Ngân hàng Trung ương Bahrain cho phép phát hành stablecoin có sinh lợi, vượt xa quy định của UAE với yêu cầu tài sản dự trữ xếp hạng AA-.
Ngân hàng Trung ương Bahrain (CBB) đã chính thức ban hành quy định đầy đủ về stablecoin vào ngày 2 tháng 7 năm 2025, sau khi công bố tài liệu tham vấn vào tháng 10 năm 2024. Theo đó, CBB hiện cấp phép cho các tổ chức phát hành và lưu ký stablecoin được bảo chứng bằng tiền pháp định (fiat), có thể là Dinar Bahrain, Đô la Mỹ, hoặc bất kỳ đồng tiền fiat nào khác được CBB chấp thuận.
CBB cho biết, sau quá trình tham vấn với ngành công nghiệp, ngân hàng chính thức ban hành Module và các phụ lục kèm theo trong Bộ Quy tắc CBB Volume 6 (xem Module SIO và các phụ lục đính kèm). Quy định mới này có hiệu lực ngay lập tức và được đánh giá là vượt xa quy định hiện hành của Ngân hàng Trung ương UAE.
Đáng chú ý, CBB cho phép các tổ chức phát hành được phát hành stablecoin có sinh lợi, tức là có khả năng chi trả lợi suất thụ động cho người dùng đến từ tiền lãi hoặc phần thưởng (đối với stablecoin tuân thủ Sharia) có được từ việc đầu tư tài sản dự trữ. Tuy nhiên, CBB yêu cầu tỷ suất lợi nhuận hoặc phần thưởng phải được thiết lập ở mức hợp lý, không gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự ổn định của stablecoin hoặc tình trạng tài chính của tổ chức phát hành stablecoin.
Theo quy định, các tổ chức phát hành muốn phát hành stablecoin, kiểm soát tổng cung, thực hiện chức năng mint (đúc) và burn (hủy), quản lý và lưu giữ tài sản dự trữ, hoặc cung cấp dịch vụ lưu ký stablecoin, phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu được đặt ra trong Module.
Yêu cầu nghiêm ngặt về tài sản dự trữ và cấp phép
Các tổ chức đã được cấp phép hoạt động tài chính nếu muốn triển khai dịch vụ liên quan đến stablecoin phải có sự chấp thuận bằng văn bản từ CBB trước khi triển khai. Hồ sơ gửi CBB phải bao gồm mô tả chi tiết về dịch vụ mới, nguồn lực cần thiết, và khung vận hành của dịch vụ đó. Tất cả nhà cung cấp dịch vụ stablecoin đều phải được cấp phép trước khi hoạt động.
CBB cũng lưu ý rằng trong quá trình phê duyệt một loại stablecoin, họ sẽ đánh giá chất lượng và tính thanh khoản của đồng stablecoin, rủi ro tín dụng và rủi ro tập trung liên quan đến tài sản dự trữ. CBB có quyền từ chối cấp phép nếu thấy rằng việc phát hành có thể gây thiệt hại, làm suy yếu hoặc đi ngược lại lợi ích của nền kinh tế quốc gia, người nắm giữ stablecoin, hoặc nhà đầu tư công chúng.
Về cơ cấu tài sản dự trữ, các tổ chức phát hành stablecoin chỉ được phép duy trì tài sản dự trữ dưới các hình thức tiền mặt hoặc tiền gửi tại các ngân hàng có xếp hạng tín nhiệm từ AA- trở lên (hoặc tương đương), chứng khoán nợ của Ngân hàng Trung ương, và giao dịch repo được bảo đảm bằng quỹ thị trường tiền tệ chính phủ ngắn hạn. Ngoài ra, đơn vị xin cấp phép phải có ít nhất 3 năm kinh nghiệm trong phát hành stablecoin hoặc hoạt động trong lĩnh vực tài sản mã hóa.
Về lệ phí, CBB áp dụng mức phí hàng năm biến đổi đối với tổ chức phát hành stablecoin, được tính bằng 0,25% chi phí vận hành liên quan, với mức tối thiểu là 5.000 Dinar Bahrain (BD) và tối đa là 12.000 BD. CBB cũng nhấn mạnh yêu cầu cao về quản trị và tuân thủ, bao gồm việc các tổ chức phát hành stablecoin phải xây dựng hệ thống và cơ chế kiểm soát phù hợp với quy định trong Module Chống rửa tiền và Tội phạm tài chính (AML) thuộc Bộ Quy tắc CBB Volume 6.
Quy định mới của CBB được đánh giá là vượt xa quy định hiện hành của Ngân hàng Trung ương UAE. Cụ thể, UAE chỉ cho phép phát hành stablecoin gắn với đồng Dirham (AED) để sử dụng làm phương tiện thanh toán nội địa, trong khi đó Bahrain cho phép phát hành cả stablecoin gắn với Dinar Bahrain, Đô la Mỹ và các đồng fiat khác, bao gồm cả stablecoin tuân thủ luật Hồi giáo.
Ngoài ra, CBB cho phép phát hành stablecoin có sinh lợi – điều chưa từng được đề cập trong khung pháp lý của UAE. Điều này khiến Bahrain trở thành một trong những quốc gia tiên phong trong việc thiết lập khung pháp lý toàn diện cho stablecoin ở khu vực Trung Đông.