Terraform Labs sẽ ra mắt cổng Crypto Loss Claims Portal vào ngày 31/3/2025, cho phép nhà đầu tư bị ảnh hưởng bởi sự sụp đổ của UST năm 2022 yêu cầu bồi thường.
Terraform Labs sẽ chính thức ra mắt Cổng Đăng Ký Yêu Cầu Bồi Thường Tổn Thất Tiền Mã Hóa (Crypto Loss Claims Portal) vào ngày 31 tháng 3 năm 2025, nhằm hỗ trợ các nhà đầu tư bị ảnh hưởng bởi sự sụp đổ của terrausd (UST) và các loại tiền mã hóa liên quan vào năm 2022. Đây là một bước quan trọng trong quá trình thanh lý tài sản phá sản của công ty.
Quy trình yêu cầu bồi thường do Kroll quản lý
Theo thông báo từ Terraform Labs, toàn bộ quy trình sẽ do Kroll Restructuring Administration LLC quản lý – một công ty chuyên về tái cấu trúc và quản lý phá sản. Các chủ nợ và nhà đầu tư bị ảnh hưởng bắt buộc phải nộp yêu cầu bồi thường trước 11:59 đêm (giờ ET) ngày 30 tháng 4 năm 2025. Những người không đáp ứng thời hạn này sẽ mất quyền nhận bất kỳ khoản bồi thường nào.
Điều quan trọng cần lưu ý là các yêu cầu sẽ chỉ bao gồm tổn thất liên quan đến các loại tài sản mã hóa cụ thể bị ảnh hưởng trực tiếp bởi sự sụp đổ của UST. Tuy nhiên, token Luna 2.0 và các tài sản có thanh khoản on-chain dưới 100 USD sẽ không đủ điều kiện để yêu cầu bồi thường. Danh sách đầy đủ các tài sản hợp lệ sẽ được công bố trên cổng thông tin tái cấu trúc của Kroll khi quy trình chính thức bắt đầu.
Quy trình xác minh sẽ ưu tiên các loại bằng chứng được cho là đáng tin cậy hơn – gọi là “Bằng chứng được ưu tiên” (Preferred Evidence). Ví dụ điển hình là API key chỉ đọc (read-only) từ các sàn giao dịch, giúp đẩy nhanh việc xét duyệt yêu cầu. Ngược lại, các đơn sử dụng “Bằng chứng thủ công” (Manual Evidence) như ảnh chụp màn hình hoặc nhật ký giao dịch có thể bị trì hoãn đáng kể trong quá trình xử lý, hoặc thậm chí bị bác bỏ nếu hệ thống nhận thấy người nộp đơn có thể cung cấp bằng chứng ưu tiên.
Kroll đã cảnh báo rằng các yêu cầu sử dụng bằng chứng thủ công có thể cần được đánh giá riêng biệt, khiến việc đưa ra quyết định mất nhiều thời gian hơn. Sau khi gửi đơn, người nộp sẽ nhận được kết quả sơ bộ trong vòng 90 ngày sau hạn chót, hoặc thông báo cần xem xét kéo dài. Trong trường hợp có tranh chấp về kết quả, người dùng có thể khiếu nại theo quy trình được quy định trong Điều khoản Yêu cầu Tổn thất Tiền mã hóa.
Các yêu cầu được phê duyệt sẽ được phân bổ tỷ lệ theo phần trăm (pro-rata), với điều kiện người nộp đơn phải xác minh danh tính thành công.
Sự sụp đổ của hệ sinh thái Terraform vào năm 2022 đã xóa sổ khoảng 45 tỷ USD giá trị thị trường, bao gồm 28 tỷ USD trong các ứng dụng phi tập trung (dapps) như Anchor. Vụ việc này đã kéo theo một đợt sụt giảm toàn thị trường crypto trị giá khoảng 300 tỷ USD, dẫn đến hàng loạt vụ phá sản của các công ty như Celsius và Voyager, đồng thời thúc đẩy các cơ quan quản lý toàn cầu siết chặt kiểm soát đối với stablecoin.