Một số ít các tổ chức đang kết hợp crypto với các mô hình tài chính phi tập trung để tạo ra hệ thống thanh toán tốt hơn cho các công ty vận tải đường bộ.
Vận tải đường bộ là một trong những ngành quan trọng nhất trên thế giới. Theo thống kê gần đây, thị trường vận tải đường bộ toàn cầu trị giá hơn 2,7 nghìn tỷ USD vào năm 2021, hiện có hàng triệu người có bằng lái xe thương mại đang làm việc cho các công ty vận tải đường bộ tại Mỹ, một thị trường chiếm đến 70% nguồn cung của tất cả các chuyến hàng.
Với những số liệu này, không có gì ngạc nhiên khi công nghệ đã trở thành một phần quan trọng để đảm bảo sự tiến bộ của ngành vận tải đường bộ. Trong khi theo dõi GPS cho thấy lái xe tự động và các công nghệ chính thống khác đang khá rõ ràng, thì một vài tổ chức đang hướng tới việc mã hóa và đưa tài chính phi tập trung (DeFi) vào lĩnh vực vận tải đường bộ để thúc đẩy hệ thống thanh toán của ngành.
Thanh toán nhanh hơn, công bằng hơn cho các công ty vận tải đường bộ
Philip Schlump, giám đốc thương mại và nhà phát triển chính của TruckCoinSwap (TCS) – một công ty vận tải và fintech có trụ sở tại Wyoming chia sẻ hiện có hơn một triệu công ty vận tải đường bộ và các công ty hậu cần bên thứ ba ở Mỹ đang phụ thuộc vào các tổ chức ngân hàng để thanh toán.
Schlump lấy ví dụ: “khi một chiếc xe tải chở đầy khoai tây, một vận đơn sẽ được tạo ra. Đây là bằng chứng cho thấy người lái xe tải và công ty vận tải đường bộ chịu trách nhiệm về mặt hàng trong thời gian vận chuyển. Khi khoai tây được giao, vận đơn sẽ trở thành khoản phải thu, tuy nhiên các công ty vận tải đường bộ thường mất từ 30 đến 180 ngày để nhận được khoản thanh toán“.
Trong khi Schlump chỉ ra rằng các công ty sử dụng bán tải nhỏ hơn thường có điều khoản thanh toán tốt hơn, 45 ngày là thời gian trung bình để các tài xế xe tải ở Mỹ được thanh toán. Do đó, các công ty vận tải đường bộ đã trở nên phụ thuộc vào các công ty bao dịch vụ thanh toán để giúp các chủ xe nhận được các khoản thanh toán nhanh hơn, vì các đơn vị này đảm bảo các khoản thanh toán được thực hiện trong vòng 10–14 ngày.
Tuy nhiên, phương án thay thế này sẽ ăn vào lương của các tài xế. “Các công ty bao dịch vụ thanh toán thường tính 3% tổng trên mỗi hóa đơn, do đó lãi suất trung bình hàng năm lên đến 20–25%. Các tổ chức ngân hàng này đang thu tới 90% doanh thu thuần trên mỗi lần vận chuyển, bởi vì hầu hết các hãng vận tải không thể đợi các chủ hàng thanh toán trực tiếp theo tiêu chuẩn ngành là 30–180 ngày”, ông nhận xét.
Schlump tin rằng việc tokenization có thể giải quyết vấn đề này. Ví dụ: TCS thay thế các công ty bao thanh toán bằng dịch vụ thanh toán dựa trên token cho phép các công ty vận tải đường bộ được thanh toán bằng mệnh giá trong vòng vài ngày. Để đảm bảo điều này, ông cho biết TCS đã tung ra “TCS Token” trên sàn giao dịch crypto CrossTower vào tháng 9 năm nay. Sau đó, TCS sẽ làm việc trực tiếp với các công ty vận tải đường bộ để mua vận đơn bằng cách sử dụng các token.
“Chúng tôi đang hoán đổi vận đơn lấy các token. Giờ đây, chúng tôi có thể thanh toán cho các công ty vận tải đường bộ theo mệnh giá cho vận đơn của họ và họ nhận được thanh khoản tức thì bằng cách bán TCS Token“, ông nói.
