Thị trường đang trải qua những thời khắc lịch sử nhưng đầy tiêu cực. Hàng loạt tổ chức lớn trong ngành đã sụp đổ trong năm nay. Ngay thời điểm này, sàn giao dịch tiền điện tử top 2 thế giới là FTX đã chính thức nộp đơn phá sản, hàng loạt vấn đề xung quan sự kiện này đang được khai thác làm rõ.
Tuy nhiên, khơi mào cho sự sụp đổ nhanh chóng của FTX lại là màn khẩu chiến trên mạng truyền thông xã hội Twitter giữa những người có ảnh hưởng hàng đầu trong ngành như Changpeng Zhao ‘CZ” và Sam Bankman-Fried “SBF”.
Giờ đây người dùng đang đặt câu hỏi về quyền lực thực sự của những người nổi tiếng, đặc biệt trong một ngành mới chớm nở như blockchain-crypto. Họ đã làm gì để người dùng tin theo? Tại sao chỉ một vài dòng Twitter đã tạo một hiệu ứng dây chuyền gây ra sự sụp đổ của một tổ chức lớn?
Trước khi trả lời những câu hỏi trên, cùng nhìn lại tình hình chung của thị trường qua buổi talkshow do Diễn đàn Phổ cập Blockchain tổ chức với chủ đề: “Quyền lực người nổi tiếng: Ranh giới giữa tầm ảnh hưởng và sự thao túng giá”.
Đánh giá chung về thị trường và các sự kiện lớn
Mở đầu buổi thảo luận, chị Phạm Thuỳ Linh – Founder S.H.E Blockchain đánh giá về cơ bản thị trường vẫn trầm lắng sau cú downtrend từ tháng 5 năm ngoái, và sự kiện sàn giao dịch FTX phá sản lần này chỉ góp thêm phần chán nản cho người dùng.
“Sau những sự kiện như thế thị trường sẽ trỗi dậy, nhiều người đang hy vọng thị trường sẽ đào thải các dự án không tốt sau mỗi lần biến cố”, chị Linh nhận định.
Thị trường đã ảm đạm kể khi Bitcoin chạm đáy dưới 20.000 USD. Trải qua một thời gian ít biến động kể từ vụ sụp đổ Terra-LUNA, các cộng đồng trong ngành đã giảm tương tác, một số tổ chức tuyên bố rời thị trường. Tưởng chừng năm 2022 sẽ kết thúc không có gì mới mẻ thì sự kiện sàn giao dịch crypto top 2 thế giới FTX phá sản đã gây chấn động mạnh toàn ngành.
“Chúng ta đang sống trong những ngày tháng lịch sử của crypto với những biến động dữ dội. Chỉ vài tháng trước đây mọi người vẫn chưa hết bàng hoàng về sự việc của Luna thì giờ đây là sàn FTX”, Chị Juny Trần, Đồng Sáng lập VIC Crypto & Kretos Ventures chia sẻ.
Sự kiện FTX như một lời nhắc nhở rằng trong thị trường crypto nói riêng và ngành tài chính nói chung không gì là không thể xảy ra. FTX từng được coi là một tượng đài với sự phát triển chóng mặt và là đối thủ đáng gờm của Binance, tuy nhiên mọi thứ đã tan biến theo cách không ai ngờ. Người dùng giữ tài sản trên sàn FTX đều đang rất lo lắng cho khoản tiền có thể mất trắng.
“Cái gì đi lên nhanh, lúc xuống cũng nhanh không kém. Theo tôi, sự giàu có của CEO FTX, Sam Bankman-Fried hoàn toàn đến từ giao dịch đòn bẩy, không phải từ nội tại”, Anh D.Chu, Co-Founder DGG nhận xét.
Việc giao địch đòn bẩy được xem là rủi ro lớn khi người dùng có thể kiếm được rất nhiều tiền, tuy nhiên cũng có thể mất sạch tài sản. Crypto là thị trường sơ khai và biến động mạnh, người dùng cần đặc biệt cảnh giác và quản lý rủi ro khi muốn giao dịch bằng phương pháp này.
Lý giải quyền lực của người nổi tiếng trong thị trường crypto
Theo chị Thuỳ Linh, câu chuyện chỉ một dòng tweet có thể gây ảnh hưởng không chỉ xảy ra trong giới crypto mà ở rất nhiều ngành. Một sự kiện diễn ra thường có nhiều thuyết âm mưu xoay quanh nó. Thị trường crypto được hình thành bởi niềm tin, việc đổ vỡ bởi niềm tin là chuyện hoàn toàn dễ hiểu.
