Bộ trưởng Tài chính và Thuế của Pakistan, ông Ghaus Pasha cho biết trong một cuộc họp vào ngày 17/5, rằng nước này sẽ ban hành lệnh cấm các dịch vụ liên quan đến tiền mã hoá nhằm ngăn chặn các hoạt động giao dịch tiền số phi pháp, đồng thời tuyên bố sẽ không bao giờ cấp phép cho tiền mã hoá.
Lệnh cấm được khởi xướng bởi Ngân hàng Nhà nước Pakistan (SBP) và Bộ Công nghệ Thông tin từ đầu năm 2022, một số quan chức bao gồm Giám đốc SBP đã lên tiếng ủng hộ quyết định. Đây cũng là một trong những yêu cầu của Lực lượng đặc nhiệm Tài chính (FATF) nhằm đưa Pakistan ra khỏi danh sách bị giám sát về nguy cơ rửa tiền. FATF là cơ quan liên chính phủ thiết lập các tiêu chuẩn, phát triển và thúc đẩy các chính sách quốc gia và quốc tế nhằm chống rửa tiền (AML) và chống tài trợ khủng bố (CFT).
Mặc dù FATF không trực tiếp áp đặt các biện pháp hạn chế đối với các vùng lãnh thổ không tuân thủ quy định chung, tuy nhiên những đánh giá của cơ quan này ít nhiều đều có khả năng ảnh hưởng đến chính sách quản lý của các quốc gia. Trong khi đó, Pakistan đang gặp khủng kinh tế và tham gia đàm phán về gói hỗ trợ từ Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), vì vậy một báo cáo thuận lợi từ FATF có thể là ưu tiên chính trị hàng đầu.
Việc thông báo ban hành lệnh cấm của các nhà quản lý là một bất ngờ, khi tỷ lệ chấp nhận tiền mã hoá tại Pakistan tương đối cao. Theo một báo cáo từ năm 2021 của Chainalysis, Pakistan là quốc gia có tỷ lệ chấp nhận tiền mã hoá cao thứ ba thế giới, sau Việt Nam và Ấn Độ. Người dân tại đây được cho là đang nắm giữ số tiền mã hoá trị giá 20 tỷ USD.
Thông tin trên cũng tạo ra làn sóng phản đối của cộng đồng tiền mã hoá Pakistan trên mạng xã hội Twitter. Tài khoản có tên Daniya Azam chia sẻ, anh ấy “hi vọng Chính phủ sẽ tập trung vào các hoạt động gian lận, rửa tiền và các ứng dụng lừa đảo, thay vì lệnh cấm bao trùm lĩnh vực tiền mã hoá“. Trong khi trang tin Crypto Arena đã kêu gọi các nhà quản lý xem xét các lệnh cấm, khi tiền mã hoá là một trong những nguồn thu nhập của người dân có thu nhập thấp tại Pakistan.
Mặc dù các nhà quản lý tại Pakistan không có thiện cảm với tiền mã hoá, nhưng với công nghệ blockchain lại khác. Vào đầu tháng 3, Hiệp hội Ngân hàng Pakistan (PBA), đã ký hợp đồng triển khai nền tảng Xác minh danh tính khách hàng (KYC) dựa trên công nghệ blockchain, được phát triển bởi Tập đoàn Avanza, công ty chuyên về các ứng dụng tài chính tiên tiến, giải pháp quản lý trải nghiệm khách hàng, blockchain và trí tuệ nhân tạo (AI). Hệ thống KYC điện tử là một phần trong những nỗ lực liên tục của SBP nhằm tăng cường cơ sở hạ tầng kiểm soát AML/CTF của nước này.