Tiền điện tử và thị trường tài chính toàn cầu đã trải qua một năm thành công ngoài mong đợi.
Ngành công nghệ đã chiếm lĩnh thế giới khi năm 2021 chứng kiến những tiến bộ có thể phải mất nhiều năm mới có được. Đại dịch đã ảnh hưởng nhiều đến lối sống hàng ngày của chúng ta, nhưng nó chắc chắn cũng đã thúc đẩy phát triển công nghệ và sự đổi mới. Trong đó nổi bật nhất có thể dễ nhận thấy là blockchain và thị trường tiền điện tử.
Những thế hệ hiện tại dường như đang có xu hướng sử dụng nhiều hơn các loại tiền kỹ thuật số như Bitcoin, Ripple’s XRP, Ethereum, hay các Stablecoin … Do đó, năm 2021 có thể nói là năm của tiền điện tử.
Yếu tố thúc đẩy thị trường bùng nổ mạnh mẽ trong năm qua ngoài sự khách quan do đại dịch COVID-19 thì bức tranh chủ đạo vẫn là sự nghiên cứu phát triển không ngừng của các dự án với công nghệ blockchain là nền tảng.
Những xu hướng lớn trên thị trường tiền điện tử có thể kể đến như DeFi, Memecoin, NFTs, Game Blockchain, hay như hiện tại là Metaverse. Chúng ta cùng nhìn lại những xu hướng nổi bật nhất của thị trường trong năm qua.
Tài chính phi tập trung – DeFi có phải bước ngoặt của ngành tài chính toàn cầu?
Vai trò của DeFi đối với tiền điện tử đã được thể hiện từ cuối năm 2020 với những tác động đáng kể lên thị trường. Điều mà chúng ta thấy rõ ở sự thay đổi này chính là những đợt tăng giá đầy biến động, kèm theo đó là những ý kiến về việc thay thế thị trường tài chính truyền thống của DeFi trong tương lai.
Sự bành trướng của DeFi được các chuyên gia nhận định đóng vai trò quan trọng thúc đẩy sự bùng nổ của thị trường tiền điện tử trong giai đoạn cuối 2020 và đầu 2021.
Các ứng dụng Lending DeFi (vay và cho vay) tương tự như các ngân hàng truyền thống lần lượt ra mắt thị trường, tạo ra một cơn sốt trong thời điểm đó, có thể kể đến các giao thức như: Compound, Aave, InstaDApp, Dharma, Maker, Fulcrum, Constant, Bzx, Nuo…
Nổi bật nhất là sự ra đời của các sàn giao dịch phi tập trung AMM DEX như Uniswap, Shushiswap trên Ethereum hay sau đó là Pancakeswap, Bakeryswap trên BSC…
Việc hình thành những sân chơi mới đã khiến cho nhiều nhà đầu tư liên tục kéo về, tạo ra một làn sóng bùng nổ về giá của các giao thức nền tảng, bên cạnh đó là hàng tỷ USD được bơm vào thị trường DeFi, khiến cơn sốt kéo dài đến trước thời điểm tháng 5, khi thị trường có sự điều chỉnh lớn.
Có thể thấy, các ứng dụng Defi đang cố gắng cung cấp các dịch vụ tài chính trực tiếp cho các cá nhân và số lượng ngày một tăng nhanh chóng. DeFi không giống như tài chính truyền thống, nó không đòi hỏi người trung gian hay bên thứ 3 như ngân hàng, đây là niềm tin vững chắc nhất để tin tưởng DeFi sẽ làm được sứ mệnh lớn trong tương lai.
Tuy nhiên chính sự ra đời và phát triển quá nóng đã khiến cho những yếu điểm của DeFi bộc lộ liên tục, điển hình là tốc độ xử lý giao dịch tắc nghẽn, hay lớn hơn là những lỗ hổng bảo mật gây ra các vụ hack và lừa đảo ( Rug Pulls ) hàng trăm triệu USD.
