Trí tuệ nhân tạo đang cách mạng hóa nhiều khía cạnh trong cuộc sống hàng ngày. Vậy điều này có ý nghĩa gì đối với không gian Web3?
ChatGPT đã trở thành công cụ nổi bật vượt ra ngoài lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), được tung hô như một hiện tượng văn hóa đại chúng. Lần đầu tiên trong lịch sử, chúng ta thấy công nghệ AI được thảo luận tích cực trên các phương tiện truyền thông chính thống đến các cuộc trò chuyện thường ngày.
ChatGPT là phiên bản mới nhất trong hệ sinh thái các mô hình ngôn ngữ lớn (large generative language models – LLM), nó đang thay đổi bản chất của các công việc như sáng tạo nội dung, phát triển ứng dụng và trải nghiệm người dùng. Ngày càng có nhiều suy đoán về cách ChatGPT và các công nghệ dựa trên mô hình GPT-4 sắp tới có thể tác động đến nhiều lĩnh vực, trong đó có hệ sinh thái Web3.
Những ngày gần đây, các phương tiện truyền thông đã thảo luận cởi mở về vai trò của ChatGPT trong việc chấm dứt sự thống trị của Google, tự động hóa phát triển hợp đồng thông minh và biến Web3 trở thành mô hình kiến trúc thống trị.
Tuy nhiên khi xem xét kỹ, người dùng sẽ nhận thấy nhiều khả năng và giới hạn cụ thể của ChatGPT, cũng như khi kết hợp công cụ này với không gian Web3.
Hiểu thêm về ChatGPT
Có rất ít cuộc thảo luận về các khả năng cụ thể và điểm khác biệt của mô hình ChatGPT. ChatGPT đang đại diện cho một công cụ phát triển tiên phong trong dòng mô hình GPT của OpenAI, và sự phát triển đó đã được cụ thể hóa ở một khía cạnh. Sự khác biệt chính giữa ChatGPT và các ứng dụng tiền nhiệm là nó có khả năng làm theo các hướng dẫn. Các mô hình như GPT-3 đã có thể thực hiện một số tác vụ ngôn ngữ như tóm tắt, trả lời câu hỏi hoặc hoàn thành văn bản dựa trên lời chỉ dẫn.
Tuy nhiên, mô hình GPT-3 thể hiện những hạn chế lớn khi tiếp nhận các hướng dẫn hoặc câu hỏi chưa cụ thể. Vào đầu năm 2022, OpenAI đã công bố InstructGPT, một phiên bản tinh chỉnh của GPT-3 sử dụng kỹ thuật “học tăng cường kết hợp cùng phản hồi của con người” (reinforcement learning with human feedback – RLHF) để tiếp nhận ý định của con người một cách hiệu quả hơn.
Đáng chú ý, OpenAI đã công bố nghiên cứu đằng sau RLHF vào năm 2017 nhưng hầu như không được quan tâm cho đến khi InstructGPT được tạo ra.
Cộng đồng AI gần đây đã bắt đầu đề cập đến các mô hình như ChatGPT với thuật ngữ “mô hình nền tảng” – đề cập đến đặc điểm độc đáo của các mô hình này, được tinh chỉnh cho các tình huống cụ thể. Ví dụ: OpenAI tạo ra Codex, một phiên tinh chỉnh của GPT-3 để tạo mã ngôn ngữ lập trình cung cấp dữ liệu cho các chương trình như GitHub CoPilot. Codex cũng được tích hợp vào ChatGPT.
Khi đã hiểu rõ về tiềm năng cốt lõi và điểm khác biệt của ChatGPT, người dùng có thể nghĩ đến những khả năng có thể được áp dụng trong không gian Web3.
ChatGPT trong thế giới Web3
Các công cụ nền tảng như ChatGPT sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến cách tạo ra và trải nghiệm các phần mềm trong toàn ngành công nghệ. Hệ sinh thái Web3 đại diện cho một mô hình mới của điện toán phân tán, vì vậy sự kết hợp với các mô hình nền tảng như ChatGPT hứa hẹn sẽ kiến tạo một tương lai đầy tiềm năng. Những tiềm năng cụ thể này có thể kết hợp với các công nghệ đã có sẵn.
Trình khám phá dựa trên ngôn ngữ
Trình khám phá là trải nghiệm tìm kiếm trong Web3, đây là khối xây dựng cốt lõi cho các tương tác của con người với blockchain. Tuy nhiên chúng hiện được thiết kế dành cho các chuyên gia tên miền. Hãy tưởng tượng người dùng được cung cấp một phiên bản tinh chỉnh từ ChatGPT về các hoạt động blockchain, họ có thể đặt câu hỏi như “Có tổ chức lớn nào chuyển tiền sang Binance không?” hoặc “Có mô hình thú vị nào trong hoạt động giao dịch gần đây không?”
