Sự sụp đổ chóng vánh của sàn giao dịch tiền mã hoá hàng đầu thế giới FTX đã đặt ra những câu hỏi nghiêm túc về tình trạng hiện tại của hệ sinh thái này. Nếu không có những thay đổi quan trọng trong cách thức hoạt động, thật khó để hình dung làm cách nào tiền mã hoá có thể trở thành một phần của hệ thống tài chính hiện tại, chứ chưa nói đến việc thay thế nó như nhiều người mong muốn.
Cuộc khủng hoảng của FTX và trước đó là các công ty cho vay tiền mã hoá như Celcius, Voyager, Three Arrows Capital hay cả hệ sinh thái Terra-LUNA đều không liên quan nhiều đến yếu tố công nghệ trong tiền mã hoá. Thay vào đó nó để lộ ra các vấn đề của hệ thống tài chính khi không được kiểm tra giám sát và cân đối dòng tiền.
Chính xác thì những gì xảy ra với FTX đang chưa được rõ ràng, SBF vẫn khẳng định đó chỉ là một lỗi thanh khoản, nhưng tại sao khi Binance đạt thoả thuận mua lại để tăng tính thanh khoản thì họ lại rút khỏi thoả thuận một cách nhanh chóng sau khi kiểm tra sổ sách? Có những báo cáo đã tiết lộ trên bảng cân đối kế toán của FTX rằng họ đang lỗ khoảng 8 tỷ USD.
Ở đâu đó các nhà đầu tư đã sẵn sàng cho điều tồi tệ nhất xảy đến với tiền của họ. Quỹ đầu tư khổng lồ Sequoia Capital đã công nhận con số hằng trăm triệu USD rót vào FTX sẽ biến mất. Đáng lo ngại hơn là dường như tiền của người dùng đã bị xâm phạm, bởi thật khó hình dung một sàn giao dịch top 2 thế giới lại có lỗ hổng tài chính trên bảng cân đối kế toán lớn đến như vậy, trừ khi sàn đã dùng tiền của người dùng vào mục đích khác.
Ngay sau đó, tin từ Reuters xác nhận rằng FTX đã cho Alameda Research vay tiền của người dùng bởi ảnh hưởng nặng nề sau sự sụp đổ của Three Arrows Capital và Voyager vào tháng 5 năm nay. Bộ Tư pháp Mỹ và các cơ quan quản lý hiện đang điều ra mối quan hệ giữa FTX và Alameda, bao gồm cả việc liệu tiền của người dùng có bị họ lạm dụng hay không.
Nếu thật sự tiền của người dùng đã bị cho vay, trừ khi SBF thành công trong việc tìm thấy người mua lại bằng với mức giá cũ khi chưa sụp đổ, nếu không người dùng chắc chắn sẽ mất một phần đáng kể tài sản, đặc biệt là những người dùng cá nhân để tiền lương và các khoản tiết kiệm của họ trên sàn sẽ gặp muôn vàn khó khăn.
Sự sụp đổ liên hoàn của các tổ chức lớn đã chỉ ra những điểm yếu lớn trong hệ sinh thái tiền mã hoá:
- Mối liên kết dưới hình thức sở hữu chéo không rõ ràng giữa các tổ chức bên cạnh hoạt động cho vay không minh bạch.
- Quá ỷ lại vào nhân cách của một cá nhân. Toàn hệ thống đang phụ thuộc vào những cá nhân có ảnh hưởng lớn trong ngành. Đơn cử như cựu CEO FTX là SBF đã tạo cho mình một vỏ bọc nhân cách bởi những hành động có vẻ là tốt đẹp và tạo dựng được niềm tin lớn trong cộng đồng. Ngay cả những tổ chức đầu tư truyền thống hàng đầu, uy tín lâu năm cũng sẵn sàng hỗ trợ các dự án do anh ta khởi xướng mà không quá quan tâm đến việc thẩm định tài chính thông thường.
- Sự thiếu gắn kết giữa các tổ chức nhằm cùng nhau phát triển. Hệ sinh thái tiền mã hoá đang chứng kiến việc những người đứng đầu các công ty, tổ chức không quá ưa nhau và họ đều không quan tâm đến đối phương. Điều này dẫn đếu sự thiếu đồng hành phát triển, khi họ bình an mọi thứ sẽ ổn, nhưng khi một đối phương gặp vấn đề sẽ gây hậu quả vô cùng lớn. Không thể để việc một dòng Twitter của CEO Binance lại hạ gục một đối thủ trong ngành trong 3 ngày. Rất tiếc điều điều đó đã diễn ra.
- Thiếu sự minh bạch. Tiền mã hoá được cho là sẽ cải thiện sự minh bạch của các giao dịch tài chính, nhưng không chỉ FTX mà ngay cả các công ty trong ngành đều tiết lộ rất ít thông tin về tình trạng tài chính của họ, thậm chí còn ít hơn cả một ngân hàng truyền thống. Sự sụp đổ của FTX đã chỉ ra cấu trúc phức tạp trong vận hành và chuyển giao giữa các công ty, đặc biệt là việc nắm giữ token quản trị FTT được báo cáo nhằm gia tăng tài sản trong bảng cân đối kế toán. Sự mờ mịt này sẽ trở nên tồi tệ khi nó rơi vào khủng hoảng.
Những vấn đề này có lẽ sẽ quen thuộc đối với những người nghiên cứu sâu về các cuộc khủng hoảng tài chính và khủng hoảng ngân hàng. Chúng dường như là vấn đề đặc hữu của các hệ thống tài chính và tiền mã hoá đang cho thấy nó không có gì khác biệt.
Nếu tiền mã hoá muốn muốn trở thành một sản phẩm tài chính chính thống trong tương lai, giờ đây chúng cần phải chấp nhận việc hệ sinh thái phải vận hành theo những quy định và các biện pháp kiểm soát nhằm đưa hệ thống tài chính mới này trở nên an toàn và minh bạch hơn. Điều này là cần thiết nhằm bảo vệ người dùng và các tổ chức đầu tư.