Hãng nghiên cứu Chainalysis chỉ ra rằng trong năm 2021, thị trường tiền điện tử đã để xảy ra đến 24 vụ hack và lừa đảo gây thiệt hại đến 2,8 tỷ USD. Con số này chiếm đến 37% lượng tiền 7,7 tỷ USD bị thất thoát trong năm nay do các thủ đoạn lừa đảo. So với năm 2020, rug pull đã tăng vượt bậc cả về số lượng lẫn thiết hại, đặc biệt là trên các nền tảng DeFi.
Vụ rug pull lớn nhất năm nay là sàn giao dịch Thodex của Thổ Nhĩ Kỳ khi “biến mất” cùng hơn 2 tỷ USD tiền của khách hàng vào tháng 4. Xếp phía sau đó giao là AnubisDAO, dự án kết hợp hai xu hướng gần đây là “coin chó” và DAO để cuỗm đi gần 60 triệu USD, và sàn DEX Uranium Finance trên Binance Smart Chain với thiệt hại 50 triệu USD.
Ngoài ra không thể không kể đến vụ hack hơn 600 triệu USD trên giao thức DeFi Poly Network vào ngày 10/8 vừa qua.
Những lỗ hổng được bộc lộ cùng các yếu tố khách quan của thị trường đã khiến cho xu hướng DeFi giảm nhiệt và đi chậm lại, đây được xem là bài học cho các dự án DeFi để có những sự cải tiến tốt hơn về sau.
Trong thời đại 4.0 DeFi vẫn đang được đánh giá là xu hướng mới và tiềm năng lớn đối với lĩnh vực tài chính, đây có thể là tiền đề để chúng ta bước vào nền tài chính mở không còn xa.
MemeCoin – Khi anh cả Elon Musk dẫn đường
Làn sóng bùng nổ của DeFi còn chưa lắng xuống, tỷ phú giàu nhất thế giới là Elon Musk đã tạo ra một dấu ấn đậm nét trên thị trường tiền điện tử khi ông chính thức ủng hộ đồng meme Dogecoin.
Có thể nói Elon Musk là chất xúc tác lớn nhất để Dogecoin nói riêng và thị trường MemeCoin nói chung có bước phát triển bùng nổ trong thời điểm quý 2 năm 2021.
Khi DogeCoin thiết lập những đỉnh cao mới trên các sàn giao dịch, đây cũng là lúc nhiều dự án meme ẩn danh khác ăn theo ra đời. Kể đến những cái tên quen thuộc như Shiba Inu, Safemoon, Floki, AquaGoat,… Tất cả đều lấy hình ảnh của các con vật quen thuộc.
Từ chất xúc tác mạnh mẽ của một nhân vật có ảnh hưởng, thị trường có những thời điểm dồn hết sự chú ý vào MemeCoin. Các cộng đồng, các KOLs nổi tiếng, hay nhiều nhân vật uy tín đều không thể bỏ qua các dấu mốc bùng nổ của các đồng Meme.
Vào giữa quý 2 năm 2021, đây là thời điểm thịnh vượng nhất của thị trường Meme. Các dự án liên tục gây sốc bởi những con số không tưởng, nhiều đồng MemeCoin tăng trưởng hàng chục nghìn đến hàng trăm nghìn % trong 1 thời gian ngắn. Chính sự điên rồ đó đã kéo theo một làn sóng mới đổ xô qua đầu tư MemeCoin.
Mặc dù xu hướng MemeCoin đã giảm nhiệt nhưng 2021 là một năm tốt lành đối với các tài sản tiền điện tử dựa trên meme như Dogecoin (DOGE), OG của các tài sản là MemeCoin đã chứng kiến định giá thị trường của nó tăng 4.375,9% tính đến thời điểm hiện tại (YTD).