Số lượng người dùng tham gia vào crypto còn ít, vốn hoá nhỏ, dẫn đến biến động lớ. So sánh với thị trường lớn như chứng khoán Mỹ chúng ta thấy mỗi lần có tin tức từ FED đều có sự biến động rõ rệt trên bảng điện.
“Nhìn chung thị trường tài chính dễ bị thao túng bởi tin tức, ngườinắm được thông tin đầu tiên có thể chiến thắng tuy nhiên người quản lý tài chính tốt vẫn sẽ tồn tại sau những cú đổ vỡ của thị trường. Đó là điểm khác biệt”, chị Linh nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, Host Đỗ Hà – Admin Diễn đàn Phổ cập Blockchain đánh giá thị trường vốn hoá nhỏ như crypto rất dễ biến động, việc các nhân vật có ảnh hưởng lớn như CZ, SBF hay cả Elon Musk đưa ra thông tin hay nhận định đều có những tác động đáng kể đến sự biến động của thị trường.
Tuy nhiên câu hỏi đặt ra là khi quyền lực và tầm ảnh hưởng lớn, ranh giới giữa sử dụng ảnh hưởng tích cực và hành động thao túng giá là rất mỏng manh. Làm thế nào nhà đầu tư có thể tỉnh táo trước ranh giới mong manh này?
Chị Juny Trần cho biết, không chỉ thị trường crypto mà cả thị trường tài chính nói chung, người dùng vẫn bị ảnh hưởng bởi tâm lý đám đông, tin tức, KOLs hay influencer mà họ theo dõi.
Lý do đầu tiên, chị Juny cho rằng thị trường crypto vẫn còn non trẻ với vốn hóa nhỏ, người dùng bị chi phối bởi tin tức. Bên cạnh đó, hành lang pháp lý chưa rõ ràng nên việc thao túng thị trường dễ dàng hơn.
Lý do thứ 2, đa phần người dùng hiện tại tham gia thị trường crypto theo cách FOMO, chưa có nền tảng kiến thức vững chắc. Khi đầu tư vào một đồng coin nào, họ thường theo các nhận định chia sẻ của KOLs, influencer,..
Để tránh bị thao túng, người dùng nên lựa chọn các nguồn tin uy tín, có thể tự tìm hiểu kiến thức, các khóa học để nâng cao hiểu biết về ngành, tham gia các diễn đàn để có góc nhìn đa chiều.
“Hiện số đông đang quá chú trọng về phân tích kỹ thuật, về thị trường mà quên đi vấn đề quản trị cảm xúc, bình tĩnh hơn để đánh giá sự việc”, chị Juny lưu ý.
Tuy nhiên anh D.Chu cho rằng có nhiều thị trường được quản lý bởi Nhà nước nhưng vẫn có thể xảy ra câu chuyện “phốt” hay tạo tin giả để kích cầu. Để thấy với thị trường không ai quản lý như crypto thì việc thao túng là điều dễ dàng.
Ví dụ khi Elon Musk nói rằng cổ phiếu Tesla sẽ cán mốc 420 USD một cổ phiếu, đủ để khiến cho cổ phiếu Tesla nhảy múa ngay trong ngày hôm đó và ông ta đã bị phạt 20 triệu USD.
Nhưng đối chiếu sang thị trường crypto, nơi các nhân vật có ảnh hưởng có thể nói thoải mái những điều họ muốn mà không lo lắng bị phạt. Tiếp tục là Elon Musk với Dogecoin, ai cũng biết những dòng tweet của ông đã tác động lớn thế nào giá giá DOGE.
“Tóm lại là nếu thao túng giá mà không bị ai phạt và được lợi, nhiều người sẵn sàng làm điều đó”, anh D.Chu nhận định.
Việc không có sự quản lý đã khiến KOLs ở trong thị trường crypto hoạt động sôi nổi, trong khi không phải KOL nào cũng có đủ nền tảng kiến thức chia sẻ đến cộng động. Người dùng có tâm lý chung thường tin theo người nổi tiếng, đây chính là kẽ hở bị nhiều KOL có ý định xấu lợi dụng lừa đảo.
