Theo Chainalysis, 2022 là năm xảy ra nhiều vụ tấn công nhất lịch sử vào thị trường tiền mã hoá, với ước tính thiệt hại khoảng 3,8 tỷ USD, chủ yếu trên các giao thức tài chính phi tập trung (DeFi) và đến từ những nhóm tin tặc có quan hệ mật thiết với Triều Tiên.
Con số này dường như đã giảm đáng kể trong quý I/2023 khi báo cáo ngày 21/5 của TRM Labs chỉ ra, số tiền bị đánh cắp thông qua các vụ tấn công ít hơn các quý của năm 2022, và giá trị tài sản bị đánh cắp cũng giảm gần 65% so với cùng kỳ
Số tiền bị thiệt hại trung bình mỗi vụ cũng giảm trong quý I/2023, chỉ khoảng 10,5 triệu USD so với 30 triệu USD cùng kỳ năm 2022, trong khi số vụ tấn công là tương đương (khoảng 40 vụ).
Bất chấp sự sụt giảm, lịch sử cho thấy người dùng vẫn không nên chủ quan. TRM Labs lưu ý rằng các vụ tấn công tiền mã hoá đã giảm đáng kể trong quý 3/2022, trước khi bùng nổ trong quý 4 và biến năm 2022 thành một năm kỷ lục về các vụ tấn công tiền mã hoá.
Các cảnh báo được đưa ra
Hiện không có dẫn chứng giải thích rõ ràng cho xu hướng suy giảm tạm thời này nhưng TRM Labs dự đoán, việc Bộ Tài chính Mỹ xử phạt máy trộn Tornado Cash và bắt giữ Avraham Eisenberg – tin tặc đã tấn công vào giao thức Mango Markets có thể sẽ răn đe những tin tặc có ý định phạm tội, đồng thời lưu ý rằng, chỉ một vài cuộc tấn công quy mô lớn cũng có thể thay đổi xu hướng một lần nữa.
Vào tháng 1, công ty bảo mật blockchain Certik cũng đưa ra cảnh báo, rằng họ không thể dự đoán được quãng thời gian tạm lắng của các vụ tấn công, tuy nhiên tin tặc có thể tiếp tục tìm cách nhắm vào các cầu nối chuỗi chéo (cross-chain) trong năm nay. Thực tế cho thấy, những vụ tấn công liên quan đến cross-chain chiếm 6/10 các vụ tấn công lớn nhất trong năm 2022 và gây thiệt hại lên tới 1,4 tỷ USD.
PCB Tổng hợp