Dogecoin là đồng Meme lớn nhất về giá trị vốn hóa thị trường khi định giá khoảng 22,8 tỷ USD. Đồng tiền meme lớn thứ hai về vốn hóa thị trường là Shiba Inu (SHIB) khi tăng 46,960,505,7% so với hồi đầu năm.
Thực tế, tổng giá trị vốn hoá của MemeCoin hiện tại đạt gần 46,9 tỷ USD chiếm 2% trong tổng giá trị vốn hoá thị trường tiền điện tử trị giá 2,32 nghìn tỷ USD. Riêng Dogecoin và Shiba Inu đã chiếm khoảng 85,28% định giá thị trường MemeCoin. Những con số biết nói đã chứng minh MemeCoin không chỉ là trò đùa như cộng đồng thường đề cập.
Khi thị trường tiền điện tử đi xuống vào tháng 6/2021, hầu hết các dự án meme có thể nói đã chết lâm sàng. Nhưng một số đồng meme nổi tiếng dường như vẫn cho thấy sự phát triển âm thầm. DogeCoin lọt vào top 10 đồng tiền điện tử có vốn hoá lớn nhất thị trường. Tiếp đến là Shiba Inu với màn chào sân không thể ấn tượng hơn khi được niêm yết trên một loạt các sàn giao dịch tiền điện tử hàng đầu thế giới như Binance, Huobi,… kế tiếp là SafeMoon với cột mốc hơn 2 triệu ví cá nhân nắm giữ vào thời điểm đó.
Ngay mới đây thôi, khi tất cả tưởng chừng DogeCoin đã hết thời thì Elon Musk lại Twitter về việc Tesla sẽ chấp nhận sử dụng DOGE cho các giao dịch mua bán một số mặt hàng của công ty này. Biểu đồ DOGE/USD lại thêm một lần dậy sóng.
Ngay cả những người lạc quan nhất khi nhìn lại cũng không tin thị trường MemeCoin có thể đạt được những cột mốc lớn như vậy. Họ cho rằng MemeCoin chỉ là một trò đùa vớ vẩn của Elon Musk, giá trị chúng mang lại cho người dùng hoàn toàn không có, hay đơn giản hơn là chúng không có bất kỳ 1 sản phẩm nào được xây dựng.
Chính dòng tiền đổ vào lớn và quá nhanh khiến các dự án lừa đảo xuất hiện liên tục, đây là điều đã được dự báo từ trước. Nhiều nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm và kiến thức rất dễ bị fomo bởi những con số điên rồ, thậm chí họ sẵn sàng chơi trò chơi may rủi khi rải tiền rất nhiều dự án nhằm mong đổi đời. Đây là miếng mồi không thể béo bở hơn đối với các đối tượng lừa đảo.
Nhiều dự án đã Rug Pulls về giá trị bằng 0 như SQUID GAME, bên cạnh đó là các đội DEV bỏ dự án chờ ngày rút thanh khoản như AquaGoat,…
Sau những sự việc đau lòng này, có rất nhiều làn sóng tẩy chay và chỉ trích các dự án MemeCoin nổ ra, tuy nhiên không vì vậy mà chúng ta làm ngơ trước những thành công ngoài mong đợi của nó. Đã đến lúc cần xem xét nghiêm túc hơn về thị trường ngách này và tìm hiểu chiến lược marketing nào đã mang lại những thành công cho các dự án Meme. Sự thành công về marketing – điều mà rất nhiều dự án có sản phẩm chất lượng đều mong đạt được.
Game Blockchain – sân chơi mới của thị trường tiền điện tử
Khi BTC sụt giảm còn 28.000 USD vào những ngày đầu tháng 6, xu hướng MemeCoin chính thức đi xuống, thị trường tiền điện tử tưởng chừng sẽ bước vào mùa đông.