Với sự hoang dã của thị trường, cũng như hệ thống niềm tin từ những thuở đầu của nhà đầu tư, hiện tượng thao túc vẫn còn diễn ra liên tục và có thể không bao giờ biến mất. Nếu nhìn bên ngoài, người dùng khó có thể nhận biết liệu hành động đó của KOL có thực sự là quan điểm cá nhân của họ – hay là một chiêu trò thao túng. Để tránh rơi vào hoàn cảnh này, người dùng cần trang bị nền tảng kiến thức chắc về ngành, bên cạnh đó là những trải nghiệm thực tế, tuy nhiên số đông phải mất tiền mới nhận ra được điều đó.
Anh D.Chu chia sẻ với kinh nghiệm làm doanh nghiệp, để mua bán sáp nhập công ty cần phải thẩm định hay còn gọi là Due Diligence (DD), nhanh thì từ 1-2 tháng, muộn thì có khi cả năm. Tuy nhiên CEO Binance và CEO FTX đã đạt một thoả thuận sơ bộ cho việc mua lại FTX chưa đầy 24 tiếng, và ngạc nhiên hơn là thông báo huỷ bỏ thoả thuận diễn ra trong vòng 8 tiếng sau đó, tất cả đều là thông báo trên Twitter. Thực hư câu chuyện cần thời gian làm rõ, nhưng tác động đến thị trường là rất nghiêm trọng.
Có thể thấy rằng, người dùng crypto như cá nằm trên thớt, trong bối cảnh thị trường đang biến động lớn, việc giữ được tài sản an toàn đã là thành công. Đặc biệt cần tránh giao dịch trong những thời điểm nhạy cảm này, cần học kiến thức quản trị rủi ro trước khi người dùng muốn kiếm được tiền trong thị trường.
Vậy cắt lỗ hay tiếp tục giữ? Host Đỗ Hà đặt câu hỏi!
Tuy nhiên không ai có thể trả lời được câu hỏi này ngoài chính bản thân nhà đầu tư.
Anh D.Chu cho rằng người dùng thường nghĩ đến nhiều hoàn cảnh khác nhau, nhưng ít ai nghĩ đến điểm phải cắt lỗ. Một lần nữa bài học về quản trị rủi ro được nhắc đến.
“Tuy nhiên rất nhiều bài học đã được rút ra”, chị Juny Trần nhấn mạnh.
Thứ nhất, không bao giờ tin tưởng 100% vào bất cứ điều gì, dù đó là quỹ lớn, nhân vật đầu ngành,… Thứ hai, nên chuẩn bị những phương án dự phòng, tìm hiểu về các phương pháp giúp giảm thiểu rủi ro như việc để tài sản crypto trên ví lạnh,… Thứ ba nên cẩn trọng với các giao dịch đòn bẩy. Cuối cùng, những sự kiện này sẽ thanh lọc các tổ chức, công ty không bền vững, còn lại những tổ chức có năng lực và tiềm lực sẽ tồn tại được trong thị trường.
Chị Thuỳ Linh cũng cho rằng việc sụp đổ gần đây của một số tổ chức lớn trong ngành tuy đau lòng nhưng cần thiết khi đã phơi bày những vấn đề tồn tại bên trong mà người dùng không thể nhìn ra. Nếu để càng lâu thì hậu quả và hệ luỵ có thể còn lớn hơn.
Sau những bê bối vừa qua, có thể thấy các sàn giao dịch tập trung luôn tồn tại nhiều vấn đề, như việc kiểm soát nạp rút tài sản của người dùng, thậm chí có thể can thiệp vào tài khoản và tài sản của họ. Từ đây đặt ra câu hỏi liệu các sàn giao dịch phi tập trung (DEX) có phải là xu hướng mới hay không.
Anh D.Chu và chị Juny Trần đồng ý xu hướng DEX sẽ là tương lai và giải quyết triệt để các vấn đề hiện tại của sàn CEX.
Trong bối cảnh này, Hiệp hội blockchain Việt Nam đã đưa ra khá nhiều kiến nghị cho các tổ chức khi tiến hành các dự án crypto, trong đó có việc nâng cao tính minh bạch cho các dự án để tránh đi vào lối mòn của các tổ chức như FTX hay Celcius.
“Nếu như chúng ta không phải là một người có thể đưa ra thông tin khiến số đông phải chú ý thì tốt hơn hết hãy học cách quản trị rủi ro, không nên để tài sản vào một chỗ, đồng thời trang bị kiến thức về tài chính cá nhân”, chị Linh kết luận.