Theo báo cáo từ Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Trung Quốc (SPP) vào ngày 23/2, cơ quan này nhấn mạnh mục tiêu chống lại tội phạm mạng, đặc biệt là những hoạt động phi pháp được thực hiện thông qua các dự án blockchain và metaverse.
Ông Ge Xiaoyan, phó tổng công tố SPP, cho biết các vụ việc gian lận trực tuyến tăng 64% so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh sự gia tăng của tội phạm liên quan đến blockchain, tội phạm truyền thống như cờ bạc, trộm cắp, ponzi cũng đã mở rộng vào không gian mạng, với tỷ lệ hack trên internet tăng gần 23% và vi phạm liên quan đến hàng giả trực tuyến tăng lên 86%.
Đặc biệt, ông Zhang Xiaojin, Giám đốc Viện kiểm sát số 4, thuộc SPP lưu ý rằng, người dân và nhà đầu tư cần cảnh giác cao độ với những rủi ro trên trong nền kinh tế tiền mã hoá thông qua các nền tảng blockchain, metaverse, quyền chọn nhị phân.
“Sự gia tăng của tội phạm mạng, với các hình thức mới như gian lận trực tuyến, bạo lực mạng và đánh cắpthông tin cá nhân, đang đặt ra thách thức lớn cho các cơ quan chức năng”, SPP lưu ý.
Báo cáo cũng chỉ ra, từ tháng 1 đến tháng 11/2023, có 280.000 cá nhân bị buộc tội trong các vụ án tội phạm mạng, tăng 36% so với cùng kỳ năm trước và chiếm tới 19% tổng số vụ án hình sự, cho thấy quy mô lớn và sự phức tạp ngày càng tăng trên không gian mạng.
Trong khi đó, Hồng Kông đang có cách tiếp cận khác biệt với đại lục về thị trường tiền mã hoá, khi đặc khu hành chính chọn một lộ trình thân thiện hơn với việc quy định và chuẩn hóa hệ sinh thái tài sản số, nhằm bảo vệ nhà đầu tư mà không cản trở sự đổi mới.
Đáng chú ý, sau lệnh cấm toàn diện vào năm 2021, hiện Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đang thể hiện quan tâm đến việc quản lý thị trường tiền mã hoá, đặc biệt qua báo cáo ổn định tài chính mới nhất, đã dành một phần đáng kể để thảo luận về tài sản tiền mã hoá, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết của việc quản lý chung giữa các quốc gia.