Mặc dù quá trình này nghe có vẻ phức tạp, nhưng Schlump tin rằng một mô hình như vậy có thể giúp các tài xế tăng thu nhập từ 20.000 đến 60.000 USD. “Chúng tôi hiện đang thử nghiệm mô hình này và đang làm việc với các công ty vận tải đường bộ để đảm bảo mô hình này hoạt động trơn tru”, ông chia sẻ.
TCS không phải là công ty duy nhất sử dụng mã hóa để nâng cao hệ thống thanh toán vận tải đường bộ. Myron Manuirirangi, người sáng lập Truckonomics – một tổ chức tập trung vào mức lương công bằng cho các tài xế xe tải đường dài cũng tin rằng crypto kết hợp với công nghệ blockchain có thể cực kỳ có lợi cho các tài xế.
Manuirirangi – một cựu tài xế xe tải, thông qua kinh nghiệm của mình đã nhận ra việc thiếu hụt tài xế xe tải trong thực tế. Ông đã nghiên cứu nguyên nhân dẫn đến việc này và đưa ra kết luận là do tài xế chưa được trả công một cách xứng đáng.
Để dẫn chứng, một bài báo của FrieghtWaves xuất bản năm 2018 đã chỉ ra một người lái xe tải vào năm 1980 kiếm được trung bình 38.618 USD, tuy nhiên 40 năm sau, vào năm 2018 họ chỉ kiếm được khoảng 41.000 USD.
Manuirirangi cho biết: “Sự thiếu hụt tài xế chỉ là một vấn đề nhỏ trong một bối cảnh lớn mà ở đó Truckonomics muốn giải quyết bằng mô hình dựa trên token”.
Ông giải thích Truckonimics đã tạo ra một token kỹ thuật số được gọi là “GDPC” cho các công ty vận tải sử dụng làm phương thức thanh toán. Ngoài ra, GDPC sẽ gắn liền với tất cả các hoạt động diễn ra trong quá trình vận chuyển, cho phép sử dụng công nghệ blockchain để cung cấp sự minh bạch và nguồn thông tin trung thực duy nhất giữa các công ty vận chuyển, nhà bán lẻ và người tiêu dùng.
“Chúng tôi đang xây dựng mô hình này trên chuỗi khối Avalanche. Sau đó, sẽ xây dựng nền tảng blockchain của riêng mình để tạo thuận lợi cho thương mại và giao dịch bằng cách sử dụng token GDPC”, ông chia sẻ.
Bằng cách kết nối GDPC với các lô hàng vận chuyển, Manuirirangi tin rằng điều này sẽ bổ sung giá trị nội tại cho token Truckonomic. “Khi càng nhiều công ty vận tải đường bộ sử dụng GDPC, giá sẽ càng bị tác động nhiều hơn”. Đổi lại, tài xế xe tải sẽ có thể nhận thanh toán nhanh hơn với tỷ lệ cao hơn nhiều – miễn là token được sử dụng và triển khai trên sàn giao dịch crypto. Đồng thời, Manuirirangi nhận định các thành phần của blockchain sẽ giúp thúc đẩy cơ sở hạ tầng của ngành vận tải đường bộ.
“Ngành công nghiệp vận tải đường bộ đã cần đến blockchain trong một thời gian, nhưng vẫn chưa ai tìm ra cách để triển khai công nghệ này một cách hợp lý. Token GDPC được liên kết với Truckonomics có thể hiện đại hóa ngành công nghiệp bằng cách giúp các thanh toán chi phí cao trở nên dễ dàng bằng việc triển khai blockchain, đồng thời mang lại sự minh bạch cho các chuyến hàng vận chuyển”, ông nói.
Ngành vận tải đường bộ đã sẵn sàng cho DeFi chưa?
Mặc dù các khái niệm tokenization và DeFi có thể có tiềm năng cách mạng hóa các khoản thanh toán trong lĩnh vực vận tải đường bộ, nhưng vẫn còn một số thách thức.
