Blockchain được đánh giá là một trong những xu hướng công nghệ nền tảng có nhiều tiềm năng hỗ trợ lĩnh vực Dịch vụ công nhờ khả năng xác minh và lưu trữ dữ liệu minh bạch với độ bảo mật thông tin cao.
Với tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Chuyển đổi số đang là một trong những định hướng phát triển được các doanh nghiệp và tổ chức tại Việt Nam quan tâm hàng đầu, đặc biệt là sau Quyết định 942/QĐ-TTg ngày 15/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số trên toàn quốc giai đoạn 2021 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030”.
Chuyển đổi số là tiến trình quan trọng để thúc đẩy hiện đại hóa hệ thống chính quyền, kết nối thông tin giữa chính quyền và người dân, chuyển đổi mô hình cung ứng dịch vụ bình đẳng từ hình thức truyền thống sang hình thức trực tuyến trên nền tảng công nghệ 4.0, điển hình là công nghệ blockchain.
Blockchain được đánh giá là một trong những xu hướng công nghệ nền tảng có nhiều tiềm năng hỗ trợ lĩnh vực Dịch vụ công nhờ khả năng xác minh và lưu trữ dữ liệu minh bạch với độ bảo mật thông tin cao. Công nghệ này có tiềm năng dẫn đến sự đổi mới đáng kể trong quy trình quản lý và vận hành của Chính phủ.
Lợi ích của blockchain trong lĩnh vực Dịch vụ công
1. Quản lý định danh công dân
Kết nối người dân với các dịch vụ công quốc gia bằng các phương thức hoặc giải pháp trực tuyến nhằm đồng bộ định danh công dân khi thực hiện các dịch vụ của chính phủ. Từ đó, cơ quan nhà nước dễ dàng quản lý định danh và quyền truy cập của công dân để tham gia các dịch vụ công một cách minh bạch và an toàn.
Quản lý danh tính dựa trên blockchain cung cấp cho công dân cơ hội tự nhận dạng, có nghĩa là công dân có quyền kiểm soát chi tiết đối với quyền truy cập vào ID của họ, thông tin có thể xác minh ngay lập tức. Thông tin được ghi lại trên blockchain là bất biến, không ai có thể thao túng, sửa đổi hoặc che giấu thông tin.
2. Bảo mật quyền riêng tư
Đảm bảo an toàn cho quyền riêng tư của công dân khi thực hiện các giao dịch cá nhân. Người dân có thể sử dụng các dịch vụ số trực tuyến theo nhu cầu của mình một cách thuận tiện, nhanh chóng mà không cần phải có mặt nếu pháp luật không yêu cầu. Việc sử dụng dữ liệu trên blockchain giúp tiết kiệm thời gian, chi phí giấy tờ và ngăn ngừa giả mạo, lạm quyền làm sai lệch hệ thống thông tin chung.
Tạo niềm tin cho người dân khi thực hiện các hoạt động cộng đồng, dịch vụ công, chủ động bảo vệ quyền và lợi ích của họ bằng các bằng chứng dữ liệu được kiểm chứng trên nền tảng blockchain.
3. Minh bạch hoạt động bầu cử
Bỏ phiếu bầu cử là một trong những hoạt động hàng đầu có thể áp dụng blockchain. Ngoài việc nâng cao tính bảo mật cho việc bỏ phiếu tại các địa điểm, blockchain cung cấp kênh an toàn để thực hiện bỏ phiếu bầu cử trực tuyến, loại bỏ các vi phạm, gian lận cử tri trong quá trình bầu cử, bình chọn của các cơ quan, tổ chức. Thông tin phiếu bầu một khi đã được thêm vào sổ cái blockchain là bất biến và không ai có thể xóa hay chỉnh sửa.
4. Theo dõi việc tuân thủ pháp luật
Blockchain có thể được sử dụng như một cơ sở dữ liệu minh bạch giúp làm giảm hoặc loại bỏ nhu cầu tin tưởng giữa các cơ quan chính phủ và người dân. Dựa trên một hệ thống phân tán mà cả các cơ quan chính phủ và người dân có thể truy cập và xác minh, các blockchain phân quyền có thể cung cấp quyền truy cập vĩnh viễn vào các hồ sơ mà các quan chức thực thi pháp luật và các tổ chức giám sát có thể cần sử dụng để phát hiện ra các vụ việc tham nhũng hoặc lạm quyền.
Công nghệ blockchain cũng có thể áp dụng trong việc thực hiện nghĩa vụ nộp thuế, nhờ vào các hợp đồng thông minh. Từ đó sẽ tự động hoá các nghĩa vụ giữa các bên theo các điều kiện hợp đồng được thiết lập trước. Blockchain sẽ tự động báo lỗi nếu các cam kết này không được thực hiện theo đúng thời gian thiết lập và bắt buộc các bên phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật. Điều này có thể giúp cắt giảm đáng kể những chi phí hành chính liên quan đến việc thu và phân phối tiền thuế, cũng như thi hành các luật lệ về thuế.
Nhìn chung, công nghệ blockchain mang lại nhiều lợi ích cho lĩnh vực Dịch vụ công. Dữ liệu được ghi nhận trên blockchain cung cấp khả năng thực thi, quản lý công bằng, hiệu quả và đảm bảo lợi ích của các bên tham gia. Từ đó giảm gian lận, sai sót và chi phí cho các quy trình tốn nhiều giấy tờ cũng như thúc đẩy sự minh bạch và tin cậy đối với dữ liệu và giao dịch của chính phủ.
PCB Tổng hợp