Người Mỹ đã mất 5,6 tỷ USD do gian lận liên quan đến tiền mã hóa trong năm 2023, tăng 45% so với năm 2022, theo báo cáo của FBI.
Trung tâm Tiếp nhận Khiếu nại Tội phạm Internet (IC3) thuộc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) vừa công bố báo cáo về lừa đảo tiền mã hóa năm 2023. Theo đó, người Mỹ đã mất 5,6 tỷ USD do lừa đảo tiền mã hóa, tăng 45% so với năm 2022. Các khiếu nại liên quan đến tiền mã hóa chiếm 10% tổng số khiếu nại mà FBI nhận được, nhưng chiếm gần 50% tổng thiệt hại tài chính trong năm.
Trong số gần 69.000 khiếu nại liên quan đến tiền mã hóa trong năm 2023, nạn nhân từ 30-49 tuổi nộp đơn khiếu nại nhiều nhất, tuy nhiên nhóm người trên 60 tuổi chịu thiệt hại nặng nề nhất, lên đến gần 1,6 tỷ USD. Đây là nhóm đối tượng dễ bị lừa bởi những lời hứa hẹn lợi nhuận cao mà không nhận thức được rủi ro.
Đặc biệt, các kế hoạch đầu tư lừa đảo là hình thức phổ biến nhất, chiếm khoảng 71% tổng số vụ việc. Trong số đó, “lừa đảo dựa trên sự tin tưởng” (confidence-enabled fraud) hay còn gọi là “pig butchering” là một hình thức phổ biến. Kẻ lừa đảo sẽ tiếp cận nạn nhân qua mạng xã hội, ứng dụng hẹn hò hoặc nhắn tin, xây dựng mối quan hệ lâu dài, tạo dựng niềm tin trước khi thuyết phục họ đầu tư vào các dự án giả mạo.
FBI nhận được khiếu nại từ hơn 200 quốc gia, nhưng phần lớn khiếu nại và thiệt hại đến từ Mỹ. Cơ quan này đưa ra cảnh báo rằng: “Hãy cực kỳ thận trọng với những lời khuyên đầu tư từ người bạn chưa từng gặp mặt trực tiếp.”
Ngoài ra, FBI cũng cảnh báo về nguy cơ buôn bán lao động, khi người lao động bị dụ dỗ làm việc tại nước ngoài, chẳng hạn như tại các trung tâm cuộc gọi, nhưng sau đó bị bóc lột. Thông thường, các vụ lừa đảo “pig butchering” sẽ được điều hành từ các trung tâm cuộc gọi sử dụng lao động nước ngoài, chủ lao động có thể yêu cầu bồi thường chi phí ăn ở và giữ hộ chiếu hoặc giấy tờ tùy thân của người lao động.
Bên cạnh đó báo cáo cũng đề cập đến các hoạt động lừa đảo khác như “play-to-earn”, yêu cầu người dùng mua token để chơi game trực tuyến rồi sau đó khóa ví của họ, các doanh nghiệp giả mạo dịch vụ thu hồi tiền mã hóa bị mất, hay điển hình là lừa đảo thông qua hệ thống ATM tiền mã hoá.
FBI ghi nhận 5.500 vụ liên quan đến các ATM tiền mã hoá trong năm 2023, gây thiệt hại hơn 189 triệu USD. Kẻ lừa đảo khá ưa chuộng loại hình này do tính ẩn danh của giao dịch. Các giao dịch qua ATM đã dẫn đến nhiều khiếu nại liên quan đến dịch vụ khách hàng, giả mạo chính phủ, tống tiền, lừa đảo tình cảm và các chiêu trò khác.
Ông James Barnacle, Phó giám đốc phụ trách điều tra hình sự của FBI, cho biết khả năng thu hồi tiền bị mất thông qua các ATM tiền mã hoá là rất mong manh. Ông cũng tiết lộ rằng trong số 3.000 người được FBI thông báo là nạn nhân của gian lận, có tới 75% không hề biết mình đã bị lừa.
Dù vậy, các chuyên gia cảnh báo con số thực tế có thể còn cao hơn nhiều do nhiều nạn nhân chưa báo cáo vụ việc vì thiếu hiểu biết, tâm lý xấu hổ hoặc không biết cách tiếp cận cơ quan chức năng. Đặc biệt, các vụ lừa đảo tiền mã hóa thường rất tinh vi, nhắm đến không chỉ nhà đầu tư mới mà cả những người có kinh nghiệm, với chiêu trò phức tạp và hoạt động trên quy mô toàn cầu.