứ ba truy cập nội dung nhạy cảm của các giao dịch liên chuỗi của tổ chức, bao gồm số lượng token, địa chỉ người gửi/người nhận và hướng dẫn dữ liệu. Khóa mã hóa được tạo và nắm giữ bởi người dùng tổ chức và có thể được chia sẻ có chọn lọc với các bên được ủy quyền, như đối tác, kiểm toán viên tuân thủ hoặc cơ quan quản lý tài chính.
Sự gia tăng của các mạng lưới blockchain trong thị trường vốn toàn cầu mang đến cơ hội to lớn để định nghĩa lại cách thức phát hành, giao dịch và thanh toán tài sản tài chính. Với thị trường tài sản mã hóa dự kiến đạt 16 nghìn tỷ USD vào năm 2030, các tổ chức tài chính đang tích cực chuyển từ giai đoạn thử nghiệm sang các ứng dụng thực tế, từ thanh toán xuyên biên giới bằng stablecoin đến thanh toán chứng khoán mã hóa.
Tuy nhiên, việc thiếu bảo mật liên chuỗi đã cản trở các tổ chức tài chính giao dịch trên môi trường blockchain một cách tuân thủ các yêu cầu pháp lý như Quy định Bảo vệ Dữ liệu Chung (GDPR) của châu Âu.
GDPR yêu cầu bảo mật toàn diện cho các giao dịch giữa chuỗi riêng tư và hạn chế quyền truy cập dữ liệu khi chuyển đổi giữa chuỗi công khai và chuỗi riêng tư. Chainlink kỳ vọng công nghệ bảo mật tiên tiến của mình sẽ giải quyết triệt để những thách thức này, tạo điều kiện cho các tổ chức tài chính áp dụng blockchain mà vẫn đảm bảo tuân thủ quy định.