Tìm kiếm và thu thập thông tin là một trong những trải nghiệm có thể được mô phỏng lại với sự hỗ trợ của các công nghệ như ChatGPT, khi kết hợp với các trình khám phá.
Trợ lý phát triển hợp đồng thông minh
Lập trình hợp đồng thông minh là một nhiệm vụ phức tạp đối với các nhà phát triển. Các thành phần của ChatGPT như Codex có thể tạo mã Solidity từ các mô tả ngôn ngữ.
Hãy nghĩ đến việc một trợ lý hợp đồng thông minh có thể tạo ra đoạn mã hợp đồng thông minh tương ứng khi nhà phát triển nhập một thông điệp bất kỳ, ví dụ như “Mã solidity để yêu cầu flashloan trong Aave là gì?“.
Kiểm toán hợp đồng thông minh
Kiểm toán hợp đồng thông minh là các quy trình chậm chạp và tốn kém nhưng cần thiết. Phần lớn quy trình kiểm toán dựa trên việc thực hiện các thử nghiệm không rõ ràng đối với các nhà phát triển. Các dự án kiểm toán có thể tưởng tượng một phiên bản ChatGPT được nâng cấp có thể hỗ trợ kiểm tra hợp đồng thông minh, bằng cách nhập ngôn ngữ đầu vào và chạy một loạt các bài kiểm tra trong hợp đồng thông minh.
NFT thông minh hơn
ChatGPT có thể cho phép một thế hệ NFT mới kết hợp với trí thông minh đàm thoại. Một bộ sưu tập NFT có thể cho phép người dùng đặt câu hỏi về nguồn cảm hứng của người sáng tạo hoặc các chi tiết nghệ thuật cụ thể.
Ví sử dụng bằng giọng nói
Ví là điểm khởi đầu chính để tương tác với các ứng dụng phi tập trung (dApp) trong thế giới Web3. Cũng giống như trải nghiệm người dùng trong các ứng dụng Web2 đang được mô phỏng lại bằng ChatGPT như một cấu trúc cơ bản, người dùng có thể nghĩ đến một xu hướng tương tự cho ví tiền mã hoá.
Khi sử dụng ví, người dùng chỉ cần bày tỏ ý định thực hiện giao dịch, yêu cầu thông tin hoặc thực hiện các tác vụ cụ thể bằng ngôn ngữ tự nhiên. Sử dụng giọng nói/ngôn ngữ sẽ được xem là xu hướng thú vị trong trải nghiệm người dùng Web3 vào những năm tới.
Web3 trong thế giới ChatGPT
Các mô hình nền tảng như ChatGPT chắc chắn sẽ tạo ra một thế hệ các ứng dụng phi tập trung mới, hệ sinh thái Web3 có thể đóng một vai trò thú vị trong cơ sở hạ tầng cung cấp dữ liệu nền tảng cho các mô hình này. Khả năng kiểm toán là một trong những mối quan tâm chính xung quanh các mô hình như ChatGPT.
Các nội dung có hại, giả mạo, thiên vị hoặc không rõ ràng thường là tâm điểm của cuộc tranh luận về việc áp dụng chính thống ChatGPT và các mô hình tương tự. Sổ cái phân tán là công nghệ phù hợp để mang lại tính minh bạch và khả năng kiểm tra độ tin cậy cho các mô hình như ChatGPT.
Pre-training & fine-tuning là các khía cạnh khác mà nền tảng Web3 có thể đóng góp cho các mô hình như ChatGPT. Ngoài ra, các mạng phi tập trung như blockchain có khả năng tạo điều kiện thuận lợi cho việc đào tạo hoặc tinh chỉnh các mô hình như ChatGPT.
Mong đợi điều gì ở tương lai gần?
ChatGPT và bản phát hành GPT-4 sắp tới đại diện cho làn sóng công nghệ tiềm năng nhất trong vài thập kỷ qua. Tác động chuyển đổi của các mô hình này là có thật và nó chắc chắn sẽ được áp dụng cho Web3. Các công ty như Google với mô hình LaMDA, DeepMind với Sparrow, Anthropic với Claude và Stability AI với phiên bản mã nguồn mở của ChatGPT có khả năng trở thành những người đi đầu trong thời gian tới.
Trong thế giới Web3, các mô hình này sẽ cung cấp những trải nghiệm mới về cách tạo và tương tác với hợp đồng thông minh, dApp, ví, giao thức tài chính phi tập trung (DeFi), NFT và hầu hết mọi lĩnh vực trong hệ sinh thái. Thời đại của các mô hình ngôn ngữ trong Web3 đã đến và ChatGPT mới chỉ là bước khởi đầu.
Theo Jesus Rodriguez – CTO IntoTheBlock