Theo Financial Times hôm 22/2, các nhà chức trách Nigeria đã chặn truy cập vào các sàn giao dịch như Binance, Kraken và Coinbase, trong bối cảnh chính quyền đang trấn áp hoạt động đầu cơ tiền tệ và việc mất giá trầm trọng của đồng nội tệ.
Quyết định trên đánh dấu sự thay đổi lớn về chính sách của Nigeria dưới thời Tổng thống Bola Tinubu, người từng coi tiền mã hóa là một phần của các cải cách thị trường theo hướng thân thiện với doanh nghiệp, nhằm thu hút đầu tư nước ngoài vào nền kinh tế đang gặp khó khăn.
Binance, một trong những sàn giao dịch tiền mã hoá lớn nhất thế giới, đã xác nhận trong một email gửi đến người dùng vào ngày 22/2, rằng họ đang gặp khó khăn trong việc truy cập trang web chính thức tại Nigeria. Tuy nhiên, các ứng dụng di động không bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm.
Đáng chú ý, các sàn giao dịch khác như KuCoin và Gemini Exchange vẫn có thể truy cập được tại thời điểm này. Sự phân biệt trên cho thấy tính không nhất quán trong thực thi lệnh cấm của Nigeria, gây ra sự bất bình trong cộng đồng người dùng. Đồng thời, buộc nhiều người phải sử dụng Mạng riêng ảo (VPN) để tiếp tục truy cập dịch vụ.
Người dùng Nigeria cũng được cảnh báo về việc tránh sử dụng máy chủ tại Mỹ, vì có thể dẫn đến việc tài khoản của họ bị cấm. Mikael Bernard, một nhà phân tích thị trường tài chính và tiền mã hoá, đã cung cấp lời khuyên này trên mạng truyền thông xã hội, nhấn mạnh cần phải thận trọng khi sử dụng VPN để truy cập vào các sàn giao dịch.
Dù phải đối mặt với những thách thức pháp lý nghiêm trọng ở Mỹ, Binance vẫn là sàn giao dịch hoạt động mạnh mẽ tại thị trường Nigeria, khi giao dịch giữa stablecoin USDT và đồng nội tệ đạt gần 5 tỷ Naira, tương đương khoảng 3 triệu USDT trong 1 ngày.
Tuy nhiên, vào ngày 21/2, cố vấn đặc biệt của Tổng thống Nigeria, Bayo Onanuga, đã chỉ trích Binance về việc thiết lập tỷ giá hối đoái cho Nigeria một cách trắng trợn, và đang đảm nhận một vai trò mà theo ông là thuộc về Ngân hàng Trung ương. Ông cũng lên ủng hộ lệnh cấm hoàn toàn đối với lĩnh vực tiền mã hoá.
Binance đã phản hồi bằng việc bác bỏ các tuyên bố này, khẳng định rằng họ không phải là một nền tảng thao túng giá và giá cả trên sàn giao dịch của họ được quyết định bởi điều kiện thị trường.
Theo dữ liệu từ Chainalysis, Nigeria vào năm ngoái chỉ đứng sau Ấn Độ về tỷ lệ tài sản cá nhận được lưu giữ bằng tiền mã hoá. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho biết sự quan tâm đối với các tài sản số chủ yếu giới hạn ở những nhà đầu tư trẻ, vì họ dần mất lòng tin vào giá trị lưu trữ của đồng nội tệ.
Trước đó hồi tháng 1, ngân hàng Trung ương Nigeria (CBN) cũng đã công bố hướng dẫn dành cho các ngân hàng mở tài khoản tiền mã hoá, song vẫn duy trì lệnh cấm các ngân hàng này tiến hành giao dịch hoặc nắm giữ loại tài sản này dưới tên riêng của họ.
PCB Tổng hợp