Tuy nhiên tựa game nổi tiếng từ Việt Nam là Axie Infinity của Sky Mavis có bước đột phá mạnh mẽ về giá đã tạo chất xúc tác đưa thị trường vào một xu hướng mới. AXS lần lượt thiết lập các đỉnh cao nhất mọi thời đại và đạt giá trị vốn hoá hơn 3 tỷ USD, theo sau là hàng loạt tựa game mới ra đời, thị trường tiền điện tử tiếp tục sôi động.
Việc Axie Infinity len lỏi vào từng ngóc ngách trong xã hội cho thấy xu hướng chơi game để kiếm tiền có thể sẽ bùng nổ trong tương lai khi nó đánh vào những nhu cầu thực tế nhất của con người.
Từ khoá ‘Play to Earn” liên tục xuất hiện trên cách kênh truyền thông xã hội, tạo nên sự chú ý lớn từ cộng đồng. Việt Nam được đánh giá là quốc gia bắt nhịp xu hướng Game Blockchain nhanh nhất với hàng loạt dự án đình đám ra mắt thị trường như My DefiPet, Wakana, Thetan Arena, Elmon,…
Các quỹ đầu tư cũng không đứng ngoài cuộc, họ liên tục rót vốn vào các nền tảng công nghệ giải trí mới nổi này. Sky Mavis tiếp tục nhận được khoản đầu tư hơn 150 triệu USD từ vòng gọi vốn SerieB được dẫn dắt bởi A16Z Crypto và sự tham gia của Paradigm, Accel và 13 quỹ khác, trong đó, quỹ Accel từng đầu tư vào Facebook, Supercell và Spotify.
Bên cạnh đó, một công ty Việt Nam khác là Whydah cũng có vòng gọi vốn thành công lên tới 25 triệu USD từ các quỹ đầu tư hàng đầu như Morningstar Ventures, Kardia Ventures, Eternity Ventures, Bitscale, Formless Capital, Youbi, Axia 8 Ventures, Polkastarter, Good Guild Game và Mask Network…
Sự tham gia của nhiều quỹ đầu tư tổ chức đã giúp xu hướng Game Blockchain có những bước tiến vững chắc hơn trên thị trường. Các Studio Game lớn trên thế giới cũng đã bắt tay cùng các nền tảng Blockchain uy tín nhằm đẩy nhanh sự phát triển cho các tựa game mới.
Game Blockchain có vẻ đang tạo ra góc nhìn khác và một ngách đầy tiềm năng của thị trường giải trí có doanh thu gần 200 tỷ USD hàng năm. Đây được xem là cầu nối giúp số lượng lớn người dùng đang chơi game có thể tiếp cận và tìm hiểu sâu hơn về blockchain và tiền điện tử.
Tuy nhiên việc xây dựng và phát triển một tựa game thành công bền vững, tiếp cận nhiều người dùng không hề dễ dàng, nó đòi hỏi một thời gian khá dài và sự tâm huyết của đội ngũ làm game. Hiện tại hầu hết các dự án về game blockchain đều tạo ra để ăn theo xu hướng, rất nhiều dự án bánh vẽ lừa đảo người dùng, một số dự án đã không còn tiếp tục phát triển.
Điều này đã khiến các thị trường Game Blockchain ở thời điểm hiện tại không còn độ hot lớn. Chỉ còn lại một số dự án tiềm năng, được đầu tư và hỗ trợ mạnh, đội ngũ xây dựng chuyên nghiệp. Họ vẫn đang âm thầm phát triển các nền tảng game nhằm xây dựng thị trường Game Blockchain một cách bền vững và bùng nổ hơn trong tương lai.
Metaverse – khi các ông lớn ngành công nghệ vào cuộc
Tiền điện tử trong năm 2021 đã trải qua những dấu mốc lớn, khi một xu hướng dần hạ nhiệt, thị trường sẽ xuất hiện một “trend” mới để có thể thu hút dòng tiền. Dường như Metaverse đang là xu hướng chủ đạo cho những tháng cuối năm 2021 trước khi khép lại 1 năm thành công của tiền điện tử.