Đầu tiên và quan trọng nhất, việc thu hút các công ty vận chuyển và tài xế tham gia vào các mô hình kinh doanh như vậy có thể khó khăn vì crypto vẫn bị nhiều cá nhân hiểu nhầm. Tuy nhiên, Schlump lạc quan rằng 21% người Mỹ đã quen với việc sử dụng crypto. TCS đã tiến hành các cuộc khảo sát nội bộ và phát hiện ra 17% tài xế xe tải sẵn sàng nhận các khoản thanh toán bằng crypto.
“Sẽ ít thách thức hơn khi có hàng triệu công ty vận tải đường bộ và bạn chỉ cần làm việc với khoảng 500 là đã thành công rồi. Về mặt giá trị, điều này có thể thêm hàng nghìn USD mỗi năm vào lương của tài xế lái xe tải, vì vậy điều này cũng tạo ra sự chú ý tích cực“, ông nói.
Từ góc độ pháp lý, Schlump đề cập thêm TCS token không phải là một khoản đầu tư, vì nó hoạt động như một loại hàng hóa với nguồn cung cố định. Hơn nữa, TCS là một công ty có trụ sở tại Wyoming, một yếu tố đã giúp TCS đạt được sự rõ ràng về quy định do lập trường thân thiện với crypto của tiểu bang này.
Bên cạnh đó, Manuirirangi cũng chỉ ra token GDPC của Truckonomic đã được thực hiện qua bài kiểm tra Howey để chứng minh nó không phải là một phương tiện đầu tư. Ông cho rằng đây là một token gốc phi tập trung với chức năng như một hợp đồng thông minh.
Trong khi những tiềm năng này đang tạo được sự chú ý, một số chuyên gia trong ngành cho rằng việc áp dụng DeFi của các doanh nghiệp và tổ chức sẽ còn chậm, do lĩnh vực này vẫn đang trong quá trình phát triển. Mike Belshe – CEO BitGo từng nói mặc dù ông tin DeFi sẽ vượt qua các tổ chức tài chính truyền thống, nhưng sẽ mất ít nhất hai đến ba năm nữa trước khi đạt được tiến bộ thực sự.
Tuy nhiên, các trường hợp sử dụng token trong thế giới thực có thể giúp tăng tốc độ áp dụng.
“Chúng tôi có một trường hợp sử dụng trong thế giới thực, không giống như nhiều dự án dựa trên crypto. TCS đang nhắm mục tiêu đến thị trường 500 tỷ USD một năm, với giá trị gia tăng đáng kể bằng USD khi các công ty vận tải đường bộ thực hiện thanh toán thông qua dịch vụ thanh toán của chúng tôi”, Schlump nhấn mạnh.
Trong khi đó nhiều dẫn chứng các công ty vận tải đường bộ đã và đang triển khai thành công blockchain mà không cần crypto. Ví dụ, Xavier Fernandez, giám đốc công nghệ và trưởng nhóm kỹ thuật của Smart EIR – một hệ thống quản lý container dựa trên blockchain – cho biết đang Smart EIR sử dụng mạng blockchain Antelope (trước đây là EOSIO) để ghi lại lịch sử của các container.
“Chúng tôi tập trung vào biên nhận trao đổi thiết bị, đây là biểu mẫu được tạo mỗi khi một container đi từ điểm giao nhau này sang điểm giao nhau khác”. Theo Fernandez, dữ liệu ảnh từ các thùng chứa này được lưu trữ trên mạng IPFS riêng, trong khi siêu dữ liệu được lưu trữ trên mạng blockchain Antelope.
Mặc dù Fernandez đã đề cập trường hợp sử dụng này có ích cho việc giải quyết tranh chấp và không có yếu tố crypto nào liên quan: “Sự biến động của crypto và những lo ngại về quy định đã tạo ra quá nhiều tranh cãi. Chúng tôi chỉ đang sử dụng blockchain như một sổ cái và một nguồn chân lý duy nhất để tạo niềm tin trong một hệ sinh thái”.