Các hãng công nghệ như Facebook, Microsoft, Epic Games dự định đầu tư hàng tỷ USD vào nghiên cứu và hiện thực hóa ý tưởng vũ trụ ảo Metaverse. Tuy nhiên Metaverse thật sự tiếp cận đến người dùng nhiều hơn và trở thành từ khoá nóng khi CEO của Facebook là Mark Zuckerberg chính thức đổi tên công ty thành Meta, định hướng công ty này xây dựng một vũ trụ ảo trong tương lai.
Định nghĩa về Metaverse xuất hiện vào những thời kỳ đầu của Internet, được nhắc đến trong cuốn tiểu thuyết Snow Crash viết bởi nhà văn Neil Stephenson ra mắt vào năm 1992, sau đó nó đã được tái hiện thành một “Ốc đảo” trong tiểu thuyết “Ready Player One” của Ernest Klein. Nội dung nói về một cuộc sống ảo trong thế giới kỹ thuật số song song với thế giới thực bên ngoài.
Metaverse và NFT hay Game Blockchain có mối liên kết chặt chẽ trong việc xây dựng một vũ trụ ảo mở, nơi người dùng có thể vui chơi, giải trí, thể hiện bản thân và kết nối tương tác dễ dàng hơn. Vì vậy, việc Facebook đổi tên thành Meta đã trở thành hiệu ứng thúc đẩy sự bùng nổ về giá của các dự án tiền điện tử liên quan.
Nhiều ông lớn rót tiền vào metaeverse đã tạo các động lực cho một số dự án game blockchain, NFT có sự tự tin trong việc xây dựng và phát triển sản phẩm, nhằm tiến đến hiện thực hoá một vũ trụ ảo. Các dự án nổi bật có thể kể đến như The Sanbox, Decentraland,… đều tăng giá phi mã, khiến thị trường tiền điện tử luôn sôi động.
Sự kết hợp của Metaverse – NFT – Game Blockchain là điều tất yếu để tạo ra vũ trụ ảo, xu hướng này có vẻ vẫn đang bền vững ở thời điểm hiện tại. Mặc dù thị trường tiền điện tử đang có sự điều chỉnh lớn nhưng hàng loạt dự án mới vẫn xuất hiện.
Ngoài các dự án có sự nghiêm túc và đội ngũ chuyên nghiệp thì cũng như các xu hướng đã qua, rất nhiều dự án chỉ ăn theo xu hướng nhằm kiếm tiền và bỏ rơi người dùng. Thời điểm cuối năm là thời gian khá nhạy cảm, nhà đầu tư cần tìm hiểu và cảnh giác hơn khi quyết định đầu tư vào một dự án mới trong lúc này.
Kết luận
Nhìn lại một năm qua, sự sôi động ở thị trường tiền điện tử do tác động từ các xu hướng đã liên tục bùng nổ, điều này tạo ra những biến động lớn về giá, mang lại nguồn lợi nhuận khủng mà đầu tư truyền thống không có được. Đây là một trong những lý do thu hút rất nhiều nhà đầu tư mới.
Tiền điện tử vẫn là một thị trường non trẻ, chưa có những quy chuẩn pháp lý để bảo vệ nhà đầu tư trước những vấn đề rủi ro. Việc những xu hướng mới liên tục xuất hiện vô tình khiến chúng ta bị cuốn theo sự tăng trưởng và dẫn đến thua lỗ hay lừa đảo.
Vì vậy để có thể đầu tư bền vững và lâu dài, hãy luôn trang bị cho bản thân những kiến thức mới, không ngừng tìm hiểu và học hỏi thêm kinh nghiệm. Đây mới chính là nguồn vốn lớn nhất để đảm bảo một vị thế tốt trên thị trường.
Tran Dinh Duc